Thương mại điện tử - chìa khóa để tiếp cận nhiều hơn với khách hàng

VOH - Việc ứng dụng công nghệ AI để phân tích thói quen mua sắm, tạo ra "smart cart" - gợi ý giỏ hàng thông minh là một trong những phương pháp thu hút khách hàng.

Tại buổi chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành, quản trị Công ty AEON Next (Nhật Bản) sáng 11/10, Đoàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM nghe chia sẻ mô hình kinh doanh "chợ trực tuyến kiểu mới" và quy trình tiếp nhận đặt đơn hàng, giao hàng tới người tiêu dùng với hệ thống công nghệ để tối ưu hóa hiệu suất.

Thương mại điện tử - chìa khóa để tiếp cận nhiều hơn với khách hàng 1
Ông Nozawa Tomohiro, Phó Chủ tịch Công ty AEON Next, Chủ tịch Công ty giao nhận AEON Next  giới thiệu mô hình kinh doanh của công ty

Theo đó, khâu đầu tiên quan trọng nhất đó là Công ty AEON Next đã phân tích các yếu tố nhu cầu, tâm lý, thói quen khách hàng để đưa ra hình thức mua sắm hiệu quả nhất.

Tại Nhật Bản, có 60-70% dân cư thành thị, nếu gia đình có hai vợ chồng cùng đi làm, tan tầm lúc 5 - 6 giờ chiều, đi siêu thị lúc 7 giờ tối, nấu ăn xong thì đã rất trễ. Do đó, Công ty đã xây dựng chợ mua sắm trực tuyến "Online Market".

Khi sử dụng hình thức này, người tiêu dùng sẽ giảm thời gian mua sắm để dành nhiều thời gian hơn cho chất lượng cuộc sống.

Đồng thời Công ty dùng công nghệ AI để phân tích thói quen mua sắm, tạo ra "smart cart" - gợi ý giỏ hàng thông minh gồm các sản phẩm, các món ăn, định lượng thực phẩm và gia vị cần mua; người dùng chỉ cần mất 2 giây để mua hàng.

Đối với hình thức này, Công ty AEON Next xác định: Giao diện cần phải đơn giản với khách hàng; lựa chọn phải phong phú ( thời gian phục vụ từ 7 giờ sáng tới 11 giờ chiều; hơn 50.000 mặt hàng); Giúp khách hàng an tâm về cảm giác độ tươi của thực phẩm.

Thương mại điện tử - chìa khóa để tiếp cận nhiều hơn với khách hàng 2
Đoàn nghe giới thiệu về xe tải được thiết kế đảm bảo ổn định nhiệt độ để vận chuyển hàng tới tay người tiêu dùng.

Ông Nozawa Tomohiro, Phó Chủ tịch Công ty AEON Next, Chủ tịch Công ty giao nhận AEON Next cho biết, chỉ riêng về đảm bảo độ tươi của thực phẩm, công ty đã sử dụng màng bọc riêng để giúp sản phẩm có khả năng trao đổi khí phù hợp với từng loại rau; và tiên quyết là quản lý nhiệt độ kỹ càng, ổn định từ kho hàng, vận chuyển tới tủ lạnh của người tiêu dùng.

Dĩ nhiên, với những sự đầu tư này, khách hàng sẽ phải chi trả thêm một phần chi phí đóng gói (túi nylon) và chi phí vận chuyển trong khoảng chấp nhận được.

Để đảm bảo quá trình giao nhận đơn hàng chính xác, Công ty AEON Next đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như: Quản lý tài xế vận hành bằng thiết bị đầu cuối, trong đó có sử dụng công nghệ AI để đánh giá kỹ năng của tài xế; kiểm soát đơn hàng bằng mã barcode; máy móc tự động để tính toán việc sắp xếp đơn hàng (mỗi sản phẩm phải khai báo 180 thông tin); sử dụng robot để thu nhặt hàng.

Đồng thời, phương tiện vận chuyển cũng rất quan trọng, đảm bảo độ chính xác trong giao vận đơn, thuận tiện cho người giao hàng.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố cho biết, TPHCM đã và đang triển khai thương mại điện tử; mặc dù vậy quá trình vận hành còn phải học tập, cải tiến rất nhiều.

Bà cũng mong rằng sau chuyến đi này các đơn vị có liên quan sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm để triển khai ở giai đoạn sắp tới. Đặc biệt là kinh nghiệm đưa nông sản Việt lên sàn thương mại để đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tốt nhất

Hệ thống hỗ trợ tăng sản lượng cây cà chua tại Viện nghiên cứu chất lượng cuộc sống.

Chiều cùng ngày, đoàn tới tham quan Viện nghiên cứu chất lượng cuộc sống để tìm hiểu về việc áp dụng công nghệ để tăng năng suất và cách thức phối hợp giữa công ty tư nhân với chính quyền địa phương trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân rộng phương pháp thực hành.

Đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại chợ đầu mối nông sản Toyosu vào ngày 12/10.

Thu Duyên

Bình luận