Để kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, Google đã cập nhật ảnh đại diện trên trang chủ bằng một Doodle đặc biệt.
Chia sẻ về Doodle của mình, Google cho biết: "Những hình ảnh đưa chúng ta đi khắp thế giới để có cái nhìn thoáng qua về cuộc sống hàng ngày của những người phụ nữ ở các nền văn hóa khác nhau. Từ một người mẹ làm việc tại nhà đến một người thợ sửa xe máy đang truyền dạy kỹ năng của mình cho thế hệ tiếp theo. Mỗi hình minh họa được mô tả trong doodle được kết nối bởi một chủ đề chung về cách phụ nữ thể hiện vì bản thân, gia đình và cộng đồng của họ. Chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ!".
Ngày Quốc tế phụ nữ, còn gọi là Ngày Liên hiệp quốc vì Nữ quyền và Hòa bình quốc tế, được tổ chức vào ngày 8/3 hằng năm. Lịch sử ngày Quốc tế phụ nữ bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của những nữ công nhân Mỹ.
Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng những người chủ tư bản trả lương họ rất rẻ mạt.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Chicago và New York. Mặc dù bị những người chủ tư bản ra tay đàn áp, những người phụ nữ vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ.
Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt là những phụ nữ ở nước Đức. Phong trào đấu tranh đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ nổi bật là bà Clara Zetkin (người Đức) và bà Rosa Luxemburg (người Ba Lan). Nhận thức sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã phối hợp với Krupskaya (vợ của Lenin) vận động thành lập Ban Thư ký phụ nữ quốc tế. Bà Clara Zetkin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Copenhagen (thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ - ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: "Ngày làm 8 giờ. Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em".
Từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động toàn thế giới.
Năm 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 3 ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, với hơn một triệu người tham gia.
Năm 1914 ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8 tháng 3, có thể bởi vì ngày đó là chủ nhật và kể từ đó ngày này được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 ở tất cả các quốc gia.
Liên Hợp Quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong Năm Quốc tế Phụ nữ - năm 1975. Năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mời các quốc gia thành viên tuyên bố ngày 8 tháng 3 là Ngày của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.