TIN TRONG NƯỚC
TPHCM: Tạm ngưng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến từ ngày 19/1
Từ ngày 19/1, TPHCM sẽ tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Người bệnh hiện đang được điều trị tại các bệnh viện trên nếu đủ điều kiện xuất viện thì cho xuất viện.
Đối với các bệnh viện dã chiến vẫn duy trì hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán, phân công nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại bệnh viện đến ngày 15/2.
Riêng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 - đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị, chăm sóc người nhập cảnh dương tính, người nhiễm biến chủng Omicron - sẽ được điều động bổ sung nhân viên y tế từ các bệnh viện trên địa bàn đến luân phiên hỗ trợ.
Huế: Vận hành ATM oxy, công bố 194 điểm bán thuốc điều trị Covid-19
Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận xấp xỉ 1.000 ca dương tính với Covid-19, cả xác nhận mã bệnh lẫn test nhanh kháng nguyên.
Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế đã kích hoạt đưa vào vận hành chương trình ATM Oxy nối dài sự sống do Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Cộng đồng tình nguyện tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện, qua số điện thoại 0779.50.70.90.
Đồng thời, công bố danh sách 194 quầy, nhà thuốc có đăng ký bán thuốc điều trị F0 tại nhà trên địa bàn để người dân chủ động mua thuốc điều trị.
Quảng Bình: Nhiều ca cộng đồng mới, thực hiện nhanh việc tiêm vaccine mũi 3
Ngày 15/1, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Bình, tính từ 6h ngày 14/01đến 6h ngày 15/01, tỉnh này ghi nhận thêm 80 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 56 ca cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, từ nguồn vaccine của Bộ Y tế cấp, Sở Y tế đã phân bổ vaccine Pfizer và AstraZeneca cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 bổ sung tăng cường phòng COVID-19 cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã được Bộ Y tế cấp gần 1.200.000 liều vaccine các loại, tỷ lệ sử dụng trên 91%. Trong đó, trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm mũi 1 đạt gần 81%, mũi 2 đạt trên 42%; người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt gần 96% và mũi 2 đạt trên 90%; người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt gần 99% và mũi 2 đạt gần 96%.
TPHCM: Sẽ tổ chức hàng trăm chuyến hàng sắm Tết lưu động
TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức hàng trăm chuyến hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lao động, vùng ven để phục vụ người lao động mua sắm Tết.
Bánh kẹo, nước ngọt, trứng, sữa, rau củ quả đến hàng thời trang, đồ gia dụng nhà bếp... hàng trăm mặt hàng thiết yếu gần như một siêu thị thu nhỏ đang di động, len lỏi khắp nơi, đến tận vùng xa xôi như xã đảo Thạnh An, Cần Giờ.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm nay có tổng cộng 380 chuyến hàng lưu động đã được các doanh nghiệp bình ổn thị trường đăng ký thực hiện. Thời điểm này đang tổ chức 1 tuần/chuyến và thời gian cận Tết sẽ tăng số lượng chuyến xe nhiều hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tổ chức các chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" tại các công ty lớn, khu chế xuất, khu công nghiệp… để phục vụ tối đa người lao động thu nhập thấp, không có điều kiện về quê đón Tết.
Đà Nẵng: 2.500 suất quà Tết chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn
Ngày 15/1, Thành Đoàn Đà Nẵng khởi động chương trình chăm lo Tết cho người nghèo với hoạt động trao tặng quà Tết cho 100 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại quận Hải Châu, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng.
Đây là hoạt động thường niên của Thành Đoàn Đà Nẵng nhằm san sẻ những phần quà ý nghĩa, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố đón tết đầm ấm, vui tươi, sung túc hơn.
Theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thành Đoàn Đà Nẵng sẽ thực hiện trao tặng tổng cộng 2.500 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cho hộ nghèo, thiếu nhi, đoàn viên thanh niên, hộ gia đình bị F0 có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Từ 1/3/2022, Ô tô điện chạy pin được miễn lệ phí trước bạ lần đầu trong 3 năm
Ngày 15/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị định số 10 quy định về lệ phí trước bạ. Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%).
Với ô tô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Mức thu với xe máy; ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô có cùng mức thu là 2%. Riêng xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 5%; đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%.
TIN THẾ GIỚI:
Pháp phê duyệt vaccine của Novavax
Ngày 14/1, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ.
Theo HAS, dữ liệu từ các nghiên cứu khác nhau cho thấy vaccine Nuvaxovid có hiệu quả cao, giúp giảm tới 90% các triệu chứng và có thể ngăn ngừa bệnh nặng lên đến gần 100%. Loại vaccine này có thể sử dụng để tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên, với khoảng cách giữa liều thứ nhất và liều thứ hai là 3 tuần.
HAS cho biết thêm vaccine Novaxovid có thể sử dụng cho những người chưa tiêm liều vaccine nào hoặc không thể tiêm vaccine theo công nghệ mRNA. Đến nay, Pháp đã cấp phép lưu hành 5 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.
