Cả nước có 48 tỉnh, thành “vùng xanh”
Cập nhật cấp độ dịch của Bộ Y tế đến 12h ngày 9/2 cho thấy, số tỉnh, thành "vùng xanh" - cấp độ 1 về dịch COVID-19 đã tăng lên 48 địa phương; 15 tỉnh, thành còn lại là "vùng vàng"- cấp độ 2 về dịch COVID-19. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là "vùng cam" và "vùng đỏ".
Như vậy so với cập nhật cách đây 4 ngày, số tỉnh, thành là "vùng xanh" đã tăng lên 7 địa phương (thời điểm ngày 6/2 chỉ có 41 tỉnh, thành thuộc "vùng xanh") và số "vùng vàng" giảm xuống 7 địa phương (22 tỉnh, thành vào ngày 6/2).
Đồng Nai tổ chức dạy và học trực tiếp từ ngày 14/2
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các trường trên địa bàn chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư y tế và lên phương án phòng, chống dịch COVID-19; liên hệ với phụ huynh để nắm tình hình sức khỏe của học sinh nhằm làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa.
Đến nay, Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, tỉnh trở thành vùng xanh, mỗi ngày chỉ ghi nhận dưới 100 ca mắc. Đây là tiền đề để tỉnh đưa ra chủ trương tổ chức dạy và học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 14/2.
Hà Nội nằm trong top 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2022
Kết quả bình chọn dựa trên hàng triệu đánh giá và ý kiến của du khách trên toàn thế giới. Trong đó, Thủ đô Hà Nội xếp hạng thứ 22 trong danh sách với nhiều món ngon lâu đời mà thực khách nên thử như phở, bún chả, bánh cuốn, bánh mì, cà phê trứng.
Hồi đầu năm 2021, Hà Nội và Hội An đã góp mặt trong top 25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2021, cũng do người dùng Tripadvisor bình chọn.
Đề xuất xây tòa tháp cao nhất TP.HCM
Ngày 9/2, lãnh đạo Huyện ủy Bình Chánh (TP.HCM) cho biết Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh vừa có buổi làm việc để nghe Tập đoàn FLC báo cáo chi tiết về kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Theo đó, Tập đoàn FLC đề xuất đầu tư Khu đô thị (KĐT) nghỉ dưỡng Smart Eco City trên địa bàn xã Bình Lợi và xã Tân Nhựt (H.Bình Chánh) với quy mô 1.154 ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng với điểm nhấn là tòa tháp Landmark 99 tầng.
Dự án của Tập đoàn FLC đề xuất gồm 5 phân khu: KĐT sinh thái, KĐT sáng tạo và khoa học kỹ thuật, KĐT nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, KĐT dịch vụ, tái định cư và nhà ở xã hội, khu dân cư hiện hữu và tái định cư. Một số tiện ích khác được quy hoạch có thể kể đến là công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, công viên trung tâm và hồ điều hòa, khu nghỉ dưỡng, học viện golf, khu chăm sóc sức khỏe, trung tâm mua sắm, trường học quốc tế… Ngoài ra, dự án cũng có các khu nhà ở cao tầng, thấp tầng, cao cấp và khu tái định cư với nhà ở xã hội và nhà ở trung cấp đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 165.000 - 180.000 người.
Tình hình dịch bệnh đến 16h ngày 9/2
Tính từ 16h ngày 8-2 đến 16h ngày 9/2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 23.953 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.052 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 16.608 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hòa Bình (-926), Hải Dương (-125), Thái Nguyên (-122).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+720), Hải Phòng (+465), Bắc Ninh (+349).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.584 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca COVID-19 do biến thể Omicron tại TP.HCM (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
TIN THẾ GIỚI
Nhật Bản gia hạn biện pháp chống COVID-19 cho 13 tỉnh, thành thêm 3 tuần
Ngày 9/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo chính phủ nước này sẽ gia hạn các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác thêm 3 tuần, giữa bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan.
Theo Hãng tin Reuters, Nhật Bản liên tục ghi nhận những kỷ lục đáng buồn về số ca nhiễm và người tử vong kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện. Thủ tướng Kishida cho biết các biện pháp hạn chế sẽ kéo dài đến ngày 6/3, thay vì kết thúc vào 13/2 như dự kiến ban đầu. Quyết định cuối cùng về việc gia hạn các biện pháp này sẽ được chính phủ công bố trong ngày 10/2, sau khi tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia.
Ông Kishida cũng cảnh báo có nguy cơ hoạt động kinh tế sẽ bị cản trở khi số ca mắc tăng. Chính quyền trung ương sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tại Tokyo và Osaka để thành lập khoảng 1.000 cơ sở y tế dã chiến chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong khoảng 2 năm đại dịch COVID-19 xảy ra, Nhật Bản từng áp dụng các lệnh khẩn cấp ở nhiều cấp độ để ngăn ngừa dịch lây lan.
