Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tin nóng sáng 15/3: Bộ Y tế 'đính chính': Không có chuyện F0 được ra khỏi nhà

(VOH) - Theo Bộ Y tế, F0 chỉ được rời phòng cách ly trong nhà, không cho phép F0 ra khỏi nhà.

Bộ Y tế 'đính chính': Không có chuyện F0 được ra khỏi nhà

Quy định 'cho F0 rời khỏi nơi cách ly' trong hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà ban hành hôm nay vừa được Bộ Y tế 'đính chính', theo đó, F0 chỉ được rời phòng cách ly trong nhà, không cho phép F0 ra khỏi nhà.

Theo Bộ Y tế, "nơi cách ly" trong hướng dẫn này cần được hiểu là "phòng cách ly" trong nhà, F0 được rời khỏi phòng cách ly và đi lại trong nhà, với điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách với người trong nhà, không phải cho phép F0 rời khỏi nhà.

tin-nong-sang-15-3-voh.com.vn-anh1
F0 được chăm sóc y tế tại nhà ở TP.HCM. (Ảnh: TTO)

Bộ Y tế cũng cho rằng hiện COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm gây dịch và Tổ chức Y tế thế giới chưa công bố kết thúc thời kỳ đại dịch với căn bệnh này. Các quy định hiện hành vì vậy vẫn yêu cầu cách ly F0 và thực hiện các biện pháp phòng dịch như hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó, trưa 14-3, do văn bản của Bộ Y tế không rõ ràng, nhiều ý kiến đã băn khoăn nếu cho F0 ra khỏi nhà sẽ khó giữ khoảng cách để phòng dịch, có thể dẫn tới lây lan COVID-19.

Việt Nam đạt tỉ lệ tiêm chủng nhóm cao nhất toàn cầu

Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỉ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.

Việt Nam đã kêu gọi sự đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng nhau chống dịch, nhất là chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, trang thiết bị y tế và đặc biệt là tiếp cận công bằng, bình đẳng về vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

tin-nong-sang-15-3-voh.com.vn-anh2
Thủ tướng gặp gỡ các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: VGP)

Thực tế, dịch bệnh tác động đến toàn dân, không người dân nào an toàn khi người dân khác còn mắc bệnh, nên phải có cách tiếp cận toàn dân; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực; mọi chính sách đều hướng đến người dân và mọi người dân phải tham gia phòng chống dịch.

Với Việt Nam, ba trụ cột được rút ra về phòng chống dịch gồm cách ly, xét nghiệm, điều trị, công thức "5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác". Trong đó, vắc xin là "lá chắn" an toàn nhất cho người dân để phòng, chống COVID-19.

Vì vậy, Việt Nam đã triển khai chiến lược vắc xin, đẩy nhanh ngoại giao vắc xin, thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19; tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Việt Nam chính thức mở cửa du lịch

Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo Bộ VH-TT&DL, đây là thời điểm thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế.

tin-nong-sang-15-3-voh.com.vn-anh3
Du khách tham quan Cần Giờ (TPHCM) cuối tháng 10/2021. (Ảnh: SGGP)

Đến thời điểm này, Việt Nam gần như hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng COVID-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Nếu triển khai mở cửa du lịch chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam vì nhiều quốc gia trong khu vực đã sớm có kế hoạch mở cửa từ trước Đặc biệt, tháng tới sẽ là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ động phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức triển khai các hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch.

Hà Giang thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á

Thanh tra tỉnh Hà Giang đang khẩn trương triển khai thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Các cơ quan, đơn vị được thanh tra gồm: Sở Y tế Hà Giang; các đơn vị y tế tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Y dược cổ truyền; trung tâm y tế 11 huyện, thành phố; bệnh viện đa khoa các huyện: Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình, Xín Mần; bệnh viện đa khoa khu vực: Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Nà Trì.

Được biết trong năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang) đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty Việt Á trúng thầu gói thầu mua sinh phẩm, vật tư tiêu hao xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á với số tiền nhiều tỉ đồng.

Theo kế hoạch, dự kiến cuối tháng 3/2022, Thanh tra tỉnh Hà Giang sẽ có kết luận để báo cáo Thanh tra Chính phủ liên quan tới nội dung này.

Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3

Các huyện ủy, thành ủy tổ chức chặt chẽ việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng tiêm theo quy định, hoàn thành trước ngày 31/3/2022.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ đạo việc tiêm chủng diện rộng vaccine phòng COVID-19 mũi 3 phải bảo đảm an toàn theo mô hình cuốn chiếu, tiêm đến đâu, an toàn đến đó; bảo đảm không để sót người thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Các địa phương rà soát, đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn trong độ tuổi quy định mà chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine với nhiều hình thức hiệu quả, nhất là các đối tượng lớn tuổi, bệnh nền, thời gian hoàn thành trước ngày 15/3/2022.  

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã tiêm được hơn 3,2 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên: trong đó tiêm mũi 1 được hơn 1,2 triệu liều, đạt 100%; tiêm mũi 2 được hơn 1,1 triệu liều, đạt 95,49%; tiêm mũi nhắc lại được hơn 400.000 liều; tiêm mũi bổ sung được gần 370.000 liều. 

Tỉnh cũng đã tiêm được hơn 300.000 liều cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, trong đó tiêm mũi 1 là gần 160.000 liều đạt 99,79%; tiêm mũi 2 là hơn 150.000 liều, đạt 95,09%.