Canada thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng phó với đại dịch
Dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc có một hệ thống nghiên cứu y tế sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp. Để tăng cường năng lực nghiên cứu của Canada, ngày 14/1, Bộ trưởng Y tế Canada đã tuyên bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu về sẵn sàng ứng phó với đại dịch và các tình huống y tế khẩn cấp, với khoản đầu tư hàng năm trị giá 18,5 triệu CAD. Trung tâm nghiên cứu này trực thuộc Viện Nghiên cứu y tế Canada, sẽ hợp tác với các bộ và cơ quan liên bang, cũng như các bên liên quan trong nước và quốc tế. Trung tâm sẽ tập trung phát triển khả năng nghiên cứu và huy động kiến thức nhằm ngăn chặn, chuẩn bị, đối phó và hồi phục từ đại dịch.
Kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện cuối năm 2019, Chính phủ Canada đã hỗ trợ các nghiên cứu đối phó đại dịch với khoản đầu tư gần 280 triệu CAD thông qua Viện Nghiên cứu y tế Canada.
Brazil: Ca mắc biến thể Omicron tăng mạnh
Brazil đang phải hứng chịu sự gia tăng mạnh về số ca COVID-19 khi biến thể Omicron lan truyền khắp đất nước, gây áp lực lên các dịch vụ y tế và nền kinh tế.
Các trường hợp được xác nhận mắc mới COVID-19 đã tăng gần gấp đôi kể từ tuần trước, với mức trung bình mắc mới trong 7 ngày qua tăng lên trên 52 nghìn ca/ngày. Mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 120 người tử vong.
Nhu cầu về y tế tăng cao, các bệnh viện đang thiếu nhân lực do nhiều bác sĩ và y tá tự cách ly do mắc COVID-19. Tổng thống Brazil tiếp tục bị chỉ trích các hạn chế vì đại dịch, đưa ra quan điểm chống đóng cửa, từ chối đeo khẩu trang ở nơi công cộng và không tiêm chủng.
Anh phát triển xét nghiệm phát hiện F0 còn khả năng truyền bệnh hay không
Các nhà nghiên cứu ở Anh cho hay, họ đã phát triển được một loại xét nghiệm PCR nhạy hơn, nên phát hiện được một người dương tính với COVID-19 có còn khả năng truyền bệnh hay không.
Xét nghiệm PCR được sử dụng hiện thời phát hiện được virus COVID-19, nhưng cũng phát hiện cả những mảnh xác virus còn lại sau khi bệnh nhân đã qua thời kỳ truyền bệnh. Loại xét nghiệm mới thì phát hiện được virus còn hoạt động hay không.
Hiện nước Anh đã giảm thời gian tự cách ly của F0 xuống còn 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính. Các doanh nghiệp đã kiến nghị rất nhiều về chuyện thiếu nhân lực, vì nhân viên mắc COVID-19 phải cách ly quá lâu.
Nhật: Nghiên cứu mới về vi khuẩn đường ruột
Để làm sáng tỏ yếu tố giúp giảm tỷ lệ tử vong ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản và một số quốc gia Bắc Âu, các nhà khoa học thuộc Đại học Nagoya (Nhật Bản), đã phân tích dữ liệu về vi sinh vật đường ruột ở 953 người, đến từ 10 quốc gia.
Nghiên cứu của Đại học Nagoya cho thấy vi khuẩn đường ruột Collinsella biến đổi axit mật ở ruột non thành 1 loại axit có khả năng ngăn chặn sự liên kết của virus corona với thụ thể tế bào. Loại axit này cũng có thể ức chế phản ứng miễn dịch gây chết người ở bệnh nhân mắc Covid-19, được gọi là “bão cytokine”.
Những nơi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp, chẳng hạn Hàn Quốc, Nhật Bản và Phần Lan, vi khuẩn đường ruột Collinsella có hàm lượng cao nhất, chiếm 34-61%. Trong khi đó, ở Bỉ, Anh, Italy và Mỹ - nơi có tỷ lệ tử vong cao - hàm lượng vi khuẩn Collinsella thấp nhất, khoảng 4-18%. Kết quả được công bố trên tạp chí y học và khoa học Plos One của Mỹ vào cuối tháng 11/2021, sau khi trải qua một cuộc kiểm duyệt.
Singapore cấm người chưa tiêm ngừa COVID-19 đến công sở
Singapore chính thức cấm người chưa tiêm chủng đến nơi làm việc, xóa bỏ quy định cho phép người chưa tiêm ngừa COVID-19 đi làm nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Quy định được áp dụng từ ngày 15/1 như một phần của kế hoạch kiểm soát dịch giai đoạn 2 đối với người lao động.
Cụ thể, “chỉ những người đã tiêm phòng đầy đủ, hoặc được chứng nhận là không đủ điều kiện y tế để tiêm, hoặc vừa khỏi COVID-19 trong vòng 180 ngày mới có thể trở lại nơi làm việc”, Bộ Nhân lực Singapore tuyên bố.
Những nhân viên chưa tiêm ngừa COVID-19 và không thuộc nhóm miễn trừ nêu trên sẽ “không được phép đến công sở ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2".