TPHCM: số F0 phải thở máy tăng theo số ca mắc mới
Theo các báo cáo hàng ngày của Sở Y tế TPHCM, thời gian gần đây số ca mắc Covid-19 tử vong đang gia tăng, trong đó có nguyên nhân là do một số ca các tỉnh chuyển viện đến. Từ ngày 21/11 đến nay, số ca tử vong do Covid-19 tại TP/HCM nằm ở mức từ 50 ca trở lên, có ngày cao nhất là 77 ca (24/11), mới nhất là ngày 1/12 là 68 ca. Đa số ca tử vong đều có bệnh nền.
Về số ca nặng, ngày 21/11 TPHCM có 2.559 ca nặng có hỗ trợ hô hấp, chiếm tỷ lệ 18,9% so với ca nhập viện tầng 2, tầng 3 (13.574 ca), chiếm 3,4% trên tổng số F0. Có 322 ca F0 thở máy xâm lấn, chiếm tỷ lệ 2,4% so với số ca nhập viện, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca F0.
Đến 10 ngày sau, tức thời điểm 1.12, TPHCM có 3.089 ca nặng có hỗ trợ hô hấp (tăng 530 ca so với 10 ngày trước), chiếm tỷ lệ 12,7 so với số ca nằm viện tầng 2, tầng 3 (13.856 ca).
Trong khi đó, số ca thở máy xâm lấn tăng lên 404 ca (tăng 82 ca so với 10 ngày trước), chiếm tỷ lệ 2,9 so với số ca đang nằm viện và chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số F0.
Trong khi đó, số ca F0 cách ly tập trung là 5.710 ca, số ca F0 cách ly tại nhà tăng lên đến 66.634 ca.
Do đó, Sở Y tế TPHCM kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động 85 trạm y tế lưu động với số lượng 153 nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM đến hết tháng 12/2021.
Cà Mau: lần đầu tiên vượt mốc 500 ca COVID-19 trong 1 ngày
Tối hôm qua (1/12), báo cáo của Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau cho hay số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong ngày lên tới 507 ca, cao nhất từ trước tới nay ở tỉnh này.
Trong tổng số 507 ca nhiễm mới, có 259 ca trong cộng đồng, 223 ca đang cách ly, 19 ca trong các khu phong tỏa và có 6 trường hợp từ ngoài tỉnh về.
Như vậy đến nay Cà Mau đã ghi nhận tổng cộng 9.723 ca COVID-19, trong khi cho đến trước tháng 10 năm nay toàn tỉnh chỉ có chưa tới 300 ca nhiễm.
Do số ca nhiễm tăng nhanh, từ ngày 12-11, tỉnh Cà Mau đã cho phép người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế.
Thanh Hóa: 86 học sinh phản ứng sau tiêm vắc xin nhập viện theo dõi
Tối hôm qua (1/12), thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Hoằng Hóa cho biết trong hai ngày 1 và 2/12, huyện Hoằng Hóa tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 cho 6.690 học sinh ở độ tuổi từ 15 - 17 tuổi tại 37 xã, thị trấn. Sau ngày tiêm đầu tiên, tại huyện này ghi nhận 86 học sinh có phản ứng sau tiêm, phải nhập viện theo dõi.
Theo đó, có 38 học sinh được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa), 44 học sinh theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến (xã Hoằng Ngọc), 4 học sinh theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng (xã Hoằng Quý).
Được biết, sau tiêm, các em học sinh này có biểu hiện phổ biến là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh nên nhà trường và gia đình đã đưa các em đến cơ sở y tế gần nhất. Sau khi được chăm sóc y tế, hiện sức khỏe và tâm lý của các em đã ổn định. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe cho các em học sinh, bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm phòng.