TIN THẾ GIỚI

Thái Lan sẽ đưa COVID-19 thành bệnh đặc hữu

Bộ Y tế Thái Lan đang chuẩn bị đưa ra kế hoạch gồm 4 giai đoạn cho thời gian chuyển tiếp đưa COVID-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu. Theo đó, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sẽ giảm bớt các biện pháp phòng chống COVID-19 phù hợp với tình hình để người dân có thể bắt đầu cuộc sống bình thường.

tin-nong-sang-15-3-voh.com.vn-anh4
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giai đoạn 1 gọi là giai đoạn “chiến đấu,” tập trung vào việc triển khai các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Giai đoạn 2 gọi là giai đoạn “bình ổn,” tập trung vào việc giữ cho số lượng các ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp. Giai đoạn 3 là giai đoạn “giảm,” tập trung vào việc duy trì số lượng các ca mắc COVID-19 mới ở mức dưới 2.000 ca mỗi ngày. Giai đoạn 4 được gọi là giai đoạn “hậu đại dịch,” tập trung vào quá trình chuyển tiếp COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu.

Nước này cho biết trọng tâm vẫn là tăng tỷ lệ người tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, để giảm số ca tử vong và điều trị hiệu quả cho những người dễ bị tổn thương.

Trung Quốc dừng mọi hoạt động tại thành phố Thâm Quyến và tỉnh Cát Lâm

Vốn theo đuổi chính sách "Zero Covid", nên trước tình hình số ca nhiễm mới tăng cao, Trung Quốc quyết định đóng cửa toàn bộ thành phố Thâm Quyến và tỉnh Cát Lâm. Quyết định của giới chức Trung Quốc nêu rõ toàn bộ khoảng 17,5 triệu dân thành phố Thâm Quyến sẽ phải "ở đâu ở yên đó" trong ít nhất 1 tuần.

Khoảng 24 triệu dân tại tỉnh Cát Lâm, giáp Nga và Triều Tiên, cũng được giới chức yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó". Việc đóng cửa Cát Lâm là lần đầu tiên Trung Quốc phong tỏa toàn bộ một tỉnh sau hành động tương tự với 50 triệu dân ở Hồ Bắc vào đầu năm 2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vốn xuất hiện ở thủ phủ Vũ Hán.  

Ngoài việc đóng cửa toàn bộ Thâm Quyến và Cát Lâm, nhiều địa phương tại Trung Quốc cũng bị đóng cửa một phần. Một số nơi Thượng Hải, Quảng Châu … trước đó được yêu cầu hủy bỏ tất cả các sự kiện tập trung đông người, cắt giảm các lớp học trực tiếp để thay bằng học trực tuyến.

Nga: Bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở Moscow

Kể từ ngày 15/3/2022, chính quyền thành phố Moscow đã quyết định huỷ chế độ đeo khẩu trang do tình hình dịch COVID-19 tại thủ đô được cải thiện.

tin-nong-sang-15-3-voh.com.vn-anh5
(Ảnh: TASS)

Chế độ đeo khẩu trang và các biện pháp phòng chống COVID-19 bắt buộc tại các doanh nghiệp và tổ chức (đo thân nhiệt của nhân viên, lắp đặt các vách ngăn phân chia tại nơi làm việc,…) cũng được hủy bỏ ở thủ đô từ ngày 15/3. 

Trong tuần qua, số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Nga đã giảm 41,9%. Trước đó, ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nga lưu ý rằng việc giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Nga do việc phổ cập việc tiêm chủng cho người dân, cùng với đó là việc cải thiện và đưa ra các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân.  

Ukraine: tiếp tục sơ tán người dân

Giới chức thành phố Mariupol của Ukraine ngày 14/3 thông báo hơn 160 xe ô tô dân dụng đã có thể lái ra khỏi thành phố này dọc theo hành lang sơ tán nhân đạo. Theo Hội đồng thành phố, đây là đợt sơ tán đông đảo đáng kể kể từ sau khi các lực lượng Nga bao vây thành phố này từ đầu tháng. 

Cùng ngày, gần 250.000 người sơ tán từ Ukraine đã tới Nga. Hiện số người này đã được bố trí nơi ở tại 31 vùng lãnh thổ của Nga. 

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh vòng đàm phán thứ 4 theo hình thức trực tuyến giữa Ukraine và Nga đang diễn ra. Trước khi đàm phán bắt đầu, cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết vòng đàm phán mới này tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn, rút quân và đảm bảo an ninh cho Ukraine.

LHQ khởi động đàm phán Công ước về đa dạng sinh học

Ngày 14/3, Liên hợp quốc (LHQ) đã khởi động các cuộc thảo luận về Công ước về đa dạng sinh học (CBD) tại Geneva, Thụy Sĩ với mục đích đạt được một thỏa thuận quy mô toàn cầu nhằm nâng cao việc bảo vệ thiên nhiên. Dự kiến, CBD này sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

Khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ thông qua CBD trong năm nay, trong đó có mục tiêu bảo vệ thiên nhiên vào trước giữa thế kỷ này khỏi hoạt động tàn phá do con người gây ra và ít nhất 30% diện tích đất liền và biển được bảo vệ vào trước năm 2030.

Thư ký điều hành của CBD nhấn mạnh thế giới đang mong chờ những hành động khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên và con người phải cùng nhau thực hiện một thỏa thuận lịch sử thực sự để đảm bảo con đường chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

Bình luận