Dịch tăng mạnh ở thành phố Trung Quốc sát biên giới Việt Nam
Thành phố Bách Sắc của Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Tây và gần biên giới Việt Nam, ghi nhận thêm 72 ca mắc COVID-19 ngày 8/2, làm gia tăng lo ngại dịch lan sang các thành phố khác. Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Bách Sắc từ ngày 7/2, trong đó người dân bị cấm rời khỏi thành phố và không được ra khỏi nhà tại một số khu vực.
Theo Hãng tin Bloomberg, 5 quận tại thành phố này đã chuyển toàn bộ đèn giao thông sang màu đỏ để hạn chế tối đa giao thông dù đảm bảo việc đi lại vì các lý do quan trọng như chữa bệnh, giao hàng hoặc chống dịch.
Việc sản xuất nhôm ở Bách Sắc đã phải tạm ngưng trong bối cảnh thành phố này bị phong tỏa. Các thành phố lân cận với Bách Sắc cũng đặt trong tình trạng báo động và đã có các biện pháp ngăn chặn sớm. Thành phố Hà Trì, ở phía tây Bách Sắc, đã cho theo dõi xuyên suốt các tuyến đường bộ và cao tốc, trong khi Liễu Châu cũng kiểm tra những người vào thành phố. Trong khi đó, thành phố Nam Ninh từ ngày 9-2 yêu cầu những người đến từ Bách Sắc phải cách ly ở nhà và không được đến các nơi công cộng, cửa hàng.
Malaysia mở cửa biên giới vào tháng 3
Hội đồng Phục hồi Quốc gia của Malaysia đã đồng ý mở cửa hoàn toàn các cửa khẩu biên giới quốc tế vào tháng 3 tới để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của đất nước. Việc mở cửa dự kiến sớm nhất là từ ngày 1/3 tới. Người nhập cảnh không phải trải qua bất kỳ quy định cách ly nào mà chỉ phải xét nghiệm COVID-19 trước và ngay sau khi nhập cảnh vào Malaysia.
Bộ Y tế Malaysia dự kiến sẽ sớm công bố chi tiết đầy đủ về các yêu cầu và các quy trình vận hành cho việc mở cửa trở lại. Hiện tại, Malaysia đã cho phép nhập cảnh không cần cách ly đối với người đến từ Singapore theo thỏa thuận song phương. Khoảng 98% người trưởng thành ở Malaysia đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và hơn một nửa đã tiêm mũi tăng cường.
Nga và Ukraine liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận
Tình hình Nga - Ukraine tiếp tục leo thang căng thẳng khi cả hai phía đều liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận trên bộ và trên biển.
Nga đã điều 6 chiến hạm từ Địa Trung Hải tới Biển Đen để tham gia tập trận hải quân. Moscow tuyên bố, trong tháng 1 và tháng 2, hải quân nước này sẽ tổ chức một loạt cuộc tập trận với sự tham gia của tất cả các hạm đội từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương. Đồng thời khẳng định đây là hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước. Nga cũng triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 chuẩn bị cho các cuộc tập trận chung với Belarus từ ngày 10 tới ngày 20 tháng này.
Để đáp trả động thái này của Nga, Bộ Quốc phòng Ukraine cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ ngày 10/2. Trước việc Nga đẩy mạnh các hoạt động tập trận trong thời gian gần đây, Mỹ và đồng minh đã cáo buộc Moscow chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ giả thuyết này.
Giá nhiên liệu tiếp tục tăng mạnh tại châu Âu
Tại các nước châu Âu, từ 2 tháng trở lại đây, giá xăng dầu tăng liên tục hàng tuần. Ngày 8/2, giá dầu diezel đã lên mức kỷ lục. Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh giảm giá lại càng xa vời.
Giá xăng dầu trong suốt mấy tháng vừa rồi cứ tuần sau cao hơn tuần trước. Giữa tháng 10 năm ngoái, giá nhiên liệu tại châu Âu đã lên tới mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Kỷ lục ấy chưa là gì so với giá lúc này. Tại Bỉ, một lít dầu diezel là 1,78 euro, xăng 95 là 1,66.
Giá xăng dầu đã xuống rất thấp trong năm 2020, giờ bật lên và lại bật lên cao tới mức vượt xa mọi dự đoán trước đó. Kinh tế châu Âu đang hồi phục mạnh mẽ làm tăng nhu cầu nhiên liệu, giá dầu thô đang ở mức rất cao và nguy cơ tăng vọt thêm nữa nếu như chiến tranh bùng phát trên biên giới Ukraine, hoặc Mỹ cấm vận ngăn cản Nga bán dầu thô. Chính phủ nhiều nước châu Âu đã giảm thuế giá trị gia tăng đánh vào điện năng, trợ cấp chi phí khí đốt sưởi ấm, thế nhưng vẫn không giảm thuế đánh lên xăng dầu. Trong giá lít xăng, quá nửa là các loại thuế khác nhau.