Chờ...

Tin nóng sáng 27/1: Thống nhất sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay

(VOH) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tới Bộ Công an, Bộ Y tế, và Bộ Thông tin và Truyền thông.

TIN TRONG NƯỚC:

Sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay;

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tới Bộ Công an, Bộ Y tế, và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các doanh nghiệp cảng hàng không bố trí nơi khai báo y tế, kiểm tra y tế tại cảng hàng không một cách khoa học, hợp lý, không làm tăng thêm các bước, các thủ tục, tránh tập trung đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị trong ngành hàng không thực hiện mục tiêu kép tăng cường phương tiện phục vụ hành khách, hàng hóa và kiểm soát dịch bệnh, yêu cầu xem xét lại một cách kỹ càng vấn đề xét nghiệm nhanh đối với trẻ em dưới 12 tuổi và trẻ sơ sinh khi đi tàu bay cùng bố, mẹ; vận dụng đúng các quy định, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông hàng không.

tin nóng, SARS-CoV-2, Ngày 27 tháng 1 năm 2022
Khai báo y tế trực tuyến ngay tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: VGP)

Bộ Y tế đề nghị tạo điều kiện cho người nhập cảnh dịp Tết

Theo đó, hiện tỷ lệ tiêm chủng tại các tỉnh thành cao. Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt gần 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%. Trẻ em (12-17 tuổi) tiêm đủ 2 mũi đạt trên 82%.

Để tạo điều kiện cho người nhập cảnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Bao gồm thực hiện 5K, khai báo y tế trước khi nhập cảnh và ngay khi nơi lưu trú. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 thì hạn chế tiếp xúc và đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn xử trí theo quy định.

Bộ Y tế cũng đề nghị các Bộ và UBND các tỉnh/thành chỉ đạo tăng cường kiểm tra giám sát các biện pháp phòng, chống dịch, xét nghiệm trong thời gian người nhập cảnh thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà nơi lưu trú hoặc cách ly y tế tại nhà nơi lưu trú; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.

Đường hoa Nguyễn Huệ tái hiện khung cảnh nông thôn Việt Nam

Năm nay Đường hoa Nguyễn Huệ hình thành trong bối cảnh vô cùng khó khăn và thách thức. Các giai đoạn "vàng" để ban tổ chức, nhà vườn chuẩn bị cho việc thiết kế đều rơi vào thời điểm giãn cách xã hội để chống dịch, vì vậy, việc đảm bảo nguồn hoa tươi cho đường hoa không hề dễ dàng. 

Hiện 80% hoa tươi đã được tập kết về đường hoa và được các công nhân liên tục bảo dưỡng, sắp xếp vào các bồn hoa, tiểu cảnh. 

Với linh vật chính là con hổ, gam màu chủ đạo của đường hoa năm nay sẽ điều tiết phù hợp với đặc tính của "chúa tể rừng xanh" là gam màu cam và màu xanh xuyên suốt gắn với thông điệp về môi trường, rừng xanh.

Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay tái hiện khung cảnh nông thôn Việt Nam có lúa chín hương thơm ngọt ngào, có giàn mướp trĩu quả hay chậu cà chua chín đỏ mọng, chiếc cầu vắt ngang ao nhỏ... 

Tin nóng sáng 27/1/2022: Thống nhất sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay; 2
Cổng vào Đường hoa đã rực rỡ với các loại hoa tươi. Ảnh: TTO

TP.HCM chấp thuận cải tạo vỉa hè xung quanh hồ Con Rùa bằng vốn xã hội hóa

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã thống nhất chủ trương nâng cấp vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa bằng nguồn vốn xã hội hóa và giao UBND quận 3 nghiên cứu thi công công trình.

Tại cuộc họp, ông Lê Hòa Bình đã thống nhất chủ trương theo đề xuất của UBND quận 3 về nâng cấp vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa. 

