Chuyến bay đầu tiên đưa người Việt ở Ukraine về nước đã hạ cánh tại Nội Bài
Chuyến bay đầu tiên chở 287 người Việt Nam ở Ukraine về nước khởi hành từ Romania đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài (TP Hà Nội) trưa nay 8-3. Trong 287 công dân có 14 trẻ em dưới 2 tuổi và một số công dân có bệnh nền.
Sau hành trình kéo dài gần 11 tiếng từ Bucharest về Hà Nội, đây là những công dân Việt Nam đầu tiên trở về nước do tình hình chiến sự phức tạp ở Ukraine. Việc khai thác đến Ukraine không thực hiện được vì là vùng chiến sự nên hãng hàng không đã xây dựng phương án khai thác đến các điểm thuộc các quốc gia láng giềng của Ukraine và Romania là một trong số đó.
Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đã đón và thăm hỏi bà con tại sân bay. Đây là chuyến bay sơ tán nhân đạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, được tổ chức miễn phí để đón bà con trở về. Để tổ chức thành công chuyến bay, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã tích cực làm việc với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời thông tin đến công dân Việt Nam và hướng dẫn công dân đăng ký về nước.
Giá vàng SJC “bốc hơi” hơn 2 triệu đồng/lượng chỉ sau 2 giờ
Chưa đầy nửa tiếng sau khi mở cửa phiên giao dịch sáng 8/3, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn điều chỉnh giá mua vào vàng SJC tăng thêm 600.000 đồng, bán ra tăng 400.000 đồng mỗi lượng, lần lượt lên 72,4 triệu đồng và 74 triệu đồng.
15 phút sau, giá mua vào được đẩy lên 72,8 triệu đồng và bán ra 74,4 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, đến 11h30, giá vàng SJC giảm mạnh về mức 70,4 – 72,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 2,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Như vậy, so với mốc cao chưa từng có là 74,4 triệu đồng/lượng thì giá vàng SJC tại đây đã "bốc hơi" hơn 2 triệu đồng/lượng, chỉ sau 2 giờ đồng hồ.
Tuyến xe buýt điện đầu tiên lăn bánh ở TPHCM
Sáng 8/3, tại Thành phố đã chính thức khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Xe tiếp cận đến các địa bàn tập trung nhu cầu đi lại cao của người dân như các công ty, nhà máy khu công nghệ cao, khu đô thị mới, trung tâm hành chính TP Thủ Đức… Đây đều là những khu vực có nhiều tuyến đường thiết yếu, đông dân cư nhưng chưa có hoặc mật độ xe buýt phục vụ còn khá thấp. Tuyến D4 có tần suất hoạt động 20 phút/chuyến, dịch vụ xuyên suốt từ 5h đến 21h15 hàng ngày. Giá vé áp dụng cho xe buýt điện trên địa bàn TPHCM là 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/lượt với nhóm khách còn lại. Vé tập bán trước có giá 157.500 đồng/tập 30 vé.
Xe buýt điện cũng được trang bị cổng sạc điện thoại, wifi miễn phí phục vụ hành khách. Việc đưa xe buýt điện vào hoạt động với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đồng thời thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn phương tiện giao thông xanh.
Dàn cảnh trộm iPhone 11 của nữ sinh ở TP Thủ Đức
Công an phường Phước Long B đang phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Thủ Đức, TP.HCM, truy xét cặp đôi dàn cảnh trộm điện thoại của một nữ sinh.
Chiều 7/3, nữ sinh lớp 11 đi học về đến hẻm 1C, đường 22, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, gặp một cặp đôi lớn tuổi. Lúc này, người đàn ông lái xe máy va quệt vào xe của nữ sinh, còn người phụ nữ lợi dụng lúc nạn nhân mất cảnh giác móc chiếc iPhone 11 để trong hộc xe phía trước. Về đến nhà, nữ sinh mới phát hiện mình bị trộm. Nạn nhân quay trở lại hiện trường, xin người dân trích xuất hình ảnh từ camera an ninh và trình báo cho công an địa phương.
Thông xe cầu vượt Dầu Giây sau nhiều năm chậm tiến độ
Ngày 8/3, cầu vượt Dầu Giây thuộc dự án nút giao thông ngã tư Dầu Giây (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) đã được thông xe. Các phương tiện giao thông cơ giới được phép lưu thông 2 chiều theo hướng Hà Nội – TP HCM và ngược lại trên cầu vượt Dầu Giây khi đi qua khu vực nút giao ngã tư này. Dự kiến toàn bộ dự án nút giao ngã tư Dầu Giây sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3.
