Tin nóng sáng 24/2: Học sinh chuẩn bị dừng học trực tiếp là tin giả mạo

(VOH) - Chiều 23/2, thông tin từ Trung tâm từ báo chí TPHCM (thuộc Sở TT-TT), TPHCM vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Trước đó, trong chiều 23/2, trên mạng xã hội lan truyền thông tin “Học sinh TPHCM chuẩn bị dừng học trực tiếp. Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định?”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP khẳng định, đây là thông tin giả mạo.

Hiện ngành giáo dục TP vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND TP đề ra.

Lập tổ công tác hỗ trợ làm nhà ở công nhân

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa quyết định lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Theo nghị quyết 11, Chính phủ sẽ dành khoảng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hỗ trợ việc xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Tin nóng sáng 24/2: Học sinh chuẩn bị dừng học là tin giả mạo 1
Ảnh minh hoạ: TTO

Đà Nẵng: Miễn 3 tháng tiền thuê nhà cho 12.000 người

Ngày 23/2, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt danh sách được hỗ trợ miễn tiền thuê nhà chung cư, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, có 7.353 trường hợp đang thuê chung cư thuộc sở hữu nhà nước được miễn tiền thuê nhà 3 tháng (tháng 7, 8, 9) của năm 2021, với số tiền được miễn là trên 7,7 tỉ đồng. 4.411 trường hợp đang thuê ký túc xá thuộc sở hữu nhà nước được hỗ trợ miễn tiền thuê nhà 3 tháng (tháng 7, 8, 9) của năm 2021, với số tiền được miễn là trên 1,5 tỉ đồng.

Phú Thọ phòng, chống dịch COVID-19 theo 4 cấp độ

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 23/2, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. rước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 23/2, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tình hình Covid-19 ngày 23/2

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 22/2 đến 16 giờ 23/2, cả nước ghi nhận 60.355 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 60.338 ca trong nước (tăng 4.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Có tới 25 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội đứng đầu với 7.419 ca.

Cả nước ghi nhận 91 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 3 ca (2 ca tỉnh chuyển đến từ Đồng Tháp và Tiền Giang), Hà Nội 11 ca, Bình Định 7 ca, Hải Dương và Quảng Nam mỗi nơi ghi nhận 6 ca.

Tin thế giới

Cập nhật diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới 

Tính đến sáng 24/2, thế giới ghi nhận 428,8 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5,9 triệu trường hợp tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập một trung tâm ở Hàn Quốc để đào tạo các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sản xuất vắc xin và liệu pháp điều trị COVID-19.

Vùng thủ đô Manila của Philippines hôm nay đã nhất trí hạ mức cảnh báo đại dịch COVID-19 ở khu vực này xuống mức 1, mức thấp nhất trong thang gồm 5 mức bắt đầu từ ngày 1/3 tới.

Tại Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hong Kong ghi nhận kỷ lục 8.674 ca mắc mới COVID-19, trong bối cảnh thành phố đang chuẩn bị tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với người dân, sau khi cơ quan chức năng gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cơ quan y tế Hong Kong thông báo ghi nhận thêm 24 ca tử vong, giảm so với con số 32 ca ghi nhận trước đó 1 ngày.

Trong khi đó, Indonesia đã quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ hai và thứ ba trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Theo đó thời gian giữa hai lần tiêm được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng đối với những người từ 60 tuổi trở lên. Mũi tiêm tăng cường có thể cùng loại hoặc khác loại vaccine với lần tiêm thứ nhất và thứ hai.

Bắt đầu từ hôm nay, Australia sẽ triển khai tiêm vaccine Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi tại Australia sau vaccine của hãng Pfizer. Loại vaccine đầu tiên đang được tiêm cho tất cả công dân Australia từ 5 tuổi trở lên.

Lần đầu COVAX dư thừa vaccine phòng COVID-19

Theo một tài liệu của Liên minh vaccine Gavi, chương trình COVAX có 436 triệu liều vaccine để phân bổ cho các quốc gia. Chương trình này hiện có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu hiện tại, nhưng việc phân phối vaccine gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại một số quốc gia kém phát triển hơn. Nhiều nước miễn cưỡng tiếp nhận thêm vaccine vì họ không có khả năng triển khai các chiến dịch tiêm chủng để sử dụng hết số vaccine đó.