Ông Bình giao quận 3 nghiên cứu phương án thiết kế, lựa chọn vật liệu xây dựng và thi công công trình đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hỗ trợ UBND quận 3 trong quá trình thi công di dời các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đảm bảo không cản trở giao thông, lối đi dành cho người đi bộ và tăng tính mỹ quan trên vỉa hè.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP cũng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, nghiên cứu đề xuất phương án trùng tu cảnh quan công viên hồ Con Rùa, tham mưu đề xuất phương án TP xem xét trong tháng 2-2022.

Ngoài ra, ông Lê Hòa Bình cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải khẩn trương trình UBND TP.HCM đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP.HCM trong tháng 2-2022.

Thủ Đức sẽ thu hút thêm 50.000 dân cư, 20.000 kỹ sư, chuyên gia vào năm 2025

TP.HCM đặt ra các chỉ tiêu cơ bản cho khu đô thị phía Đông. Kế hoạch mới này nhằm xây dựng và phát triển khu vực phía Đông TP (Thủ Đức) thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế TP và kinh tế tri thức. Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.

Đến năm 2025 sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 nhà (nhà nước - nhà đầu tư - nhà giáo dục). Đồng thời phê duyệt và công khai quy hoạch chung Thủ Đức và quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo.

Khu đô thị sẽ thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia;

Hình thành quỹ đất phát triển khoảng 100ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Đại học Quốc gia TP;

Đạt mức 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số kilômet đường phục vụ giao thông công cộng sau 5 năm; khép kín vành đai 2 và triển khai xây dựng quốc lộ 13, Vành đai 3;

Hình thành dự án tuyến metro số 1 với Bình Dương, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch; xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho Thủ Đức…

Gần Tết, cảnh giác chiêu thức lừa đảo cuộc gọi bất thường của 'nhân viên nhà mạng', 'nhân viên ngân hàng'

Một trong những chiêu thức lừa đảo xuất hiện gần đây là mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện thoại giới thiệu chương trình "hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G", lừa người dùng cung cấp mã OTP, thông tin cá nhân... rồi chiếm quyền kiểm soát sim.

Hiện nay điện thoại không còn là một thiết bị đơn giản, mà chứa nhiều thông tin về thân thế lẫn tài sản của chủ nhân. 

Không click vào link lạ, không đăng ký thành viên hay nhận thư quảng cáo để xem tài liệu của một website lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn từ số điện thoại lạ, kể cả khi họ gọi từ số trông giống tổng đài nhà mạng - đó là cách bạn bè, người thân của tôi thường nhắc nhau. 

Thực tế cho thấy, chỉ vì lỡ bấm vào link lạ, nhiều người cùng lúc mất tài khoản Facebook và Zalo. Và những người thân quen, mỗi người có thể mất hàng chục triệu khi kẻ gian giả danh nạn nhân để nhắn tin mượn tiền khắp mọi người.

Những thông tin cá nhân đừng chia sẻ qua tin nhắn hay hình ảnh trên mạng, chỉ nên email hoặc lưu dưới dạng note có mã khóa. Việc để lộ thông tin trên giấy tờ tùy thân tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại có thể khiến nhiều người bỗng trở thành con nợ lúc nào không hay.

Tin nóng sáng 27/1/2022: Thống nhất sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay; 3
Ảnh minh họa: TTO

TIN THẾ GIỚI

Mỹ công bố số lượng vaccine ngừa COVID-19 chia sẻ với toàn cầu

Hôm qua Mỹ thông báo, đã chia sẻ miễn phí 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 gửi đến 112 quốc gia trên thế giới.

Các liều vắc xin đang được chia sẻ thông qua COVAX, sáng kiến được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ để tiêm chủng cho các nước có thu nhập thấp hơn. Mỹ đã cam kết chia sẻ hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 với các quốc gia khác, điều mà các chuyên gia y tế cho rằng rất quan trọng để vượt qua đại dịch COVID-19.