Quy Nhơn: chuyển sang vùng cam, tạm ngừng karaoke, massage, bida
Chiều hôm qua (1/12), ông Ngô Hoàng Nam, chủ tịch UBND TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết do TP vừa chuyển sang vùng nguy cơ cao (vùng cam) thuộc cấp độ 3 nên UBND TP Quy Nhơn thông báo ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như karaoke, massage, Internet, trò chơi điện tử, làm đẹp, gym, fitness, yoga, aerobic, khiêu vũ, bida... trên địa bàn thành phố. Thời gian bắt đầu kể từ 0h ngày hôm nay (2/12).
Ngày 1/12, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Định cho biết, địa phương ghi nhận thêm 195 ca nhiễm mới trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, TP Quy Nhơn vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 70 ca. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ghi nhận 4.418 ca nhiễm, trong đó có 2.686 ca đã được chữa khỏi, 23 ca tử vong.
Triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi bổ sung cho người có bệnh nền
Hôm qua (1/12), Bộ Y tế có Công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành về tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại. Tại công văn, Bộ Y tế đề nghị thực hiện tiêm liều bổ sung vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Loại vắc xin tiêm bổ sung là vắc xin cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna). Về khoảng cách: tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.
Loại vắc xin tiêm nhắc lại: nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Trong tháng 12 này, Bộ Y tế dự kiến tiếp nhận thêm khoảng 63,5 triệu liều vắc xin, trong đó có trên 40 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho người trên 18 tuổi và trẻ em.
TPHCM: Kiến nghị thí điểm xe buýt điện từ quý 1-2022
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị thí điểm xe buýt điện từ quý 1-2022 Nhằm tăng kết nối giao thông, thêm một sự lựa chọn đi lại cho người dân. Theo Sở Giao thông vận tải TP, các tuyến xe buýt điện gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27km), VB02 (Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất, 30km), VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn, 29km), VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới, 8,5km), VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị ĐH Quốc gia, 10km).
Dự kiến sẽ có 77 xe buýt điện (6,5 tỉ đồng mỗi chiếc) hoạt động trên 5 tuyến. Xe có sức chứa 65 - 70 chỗ (đứng - ngồi), sử dụng năng lượng điện không phát khí thải ra môi trường, hạn chế tiếng ồn. Dự kiến từ quý 1-2022 nhà đầu tư Vinbus sẽ đưa vào vận hành tuyến VB04 và sẽ vận hành tiếp 4 tuyến còn lại từ quý 3-2022 sau khi xây dựng hạ tầng hoàn tất.
Hà Nội: sẽ có thêm 8 quận trong 9 năm tới
Dự kiến tới năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 huyện trở thành quận là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Mê Linh. Cụ thể, có 5 huyện lên quận trong giai đoạn 2021 - 2025 (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026 - 2030 (Mê Linh, Thanh Oai, Thường Tín).
Trước mắt, Hà Nội tập trung hỗ trợ hai huyện Đông Anh, Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận.
Ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư thành uỷ Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền đối với các dự án bất động sản đã giao trước khi tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội nhằm từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển trên địa bàn. Hà Nội cũng sẽ có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công cho các địa phương còn khó khăn để bảo đảm sự phát triển đồng đều trên địa bàn.
TIN THẾ GIỚI
Thêm nhiều nước ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron
Trong ngày 1/12, tiếp tục có thêm nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, như Hàn Quốc, Ireland, Na Uy, Đan Mạch, Ả Rập Saudi, Ghana, Nigeria.
Diễn biến dịch đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị về an toàn đi lại, theo đó người chưa hoàn thành tiêm vaccine và có nguy cơ cao lây nhiễm không nên đến các khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết một cặp vợ chồng ở độ tuổi 40, sống ở Incheon, phía Tây Seoul và bạn của họ đã có kết quả dương tính với biến thể Omicron. Cặp vợ chồng này đã được tiêm vaccine đầy đủ, từng đi du lịch Nigeria trong tháng 11.