Dự án xây dựng nút giao ngã tư Dầu Giây được khởi công xây dựng từ tháng 3/2017. Theo kế hoạch, đến tháng 3/2018, công trình sẽ hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án liên tục chậm tiến độ.
Hải Phòng đã tìm được đối tượng thả cháu bé xuống cống
Mới đây, qua nguồn tin báo từ quần chúng nhân dân, công an phường Máy Tơ, công an quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã xác định và tìm được đối tượng chở cháu Phạm T.P.L. hơn 2 tuổi rồi bỏ rơi dưới cống ngập nước vào ngày 1/3.
Đối tượng được xác định là bà Trần Thị Thu H., sinh 1977, trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền. Vào ngày 1/3, lúc 14 giờ, bà Trần Thị Thu H. có đi qua ngõ 229 Hàng Kênh, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân thấy cháu L. chơi một mình không ai trông nên đã bế lên xe đạp chở đi. Đến 16 giờ cùng ngày, một người dân nhìn thấy bà H. chở cháu bé tới gần cống nước ở đường Đông Khê 2 và có hành vi thả cháu bé xuống. Bị phát hiện, bà H. vội lên xe bỏ đi, mặc cháu bé đang ngâm dưới cống nước. Rất may, cháu L đã được người dân gần đó và công an phường Đằng Giang phối hợp giải cứu, bàn giao cháu bé cho gia đình.
Được biết, bà Trần Thị Thu H. có biểu hiện tâm thần do di chứng từ 1 vụ tai nạn giao thông năm 10 tuổi, đã có bệnh án điều trị tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Hải Phòng và thường xuyên bỏ nhà đi lang thang.
Tình tiết bất ngờ vụ bó hoa đính 100 cây vàng gây xôn xao ở Cần Thơ
Mới đây trên TikTok xuất hiện một video giới thiệu bó hoa gắn 100 cây vàng 9999 của một shop hoa trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, thu hút hàng ngàn lượt like và bình luận.
Sáng nay, chị Lương Thị Giàu, chủ shop hoa ở đường Lý Tự Trọng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, bó hoa 100 cây vàng 9999 là do một người đàn ông ở Đà Nẵng đặt hàng chứ không phải đại gia ở Cần Thơ như tin đồn. Ngoài ra, bó hoa này do shop hoa của chị Giàu thực hiện.
Sau đó, nhiều phương tiện truyền thông đã phỏng vấn người được cho là chủ shop làm ra bó hoa 100 cây vàng nói trên là anh Minh Đức. Trên báo chí, anh Minh Đức nói, có một vị khách khoảng 50 tuổi ở Cần Thơ đến shop hoa của anh đặt làm bó hoa vàng tặng vợ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Theo yêu cầu của khách, bó hoa sử dụng hoa bi trắng, bên ngoài bọc giấy gói màu đỏ nhung; đặc biệt là đính 100 cây vàng 9999. Anh còn khẳng định, anh mở shop hoa trên 10 năm và đây là lần đầu tiên anh nhận gia công bó hoa có một không hai.
Tuy nhiên, ngay sau đó, chị Lương Thị Giàu đã lên báo và khẳng định, anh Minh Đức chỉ là người làm công cho shop của chị. Chị Giàu mới chính là chủ nhân làm ra bó hoa 100 cây vàng nói trên.
TIN THẾ GIỚI
Vòng đàm phán thứ 3 Nga - Ukraine chỉ đạt một vài tiến triển nhỏ về sơ tán dân thường
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã không đạt được những kết quả đáng kể trong vòng đàm phán thứ 3 tại Belarus nhưng đã tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan hoạt động sơ tán dân thường.
Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Belarus thông báo vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine tại vùng Brest của Belarus đã kết thúc. Cuộc đàm phán kéo dài gần 3 giờ tại Belovezhskaya Pushcha ở biên giới Belarus và Ba Lan.
Phát biểu sau các cuộc thảo luận, ông Meinsky cho biết hai bên đã tiếp tục bàn về các vấn đề quân sự và chính trị. Tuy nhiên, ông nhận định đàm phán vẫn khó khăn, còn quá sớm để nói về kết quả tích cực. Ông cũng cho biết đoàn đàm phán của Nga đã mang theo nhiều tài liệu, trong đó có những thỏa thuận chi tiết. Phía Ukraine không ký kết những tài liệu này mà mang về nghiên cứu.
