Tin nóng sáng 20/4: Cần xác thực thông tin cấp hộ chiếu vắc xin trước ngày 5/5

(VOH) - TPHCM: hơn 2.100 trẻ hoãn tiêm sau 2 ngày tiêm chủng; Cần xác thực thông tin cấp hộ chiếu vắc xin trước ngày 5/5 là những tin đáng chú ý sáng nay.

TIN TRONG NƯỚC

Cần xác thực thông tin cấp hộ chiếu vắc xin trước ngày 5/5
Cần xác thực thông tin cấp hộ chiếu vắc xin trước ngày 5/5

Cần xác thực thông tin cấp hộ chiếu vắc xin trước ngày 5/5

Ngày 19/4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc ngành y tế các cấp về việc "làm sạch" dữ liệu 41 triệu mũi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và triển khai ký xác nhận hộ chiếu vắc xin trước ngày 5/5.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp "làm sạch" dữ liệu 41 triệu mũi tiêm chủng COVID-19 đã có thông tin về số định danh cá nhân nhưng chưa thể xác thực (do sai sót các thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh...) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Y tế nêu rõ người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót không được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến việc cấp hộ chiếu vắc xin, phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế.

Trước đó, đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Y tế (Bộ Công an) cho biết đến ngày 30-3, nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 đã gửi sang cơ sở dữ liệu quốc gia khoảng 154 triệu mũi tiêm, đơn vị đã xác thực thông tin được 113 triệu mũi tiêm, còn lại khoảng 41 triệu mũi tiêm xác thực sai thông tin.

TPHCM: hơn 2.100 trẻ hoãn tiêm sau 2 ngày tiêm chủng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), theo kế hoạch, ngày 19/4, thành phố triển khai tiêm chủng tại tất cả 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức với 145 điểm tiêm, dự kiến số trẻ đến tiêm là 40.134 trẻ. Trước đó, trong ngày 18/4, TP đã tổ chức tiêm cho 24.413 trẻ tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống COVID-19. Hiện chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm. Như vậy, tính đến hết ngày 18-4-2022, thành phố đã tiêm được 35.331 trẻ. Tổng số trẻ hoãn tiêm là 2.160 trẻ, có 246 trường hợp chuyển tiêm tại bệnh viện.

Theo HCDC, phụ huynh cần cho trẻ ăn no trước khi đi tiêm, mặc áo ngắn tay. Sau khi tiêm trẻ được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút. Phụ huynh cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm.

Ngày sách và văn hóa đọc khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Ngày sách và văn hóa đọc khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Ngày sách và văn hóa đọc khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 khai mạc tối 19/4 tại đường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), và sẽ kéo dài đến hết ngày 24/4.

Đây là chuỗi hoạt động đánh dấu lần đầu tiên cả nước có một dịp kỷ niệm dành cho giới làm sách, người đọc sách và những ai đang nỗ lực cho các hoạt động khuyến đọc.

Bắt đầu từ năm nay, dịp 21/4 hằng năm sẽ được tổ chức thành sự kiện "Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam" trên phạm vi cả nước theo quyết định 1862 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 4/11/2021. 

TP.HCM là điểm tổ chức chính của Ngày sách và văn hóa đọc năm nay. Chương trình diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và Đường sách Nguyễn Văn Bình cùng một số quận, thành phố trực thuộc với tinh thần xem đây là ngày hội của cả những người làm sách và đọc sách.

Đề nghị truy tố 2 bị can vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ qua VKS đề nghị truy tố hai bị can trong vụ bé gái tám tuổi bị bạo hành tử vong tại Bình Thạnh.

Hiện CQĐT đang tống đạt cho những người liên quan kết luận này. KLĐT đề nghị truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1996, ngụ Gia Lai) về tội giết người và hành hạ người khác theo Điều 123, Điều 140 Bộ luật Hình sự. Ba cháu bé là Nguyễn Kim Trung Thái (sinh năm 1985, ngụ ở quận 1), bị đề nghị truy tố về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm theo Điều 140, Điều 389 Bộ luật Hình sự.

Hàng hóa bắt đầu thông quan qua cửa khẩu Lào Cai

Sau thời gian dài tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu theo đề nghị từ phía Trung Quốc, hàng hóa bắt đầu có thể thông quan qua Lào Cai, nhưng trong trạng thái 'nhỏ giọt' do yêu cầu ngặt nghèo về phòng dịch ở bên kia biên giới.

Thông tin từ cơ quan chức năng tại Cửa khẩu Kim Thành, thành phố Lào Cai cho biết, hàng hóa bắt đầu khôi phục thông quan từ 16/4 với số lượng khiêm tốn khoảng 20 – 30 xe mỗi ngày, chưa bằng 1/10 so với trước kia.

Hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, phân bón; hàng xuất khẩu chủ yếu là tinh bột sắn, ván bóc, cà phê… Riêng mặt hàng bảo quản lạnh vốn là nhóm hàng có nhu cầu xuất khẩu lớn qua Lào Cai vẫn chưa thể thông quan; đây cũng là loại hàng hóa bắt buộc phải lấy mẫu xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 nếu muốn sang Trung Quốc.

