TIN TRONG NƯỚC
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế: F0 được ra khỏi nơi cách ly nhưng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách
Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19, một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Hướng dẫn mới của Bộ Y tế là F0 có thể được ra khỏi nơi cách ly nếu mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác, tuy nhiên vẫn phải hạn chế.
Đồng thời, Hướng dẫn này quy định các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 như: Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0; Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.
Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn; Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.
Hiện nay số lượng F0 chăm sóc và điều trị tại nhà chiếm đa số các bệnh nhân mắc COVID-19 tại tất cả các địa phương. Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.
Theo hướng dẫn mới vừa ban hành ngày 14/3, tiêu chí lâm sàng của người mắc COVID-19 điều trị tại nhà gồm: Là người mắc COVID-19 được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do bản thân hoặc người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện
Là người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ. Là người bệnh COVID-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi COVID-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc.
Quảng Ninh: Lần đầu tiên áp dụng lọc máu liên tục cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19 nặng
Bệnh viện số 1 phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành lọc máu liên tục cho 1 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định trở lại.
Được biết, bệnh nhân là người đàn ông 60 tuổi, có tiền sử nhồi máu não năm 2014 di chứng liệt 1/2 người bên phải, tăng huyết áp, đái tháo đường. Bệnh nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Đây là lần đầu tiên, việc áp dụng lọc máu liên tục đối với bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được thực hiện tại Bệnh viện số 1 và đã thành công, mở ra triển vọng mới cho việc điều trị tại cơ sở, giảm thiểu quá trình di chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên.
Cà Mau: Phát hiện 2.500 bộ kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc
Ngày 14/3, tin từ Công an tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị vừa phát hiện số lượng 2.500 kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc tại một hộ kinh doanh trị giá khoảng 150 triệu đồng. Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau đã lập biên bản vụ việc, tạm giữ tang vật vi phạm.
Hiện Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau đã mời chủ hộ kinh doanh làm việc, xác minh số kit test nêu trên để làm rõ và xử lý theo quy định.
Hơn 1.100 người Việt từ Ukraine về nước an toàn
Ngày 13/3, với sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam liên quan đã tổ chức 2 chuyến bay đưa gần 600 công dân Việt Nam cùng gia đình sơ tán từ Ukraine sang Ba Lan và Romania về nước an toàn.
Như vậy, sau 4 chuyến bay, trong đó 2 chuyến bay do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí và 2 chuyến bay do doanh nghiệp tài trợ, đã có trên 1.100 người Việt Nam và thành viên gia đình ở Ukraine được đưa về nước an toàn.
Tính đến 16 giờ ngày 12/3, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.500 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận. Ngoài số người đã về nước, các cơ quan chức năng đang nỗ lực để sớm đưa người Việt ở Ukraine hồi hương trên các chuyến bay tiếp theo.
Động đất 4,5 độ Richter tại Điện Biên
Sáng nay 14/3, một trận động đất mạnh 4,5 độ Richter xảy ra tại H.Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Thời gian rung lắc kéo dài từ 5 - 6 giây, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại khu vực tâm chấn.
Trao đổi với báo chí, ông Lò Văn Xương, Chủ tịch Thị trấn Điện Biên Đông, cho hay: "Trận động đất xảy ra rất nhanh kéo dài trong vòng 2 phút. So với các trận động đất trước, trận động đất lần này mạnh hơn. Người ngồi trong nhà cũng cảm nhận được dây điện, bóng đèn đung đưa. Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ các địa bàn, đến nay chưa có thiệt hại gì về người, tài sản, vật nuôi và các công trình xây dựng".
Trung bình mỗi năm Điện Biên xảy ra từ 3 - 5 trận động đất có cường độ dưới 4,0 độ Richter. Tuy nhiên, tại đây cũng từng ghi nhận 3 trận động đất lớn nhất vào các năm 1935, 1983 và 2001.
Công bố đường dây nóng phản ánh tham nhũng, tiêu cực cán bộ chiến sỹ công an
Thanh tra Bộ Công an vừa có thông báo gửi thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thay đổi số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an.
Theo đó, 0692326555 là số điện thoại đường dây nóng mới của Bộ Công an tiếp nhận tin phản ánh về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ chiến sỹ công an.
Thanh tra Bộ Công an đề nghị thủ trưởng các đơn vị, công an địa phương chỉ đạo niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng mới của Bộ Công an tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính của Công an các đơn vị, địa phương để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, thực hiện.
TIN THẾ GIỚI
Dịch Covid-19 lan nhanh, Trung Quốc phong tỏa trung tâm công nghệ Thâm Quyến hơn 17 triệu dân
Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, hôm qua 13/3, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Thâm Quyến, trung tâm tài chính và công nghệ của nước này. Lần đầu tiên chính quyền nước này cho phép người dân mua các bộ kit xét nghiệm nhanh để sử dụng tại nhà.
Hơn 17 triệu dân của Thâm Quyến được yêu cầu ở nhà và phải thực hiện 3 vòng xét nghiệp sau khi thành phố ghi nhận nhận 66 ca lây lan trong cộng đồng hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch mới nhất, kể từ ngày mai 15/2, lên con số 432.
Theo thông báo của chính quyền Thâm Quyến, tất cả nhân viên của các cơ quan nhà nước, ngoại trừ lực lượng chống dịch, phải chuyển sang làm việc tại nhà hoặc tham gia hoạt động phòng chống dịch. Tất cả doanh nghiệp được yêu cầu để nhân viên làm việc tại nhà. Các hoạt động kinh doanh và sản xuất tạm dừng, ngoại trừ các đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, gas và thực phẩm.
Giữa xung đột, người dân Ukraine đối mặt với nguy cơ khốn khổ vì Covid-19
Theo CNN, trong báo cáo tình hình dịch bệnh từ ngày 3-9/3 công bố hôm 13/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine lên sức khỏe cộng đồng.
Số ca bệnh trong khu vực đã giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện nhiều ca bệnh nặng hoặc tử vong vẫn rất cao do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Ukraine. Hiện hơn 2 triệu người Ukraine đang tị nạn ở các khu vực xung quanh và những nơi này cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tỷ lệ chủng ngừa Covid-19 của Ukraine là khoảng 34% và của nước láng giềng Moldova là khoảng 29%.
Từ ngày 3-9/3, có khoảng 791.021 ca mới nhiễm Covid-19 và 8.012 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Ukraine và các nước xung quanh.
Tình hình chiến sự Ukraine trưa 14/3: hai bên vừa đánh vừa đàm, Mỹ cảnh báo Trung quốc
Các nhà đàm phán của Nga và Ukraine sẽ có cuộc đối thoại trực tuyến trong ngày hôm nay 14/3 trong khi quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc dự kiến cũng sẽ thảo luận về tình hình chiến sự trong cuộc gặp tại Ý.
Song song với những nỗ lực ngoại giao, chiến sự tại Ukraine vẫn đang diễn ra hết sức ác liệt. Ngày hôm qua 13/3, Nga phóng tên lửa tấn công căn cứ quân sự của Ukraine gần biên giới Ba Lan khiến nhiều người thương vong.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ ngày 14/3 đồng loạt dẫn lời các quan chức giấu tên loan tin Nga đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ khí tài quân sự và kinh tế cho chiến dịch tại Ukraine nhưng Bắc Kinh bác bỏ thông tin này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc "chắc chắn" phải đối mặt với hậu quả nếu nước này giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột ở Ukraine.