Các quốc gia nghèo đối mặt với những trở ngại như thiếu thiết bị bảo quản lạnh chuyên dụng, thiếu hụt tài chính để hỗ trợ các mạng lưới phân phối.

WHO cảnh báo rằng, dù các quốc gia giàu đang mở cửa nền kinh tế, nhưng việc triển khai tiêm vaccine chậm tại các nước nghèo hơn sẽ tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 đột biến một lần nữa và có khả năng tạo ra các biến thể mới.

Số ca nhiễm mới tăng nhanh, Hàn Quốc kêu gọi người dân bình tĩnh

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, số ca nhiễm mới tính đến 9 giờ ngày 23/2 tăng lên mức kỷ lục là hơn 171.000 trường hợp, tăng gần gấp đôi so với một ngày trước đó. Tuy nhiên bà Park Hyang (Bộ Y tế Hàn Quốc) cho rằng, hiện chưa có lý do phải lo ngại dù số lượng ca nhiễm mới tăng mạnh. "Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh, nhưng số ca bệnh nặng và tử vong vẫn duy trì ở mức thấp".

Hàn Quốc đã chứng kiến sự gia tăng bùng nổ các trường hợp nhiễm COVID-19 kể từ giữa tháng 1 khi Omicron nổi lên như chủng virus nổi trội ở nước này. Giới chức y tế Hàn Quốc dự báo, số ca nhiễm mới có thể lên tới 270.000 ca/ngày vào khoảng giữa tháng 3 khi làn sóng lây nhiễm lần này đạt đỉnh.

Các trường học ở Hàn Quốc đang cân nhắc về việc có để trẻ em trở lại trường học trực tiếp hay không khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là bắt đầu học kỳ mùa Xuân. Hiệu trưởng các trường là người có thẩm quyền quyết định về hình thức giảng dạy tùy thuộc vào tình hình lây nhiễm COVID-19 tại trường.

Campuchia bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 3-5 tuổi

Theo các thông tin đã công bố, Campuchia đang sử dụng vắc xin COVID-19 của các hãng dược Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca để tiêm cho người lớn, cũng như trẻ trên 12 tuổi. Bộ Y tế Campuchia cho biết trẻ em từ 6 đến 12 tuổi được tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trong tháng 2, Mỹ đã quyết định hoãn kế hoạch này ít nhất 2 tháng để cân nhắc thêm.

Trong khi đó, kể từ ngày 24/2, trẻ em Úc từ 6 đến 11 tuổi sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ).

Ngày 23/2, Nhóm cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng (ATAGI) của Úc thông báo họ đã phê chuẩn quyết định cho phép sử dụng vắc xin Moderna cho trẻ em trong độ tuổi nói trên.

Đây là loại vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai được cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi tại Úc, sau vắc xin của hãng Pfizer, và là loại đầu tiên đang được tiêm cho tất cả công dân Úc từ 5 tuổi trở lên.

Các nhà chức trách khuyến nghị khoảng cách tiêm phòng giữa hai liều vắc xin Moderna là 8 tuần đối với trẻ em khỏe mạnh, nhưng có thể giảm xuống 3 tuần nếu cần thiết.

Hiện Úc đã phân phối loại vắc xin này tới hơn 4.000 điểm tiêm phòng trên cả nước.

Ukraine ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Hội đồng an ninh Ukraine ngày 23/2 đã thông qua kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngoại trừ vùng lãnh thổ ly khai Donetsh và Lugansk.

Tuy nhiên, mỗi khu vực sẽ có quyền chọn lựa các biện pháp an ninh phù hợp để áp dụng như hạn chế một số loại phương tiện nhất định, tăng cường kiểm tra xe, giấy tờ đi lại. Đây được xem là một biện pháp phòng ngừa.

Cùng ngày, Ukraine đã điều động thêm binh sĩ dự bị để tăng cường lực lượng cho quân đội nước này.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng khuyến cáo công dân nước này tại Nga rời khỏi đây ngay lập tức và kêu gọi công dân Ukraine tránh tới Nga.