Ông nêu rõ một cách thẳng thắn là phía Nga chưa đạt được những kỳ vọng từ các cuộc đàm phán nhưng hy vọng lần tiếp theo hai bên sẽ có thể tiến thêm một bước đáng kể hơn. Ngoài ra, trong cuộc đàm phán lần này, hai bên đã tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan hoạt động sơ tán dân thường, trong đó phía Ukraine đảm bảo rằng các hành lang nhân đạo sẽ hoạt động từ ngày 8/3.
Về phần mình, nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cũng cho biết trong vòng đàm phán thứ ba với Nga, hai bên đã đạt được một vài tiến triển nhỏ về hoạt động hậu cần sơ tán dân thường, song không có thỏa thuận nào có thể cải thiện đáng kể tình hình chung. Ông Mykhailo Podolyak thông báo hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Âu lo về chiến sự ở Ukraine, người dân Ấn Độ đổ xô mua dầu ăn và nhiên liệu
Người dân Ấn Độ đổ xô đi mua để tích trữ dầu ăn và nhiên liệu do lo ngại xung đột Nga - Ukraine khiến những mặt hàng này thiếu hụt cũng như giá cả leo thang.
Thực tế, giá dầu ăn tại Ấn Độ đã tăng hơn 20% trong vòng chưa đầy một tháng qua, sau khi trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin giả mạo về tình trạng thiếu hụt của mặt hàng này. Giá dầu thô thế giới cũng đang tăng vọt có thể khiến New Delhi cân nhắc tăng giá nhiên liệu trong thời gian tới.
New Delhi nhập khẩu hơn 90% lượng dầu hướng dương từ Nga và Ukraine, mặc dù dầu hướng dương chỉ chiếm khoảng 14% tổng lượng dầu ăn nhập khẩu của nước này. Ông BV Mehta, Giám đốc Hiệp hội các công ty chiết suất dung môi ở Mumbai, cho biết nguồn cung cấp các loại dầu ăn khác như dầu cọ, đậu nành, dầu hạt cải … vẫn đủ cho thị trường nên người dân không cần lo lắng. Còn với nhiên liệu, các công ty dầu mỏ do chính phủ Ấn Độ điều hành đã không tăng giá kể từ ngày 4/11 năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử ở trong nước, chiến sự tại Ukraine nên người dân Ấn Độ lo lắng chính phủ sẽ tăng giá sớm nhất vào ngày mai (9/3).
Brazil: Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong một thập niên
Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết, GDP của Brazil trong năm 2021 đạt mức 1.610 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ năm 2010 tại Brazil.
Tăng trưởng GDP trong năm vừa qua đã giúp Brazil bù đắp những thiệt hại trong năm 2020, khi nền kinh tế nước này suy giảm 3,9%, mức thấp nhất trong vòng 24 năm, do những tác động gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Các nhà phân tích tài chính cho rằng, nền kinh tế Brazil trong năm nay sẽ bước vào giai đoạn đình trệ với tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Nước này cũng có khả năng sẽ đối mặt với bất ổn chính trị từ cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới đây, cũng như những vấn đề từ bên ngoài.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, GDP của Brazil sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm nay. Trong khi đó, Chính phủ Brazil tỏ ra lạc quan hơn và kỳ vọng mức tăng trưởng 2,1%.
Người Indonesia dùng hàng Indonesia
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm điện và điện tử, Chính phủ Indonesia đang khuyến khích doanh nghiệp thay thế các sản phẩm nhập khẩu này bằng các sản phẩm sản xuất trong nước.
Theo chiến lược, Indonesia sẽ ưu tiên cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn như máy móc, hóa chất, kim loại, điện tử, thực phẩm, thiết bị điện, dệt may, ô tô, kim loại, cao su... Đồng thời, Indonesia sẽ khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường tiện ích của ngành sản xuất trong nước và thúc đẩy đầu tư để sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
Để ủng hộ các sản phẩm nội địa và bảo vệ sự bền vững, tăng khả năng cạnh tranh cũng như tạo cơ hội cho các ngành công nghiệp trong nước phát triển, chính phủ đã tối ưu hóa việc sử dụng các sản phẩm trong nước bằng cách quy định tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp nhất 40%. Quy định này nhằm khuyến khích tất cả sản phẩm được sản xuất trong nước tham gia vào các dự án mua sắm hàng hóa và dịch vụ bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng tiền của các doanh nghiệp nhà nước.