Tin nóng sáng 27/1/2022: Thống nhất sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay; 4
 

Nhiều nước châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng có

Hôm qua, nhiều nước châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay.

Nga thông báo có thêm hơn 74 ngàn ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc lên hơn 11 triệu ca. Số người tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc đã lên hơn  328 ngàn người. Những ca nhiễm biến thể Omicron đã được phát hiện ở 72 trong số 85 khu vực của Nga.

Cùng ngày, Thụy Điển thông báo dấu mốc buồn với hơn 44 ngàn ca mắc mới trong ngày trước đó, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Chính phủ Thụy Điển đã công bố các biện pháp hạn chế , theo đó, các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa lúc 23h và các địa điểm trong nhà chỉ giới hạn 500 người. Nếu tình hình cải thiện, các biện pháp hạn chế có thể được xem xét dỡ bỏ.

Hungary cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với hơn  20 ngàn ca, nâng tổng số ca mắc lên hơn 1 triệu ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 69 ca tử vong vì COVID-19, nâng số trường hợp không qua khỏi lên hơn  41 ngàn người. Hơn 60% ca nhiễm Omicron từng mắc COVID-19

Hai phần ba những người mới đây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cho biết họ từng mắc COVID-19. Đây là kết quả của nghiên cứu quy mô lớn đang được thực hiện tại Anh.

Kết quả cho thấy 65% các tình nguyện viên nhiễm Omicron cho biết trước đây cũng từng có kết quả dương tính với virus SARS-CoV2-2. Nhiều người trong số này thực sự bị tái nhiễm, trong khi kết quả của một số người khác có thể chỉ là phát hiện ra dấu vết cũ của virus trong cơ thể mà thôi. Dù không chỉ ra được bao nhiêu phần trăm là các ca tái nhiễm, kết quả nghiên cứu cho biết những người có thể bị tái nhiễm COVID-19 bao gồm các nhân viên y tế, thành viên các hộ gia đình có trẻ em, hoặc người sống trong các đại gia đình.

Tin nóng sáng 27/1/2022: Thống nhất sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay; 5
Ảnh minh họa: Reuters

Lại xảy ra tràn dầu ở khu vực bờ biển Peru

Hôm qua, Chính phủ Peru thông báo xảy ra thêm một vụ tràn dầu nữa ở khu vực bờ biển của nước này, 10 ngày sau một vụ tràn dầu lớn do ảnh hưởng của vụ núi lửa phun trào gây sóng thần ở Tonga.

Vụ tràn dầu trên xảy ra khi hàng trăm tình nguyện viên và nhiều người khác đang chạy đua với thời gian để làm sạch các bãi biển sau sự cố trước đó. Hôm 15/1, một tàu chở dầu đang dỡ hàng tại nhà máy lọc dầu La Pampilla, cách thủ đô Lima 30 km về phía Bắc, đã gặp sóng lớn bất thường phát sinh từ thảm họa núi lửa phun trào ở Tonga cách đó khoảng 10.000 km. Khoảng 6.000 thùng dầu đã đổ tràn ra biển, buộc Peru phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường sau sự cố này. 

Tin nóng sáng 27/1/2022: Thống nhất sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay; 6
Lực lượng cứu hộ nỗ lực giải quyết sự cố một vụ tràn dầu ở Peru - Ảnh: AFP

'Rừng cây máy' hút khí CO2

Các nhà khoa học khẳng định “rừng cây máy” có khả năng hấp thụ khí C02 trong không khí, giúp làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu.

Hiện tại, mô hình này chỉ đơn thuần lưu trữ khí C02, chứ không chuyển hóa thành oxy giống như cây thật, hay tái sử dụng khí carbon vào các mục đích khác. Tuy nhiên, theo người phát minh, trong tương lai nguồn khí CO2 mà "cây máy" lưu trữ được có thể được tái sử dụng làm nhiên liệu tổng hợp như xăng, dầu diesel hoặc dầu hỏa.