Lạng Sơn: 9 người bị ngộ độc lá ngón do ăn rau rừng

Chiều 19/4, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận và cứu chữa kịp thời 9 bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón. Nhóm người quê ở Nghệ An đang làm việc cho một công ty tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) thấy gần nơi làm việc mọc nhiều loại rau rừng nên đã hái về xào ăn. Sau khi ăn bữa trưa khoảng 30 phút, cả 9 người đều bị đau đầu, chóng mặt nên đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sau khi rửa dạ dày, xử lý độc tố bằng than hoạt tính và truyền dịch, sức khỏe các bệnh nhân tạm ổn định. Tuy nhiên, do chất độc trong lá ngón hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa và có thể ảnh hưởng đến thần kinh, gan, thận nên các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ sức khỏe của những bệnh nhân này.

Mực nước sông Mê Kông cao hơn trung bình nhiều năm

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mực nước sông Mê Kông tại các trạm như Chiang Saen (Thái Lan), Kratie và Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia vào thời điểm giữa tháng 4/2022 đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Dự báo dòng chảy bình quân về Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mê Kông sẽ có tác động tích cực, giảm xâm nhập mặn ở các tháng 4 và 5 nếu không có gì bất thường từ vận hành xả nước ở các thủy điện.

Trong tuần qua, mưa xuất hiện nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long với lượng bình quân khoảng 20-40mm, có nơi trên 100mm như ở Bạc Liêu, Cà Mau. Dự báo tuần tới, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng vào khoảng 30-50mm.

TIN THẾ GIỚI

Trung Quốc khẳng định duy trì chính sách 'Không COVID'
Trung Quốc khẳng định duy trì chính sách 'Không COVID'

Trung Quốc khẳng định duy trì chính sách 'Không COVID'

Ngày 19/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì chính sách "Không COVID" trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 cộng đồng gia tăng.

 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp, mối nguy lớn đối với sức khỏe cộng đồng khiến cả thế giới quan ngại. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp chống dịch nhằm giảm các ca lây nhiễm trong cộng động và các ca nhập cảnh.  Chiến lược “Không COVID” của Trung Quốc bao gồm việc tiến hành xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Vaccine kép ngừa biến thể Beta của Moderna mang lại hiệu quả phòng chống Omicron cao

Ngày 19/4, Hãng Moderna Inc cho biết mũi vaccine tăng cường được hãng bào chế để phòng ngừa cả biến thể Beta lẫn virus SARS-CoV-2 gốc đã tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn đối với một số biến thể khác, trong đó có Omicron.

Moderna đưa ra tuyên bố trên sau khi tiến hành thử nghiệm loại vaccine mRNA ở 300 người. Kết quả cho thấy, từ 1 đến 6 tháng sau khi tiêm, vaccine đã tạo ra độ chuẩn kháng thể trung hòa chống biến thể Omicron cao hơn so với vaccine gốc của hãng hiện được sử dụng rộng rãi. Moderna cho biết kết quả này là dấu hiệu tốt để hãng thực hiện kế hoạch bào chế các vaccine tương lai nhằm vào biến thể của virus SARS-CoV-2.

Liên Hợp Quốc cảnh báo Ukraine không có đủ năng lực dự trữ ngũ cốc

Ngày 19/4, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc cho rằng Ukraine sẽ không đủ khả năng lưu kho ngũ cốc cho dù sản lượng thu hoạch trong năm 2022 đã giảm trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này gặp khó khăn trong việc xuất khẩu ngũ cốc và lúa mỳ do cuộc xung đột với Nga.

 Khoảng 20% khu vực trồng lúa mỳ và ngũ cốc tại Ukraine sẽ không được thu hoạch trong tháng 7 trong khi diện tích gieo trồng vụ mùa Xuân cũng sẽ giảm khoảng 33% so với mức bình thường. Thách thức hiện nay đối với Ukraine, là phải xuất khẩu lượng ngũ cốc tồn kho để nhường chỗ dự trữ cho mùa vụ thu hoạch 2022 đồng thời tạo nguồn thu mua hạt giống và phân bón cho vụ gieo trồng tiếp theo. 

Các nước Balkan chuyển sang dùng than đá do khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Các quốc gia Balkan ở Đông Nam Âu đang chuyển sang dùng than đá trong bối cảnh phải giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu, khiến các nhà bảo vệ môi trường lo ngại các nước lùi lại thời điểm thực hiện cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất này.

Giá năng lượng trên thế giới leo thang do giá bán buôn tăng, lượng tồn kho thấp và cuộc xung đột ở Ukraine, buộc nhiều nước chật vật tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc các nước chuyển sang dùng than đá không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Thêm nhiều nước ghi nhận các ca viêm gan chưa rõ nguồn gốc ở trẻ

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 19/4 cho biết các trường hợp viêm gan chưa rõ nguồn gốc, lần đầu tiên được phát hiện ở trẻ nhỏ tại Anh, hiện đã được ghi nhận ở thêm 4 nước châu Âu và Mỹ.

Trong phần lớn trường hợp, trẻ em bị viêm gan không bị sốt. Tuy nhiên, ECDC và WHO cho biết một số trường hợp ở Anh nghiêm trọng đến nỗi phải chuyển bệnh nhi sang các khoa chuyên về gan của trẻ em để điều trị. Ngoài ra, 6 ca trong số các bệnh nhi đã từng trải qua phẫu thuật cấy ghép gan.

* Nội dung được phát sóng trong  “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/


Bình luận