Cùng ngày, Ireland cũng ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Đội y tế cộng đồng khẩn cấp quốc gia cho biết bệnh nhân từng đến một trong 7 nước miền Nam châu Phi mà Ireland vừa áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.
Bộ Y tế Ghana cũng thông báo phát hiện những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong số hành khách đến sân bay quốc tế Accra. Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế cho biết các ca nhiễm này đến từ Nigeria và Nam Phi.
Pháp yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với người nhập cảnh từ ngoài EU
Người phát ngôn Chính phủ Pháp ngày 1/12 thông báo khách nhập cảnh Pháp từ các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, dù đã tiêm đủ vaccine hay chưa.
Động thái trên là một phần trong gói biện pháp mới của Chính phủ Pháp nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên toàn cầu.
Bồ Đào Nha siết chặt các biện pháp hạn chế trước Lễ giáng sinh
Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ không do dự siết chặt các biện pháp hạn chế trong dịp lễ Giáng sinh khi cần để kiểm soát sự gia tăng số ca nhiễm gần đây.
Dù là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, sự gia tăng số ca nhiễm gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến Chính phủ Bồ Đào Nha tái áp đặt một số quy định phòng dịch từ ngày 1/12, như bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia sự kiện trong phòng kín, khuyến nghị làm việc từ xa khi có thể, và yêu cầu mọi hành khách đi đường hàng không phải có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh dù đã tiêm phòng đầy đủ, trừ những người người có chứng nhận đã bình phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và trẻ em dưới 12 tuổi.
Đức cân nhắc áp đặt quy định tiêm vaccine bắt buộc
Trong bối cảnh Đức tiếp tục đối mặt với số ca lây nhiễm cao trong cộng đồng, đe dọa gây quá tải cho hệ thống y tế và việc xuất hiện các ca nhiễm biến thể Omicron, Đức tuyên bố có thể áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quy định tiêm chủng bắt buộc sẽ sớm được ban hành và có thể bắt đầu từ tháng 2 hoặc tháng 3/2022.
Cũng trong hôm qua 1/12, Bộ Y tế Đức thông báo chương trình tiêm phòng đại trà cho trẻ từ 5-11 tuổi, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech, tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ được triển khai sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch trước đó.
Liên minh châu Âu cần nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19
Sự lây lan nhanh chóng của Omicron cũng khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhận định rằng đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo bà, đến nay 1/3 trong tổng số 450 triệu dân EU vẫn chưa được tiêm phòng và Liên minh chưa có cách tiếp cận chung về việc tiêm vaccine bắt buộc. Bà cũng cho rằng hằng ngày EU cần đánh giá lại các biện pháp hạn chế đi lại của mình và nhanh chóng triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm bảo vệ người dân khỏi biến thể Omicron.
Tại cuộc họp báo trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi 27 nước thành viên đẩy nhanh các chiến dịch tiêm phòng khi mà đến nay chỉ khoảng 66% dân số EU đã được tiêm đủ liều vaccine.
Mỹ kiểm soát khách đến từ 8 quốc gia châu Phi
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa có công văn yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách và thông tin của những người đã đến từ 8 quốc gia khu vực nam châu Phi để kiểm soát biến thể Omicron.
CDC sau đó "sẽ gửi thông tin liên lạc của những hành khách này cho các sở y tế công cộng các tiểu bang và địa phương để theo dõi thêm. Việc theo dõi này có thể bao gồm khuyến nghị hành khách làm xét nghiệm, cách ly bắt buộc hoặc tự cách ly.
Trước đó, ngày 29-11, Mỹ đã cấm gần như tất cả người nước ngoài nếu họ đến một trong các quốc gia phía nam châu Phi là Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Yêu cầu của CDC có hiệu lực vào cuối ngày 30-11. Các hãng hàng không phải cung cấp các thông tin trong vòng 24 giờ sau khi hành khách từ một trong 8 quốc gia châu Phi nói trên nhập cảnh Mỹ.