Tin nóng trưa 26/1: 1.000 doanh nghiệp ở TPHCM nợ bảo hiểm xã hội

(VOH) - Khoảng 1.000 doanh nghiệp sử dụng hơn 42.000 lao động ở thành phố nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.600 tỷ đồng, tăng gần 1,5% so với cùng kỳ.

TIN TRONG NƯỚC

1.000 doanh nghiệp ở TPHCM nợ bảo hiểm xã hội

Khoảng 1.000 doanh nghiệp sử dụng hơn 42.000 lao động ở thành phố nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.600 tỷ đồng, tăng gần 1,5% so với cùng kỳ.

Chiều 25/1, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết đây là các doanh nghiệp chậm đóng từ 6 tháng trở lên, tính đến cuối năm 2021. Ngoài những đơn vị nợ suốt thời gian dài, không còn khả năng trả có thêm một số công ty lớn cũng chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

bảo hiểm xã hội650
Nhiều đơn vị nợ bảo hiểm xã hội suốt thời gian dài (Ảnh: Tuyên giáo)

Theo ông Mến, nguyên nhân chính do Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội cũng tạm dừng, không kịp thời nhắc nhở, xử phạt cũng khiến nợ tăng lên.

Để đảm bảo quyền lợi ốm đau, thai sản, hưu trí cho người lao động ở những nơi để nợ bảo hiểm, cơ quan này cho phép doanh nghiệp tách riêng các trường hợp này ra để đóng trước. Sắp tới, bảo hiểm sẽ tăng cường công tác thanh tra các doanh nghiệp để nợ.

Từ ngày 17/1, quy định xử phạt ở mức cao hơn đối với đơn vi chậm hoặc trốn đóng. Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự một số đơn vị để nợ kéo dài, trốn đóng bảo hiểm làm ảnh hưởng nhiều lao động.

Xem thêm: Đề nghị truy tố hình sự 72 đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội

Chùa Hương tạm dừng lễ hội 2022, không tổ chức đón khách

UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) năm 2022.

Theo UBND huyện Mỹ Đức, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được đảm bảo. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, huyện Mỹ Đức quyết định tạm dừng tổ chức Lễ hội, không đón khách tham quan tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) năm 2022 đến khi có thông báo mới.

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, lễ hội có quy mô lớn và kéo dài nhất ở miền Bắc không tổ chức khai hội, không đón khách.

Trước đó, Lễ hội chùa Hương năm 2022 dự kiến được diễn ra trong 3 tháng từ ngày 2/2/2022 đến hết ngày 30/5/2022 (từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 30/3 năm Nhâm Dần).

Lễ Khai hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng hằng năm. Lễ hội chùa Hương diễn ra hằng năm là lễ hội có quy mô lớn nhất miền Bắc, thu hút nhiều lượt du khách về tham quan, vãn cảnh.

Lượng khách bay Tết 2022 vẫn thấp hơn cùng kỳ

Cục Hàng không vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tình hình khai thác vận tải hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài giai đoạn Tết Nhâm Dần 2022.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ 23/1 đến 16/2, tổng ghế cung ứng toàn mạng bay nội địa sẽ ở mức 2,85 triệu ghế và 13.400 chuyến bay, so với Tết năm 2022 bằng 107% về số ghế cung ứng và 109% về chuyến bay.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, mặc dù tham số điều phối chung tăng từ 40 lên 46 chuyến/giờ, sân bay vẫn giữ chỉ số chuyến bay cất cánh nội địa là 24 chuyến/giờ (so Tết năm 2020 là 26 chuyến/giờ). Còn tại sân bay Nội Bài, mặc dù tham số điều phối chung tăng từ 25 lên 31 chuyến/giờ, tuy nhiên vẫn giữ chỉ số chuyến bay cất cánh nội địa là 17 chuyến/giờ (so Tết năm 2021 là 17 chuyến/giờ).

Cục Hàng không đã tổ chức họp Hội đồng slot bay và quyết định tăng tham số điều phối và chuyến bay. Theo đó, tổng tải cung ứng tăng xấp xỉ 13%, đạt 3,2 triệu ghế và 15.300 chuyến bay. Như vậy, với lượng tải cung ứng như trên, Cục nhận định nhu cầu vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán cơ bản được đáp ứng

Sản xuất mì ăn liền từ trái thanh long

Sau gần 2 năm thực hiện, các nhà khoa học của Trung tâm Thí nghiệm thực hành, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã phối hợp nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm mì ăn liền có bổ sung thành phần trái thanh long.

Đây cũng là sản phẩm mì ăn liền thanh long đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất từ công nghệ nano giúp hỗ trợ khả năng phân tán thịt quả thanh long trong khối bột, giữ màu sắc của sản phẩm và hạn chế suy giảm những hoạt chất sinh học trong trái thanh long, từ đó duy trì tối đa các thành phần có lợi của trái thanh long trong sản phẩm mì ăn liền.

Sản phẩm mì ăn liền có thành phần trái thanh long là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu và sản xuất giữa Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM với Viện Khoa học Kinh tế - Công nghệ Sài Gòn, Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận và Công ty TNHH Caty Food.

Chậu lan hồ điệp giá gần 1 tỷ đồng sát Tết vẫn chưa tìm được chủ mới

Kể từ khi chợ hoa Tết trước cổng sân vận động Mỹ Đình hoạt động, một chậu hoa lan hồ điệp cao hơn 6 m có treo bảng giá 868 triệu đồng được nhắc nhiều, đến nay vẫn chưa tìm được chủ nhân mới.

Theo anh Ngô Hoàng Nghiệp, người kinh doanh chậu lan này, tác phẩm được ghép từ 2.686 cành hoa lan hồ điệp xuất xứ từ Đà Lạt, được một nghệ nhân cắm hoa cùng 5 người thợ liên tục cắm, tỉa, xếp cành trong 4 ngày đêm mới hoàn thành.

Để tăng thêm tính thẩm mỹ cũng như giá trị của tác phẩm, anh Nghiệp đã thuê thợ mạ vàng cho chậu cây. Hai người thợ phải làm việc liên tục trong 5 giờ đồng hồ mới hoàn thành việc mạ vàng cho chậu cây bởi đường kính lớn. Theo anh Nghiệp, giá của chậu cây được giữ nguyên để đảm bảo được con số phong thuỷ như 86 (phát lộc), 68 (lộc phát).

TIN THẾ GIỚI

CDC Mỹ: Biến thể Omicron gây tử vong thấp hơn Delta

Hôm qua 25/1, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố nghiên cứu cho thấy người mắc Omicron có thời gian nhập viện ngắn hơn, ít cần săn sóc đặc biệt hơn và ít tử vong hơn các ca mắc những biến thể trước đó. Tuy nhiên, biến thể Omicron dễ lây lan hơn đã dẫn đến số ca nhiễm và nhập viện tăng kỷ lục, gây căng thẳng cho hệ thống y tế Mỹ.

Dù vậy, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện được đưa vào phòng săn sóc đặc biệt (ICU) trong suốt đợt bùng dịch do Omicron hiện nay thấp hơn 29% so với đợt bùng dịch mùa đông trước, và thấp hơn 26% so với đợt bùng dịch do Delta.

Vắc xin Covid-19
Vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech từ (Nguồn: AFP via Getty Images)

Nghiên cứu cho biết, mức độ bệnh ít nghiêm trọng hơn trong suốt đợt dịch do Omicron là nhờ có tỉ lệ phủ vắc xin cao hơn, việc tiêm tăng cường cho những người đủ điều kiện, cũng như việc một số người có miễn dịch do từng là F0.

Pháp: hơn 500.000 ca nhiễm trong ngày, cao nhất từ đầu dịch 

Ngày 25/1, Pháp ghi nhận thêm 501.635 ca Covid-19 trong 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch. Đây cũng là lần đầu tiên Pháp có hơn nửa triệu ca nhiễm trong một ngày.

Hiện Pháp đang là nước có tỉ lệ ca Covid-19 theo ngày cao nhất tại châu Âu, với trung bình hơn 360.000 ca bệnh/ngày trong tuần qua. Hơn 30.000 người đang nhập viện điều trị bệnh trên khắp nước Pháp, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2020. Tuy nhiên, chỉ có hơn 3.700 bệnh nhân cần săn sóc đặc biệt, thấp hơn so với các đợt bùng dịch trước.

Từ đầu tuần, Pháp đã áp dụng một số biện pháp phòng dịch mới, trong đó có việc yêu cầu người dân tiêm chủng để được phép vào quán bar, nhà hàng, tàu điện ngầm và máy bay.

Anh: Tuyển thêm 6.000 ứng viên thử nghiệm thuốc Covid-19

Hôm qua (26/1), Anh thông báo cần tuyển thêm 6.000 người tham gia cuộc thử nghiệm về hiệu quả trị Covid-19 của thuốc molnupiravir do Hãng Merck sản xuất, được Cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA) phê chuẩn từ tháng 11/2021.

Hiện chính quyền London tiếp tục triển khai cuộc nghiên cứu trên toàn quốc mang tên Panoramic, nhằm xác định phương án tốt nhất khi áp dụng trong thực tế. Bộ Y tế Anh cho biết, trong khi đã có 4.500 người đăng ký, cần thêm 6.000 ứng viên nếu muốn thu thập đủ dữ liệu cần thiết.

Chương trình Panoramic được xây dựng dựa trên diễn biến thực tế, theo đó thuốc Merck sẽ được sử dụng tại một số quốc gia đạt tỷ lệ cao về tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Meta giới thiệu siêu máy tính AI nhanh nhất thế giới

Meta, công ty mẹ của Facebook vừa tiết lộ siêu máy tính AI Research SuperCluster (RSC) mà hãng cho biết sẽ nhanh nhất thế giới khi được hoàn thiện vào giữa năm nay.

Theo đó, thế hệ trí tuệ nhân tạo tiếp theo sẽ được mở khóa bởi các siêu máy tính mạnh mẽ như RSC có thể thực hiện các nhóm hoạt động mỗi giây.

Meta cho biết họ đã cung cấp hiệu suất được cải thiện tới 20 lần cho các nhiệm vụ nghiên cứu thị giác máy tính tiêu chuẩn của mình. Trước khi kết thúc năm 2022, giai đoạn hai của RSC sẽ hoàn thành. Tại thời điểm đó, nó sẽ chứa tổng cộng 16.000 GPU và có thể đào tạo các hệ thống AI “với hơn một nghìn tỉ thông số trên các tập dữ liệu lớn như một exabyte”.

Bình luận