Chờ...

Tin nóng sáng 3/4 : Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền trung

(VOH) - Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền trung; TPHCM: Số ca COVID-19 nặng đang giảm; Nhiều nơi ở châu Âu dỡ bỏ hạn chế đi lại là những tin đáng chú ý sáng nay.

 

TIN TRONG NƯỚC

Tin nóng sáng 3/4 Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền trung 1
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền trung

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền trung

Hôm qua 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại miền Trung, gồm các địa phương Thừa Thiên-Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, gia cố lồng bè, trục vớt tàu thuyền, xử lý môi trường sau lũ...

Bộ TN-MT tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương được giao phối hợp cùng địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, tổ chức cứu hộ, cứu nạn...

Tỉ lệ hồi phục khi mắc Omicron lên đến 96%

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, tỉ lệ hồi phục thông thường ở bệnh nhân COVID-19 trước đây là 80%, nhưng ở nhóm mắc chủng Omicron đã tiêm đủ vắc xin lên đến 96%.

Tỉ lệ gặp di chứng hậu COVID-19 hoặc trầm trọng hơn là tử vong thấp hơn hẳn trước đây. Các di chứng hậu COVID-19 hay gặp là xơ phổi, mệt mỏi, tức ngực, hụt hơi, ho, mất ngủ, rụng tóc, chóng mặt, đau đầu, trầm cảm và lo âu, ù tai, đau họng, loạn cảm họng, mất mùi, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn...

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo cần phân biệt giữa giai đoạn diễn tiến của bệnh (kéo dài đến tuần thứ 12 kể từ khi mắc bệnh) và hậu COVID-19 tồn tại sau 12 tuần tính từ khi mắc bệnh.

TPHCM: Số ca COVID-19 nặng đang giảm
TPHCM: Số ca COVID-19 nặng đang giảm

TPHCM: Số ca COVID-19 nặng đang giảm

Tuần trước TP.HCM cho biết số ca COVID-19 nặng, phải thở máy có tăng nhẹ. Tuần này, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết TP.HCM đã nằm trong danh sách 10 địa phương có số ca nặng cao nhất.

Tuy nhiên, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết TP.HCM đang đứng thứ 4 về số ca bệnh đang điều trị, cụ thể Hà Nội gần 185.000; Hải Dương gần 97.000; Nghệ An hơn 51.000; TP.HCM hơn 37.000.

So sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới đã giảm thêm khoảng 33%, số tử vong giảm gần 28%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 30% và số ca nặng, nguy kịch giảm khoảng 25%.

TPHCM: Cứu sống bé gái 14 tuổi mắc COVID-19 nguy kịch sau hơn 3 tháng điều trị

Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bé gái 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và đã được cứu sống sau hơn 3 tháng điều trị.

Tháng 12/2021 bé Q. nhập viện trong bệnh cảnh COVID-19 nguy kịch, gồm các triệu chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp rất nặng phải thở máy thông số cao.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng phổi của Q. tiếp tục diễn tiến xấu, tổn thương nặng lan tỏa 2 bên, thở máy thông số cao, có chỉ định sử dụng ECMO.

Sau thời gian dài chống chọi bệnh nặng, Q. có nhiều tổn thương về thể chất cũng như tâm lý, các bác sĩ khoa hô hấp đã phối hợp cùng khoa dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tâm lý xây dựng các liệu pháp phục hồi chức năng cho Em. Bệnh nhi được tập vật lý trị liệu hô hấp mỗi ngày để cải thiện chức năng phổi và chống dày dính màng phổi.

Sau tổng cộng 108 ngày chiến đấu với bệnh tật, Q. đã được xuất viện về nhà đoàn tụ trong niềm hạnh phúc của gia đình và tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2.

Cà Mau: Cấm tàu cá chở khách du lịch ra tham quan các đảo
Cà Mau: Cấm tàu cá chở khách du lịch ra tham quan các đảo

Cà Mau: Cấm tàu cá chở khách du lịch ra tham quan các đảo

Ngày hôm qua 2/4, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định về việc tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, đáng chú ý có thông tin nghiêm cấm tàu cá vận chuyển khách du lịch.

Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cần phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra tại các cảng biển để kịp thời phát hiện và xử lý tàu cá chở khách du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Công an tỉnh phối hợp Thanh tra Sở GTVT tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn…

Tối 8/4: Cửa Lò sẽ bắn pháo hoa tầm thấp khai mạc mùa du lịch 2022
Tối 8/4: Cửa Lò sẽ bắn pháo hoa tầm thấp khai mạc mùa du lịch 2022

Tối 8/4: Cửa Lò sẽ bắn pháo hoa tầm thấp khai mạc mùa du lịch 2022

Vừa qua, ông Võ Văn Hùng - phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò - cho biết, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong lễ khai mạc du lịch Cửa Lò năm 2022 vào lúc 20h tối 8-4. Thời gian bắn không quá 15 phút.

Điểm nhấn của lễ khai mạc năm nay là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Cửa Lò tình yêu biển cả và khát vọng tỏa sáng". Đây là chương trình mang đậm sắc màu văn hóa xứ Nghệ hòa quyện với sự trẻ trung, sôi động lan tỏa kết nối trên mọi miền Tổ quốc.

Sau lễ khai mạc sẽ mở ra một chuỗi sự kiện kéo dài từ ngày 9-4 cho đến ngày 30-4, tiêu biểu như: giải cờ người; chương trình lễ hội âm nhạc đường phố và ẩm thực đêm; chương trình nghệ thuật về miền ví, giặm, hội thi đầu bếp giỏi thị xã…

Chương trình được kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi du lịch biển Cửa Lò sau hai năm nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ tại đô thị biển này phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

TIN THẾ GIỚI

Nhiều nơi ở châu Âu dỡ bỏ hạn chế đi lại
Nhiều nơi ở châu Âu dỡ bỏ hạn chế đi lại

Nhiều nơi ở châu Âu dỡ bỏ hạn chế đi lại

Ngày càng có nhiều khu vực và quốc gia ở châu Âu bãi bỏ mọi biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có Hungary, Ba Lan, Đan Mạch, Iceland và đảo Madeira của Bồ Đào Nha. Những điểm đến này không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm hoặc xác nhận tình trạng bệnh, thậm chí hầu hết không yêu cầu đeo khẩu trang.

Đan Mạch gần đây đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại, ngay cả đối với những công dân chưa được tiêm chủng từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Du khách cũng sẽ có thể đến hai quốc gia Bắc Âu khác là Iceland và Na Uy - một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ các hạn chế. Theo thông báo của văn phòng du lịch địa phương, "từ ngày 12/2, du khách có thể đi du lịch đến Na Uy mà không phải lo lắng về bất cứ điều gì ngoài giải trí".

Trong khi đó, Iceland đã dỡ bỏ các hạn chế từ ngày 25/2, và không chỉ du lịch mà hầu như trong mọi lĩnh vực khác. Việc tiếp xúc không còn bị hạn chế và không cần cách ly đối với những người mắc COVID-19. Tại Trung Âu cũng có thể đi du lịch tự do, như từ các nước láng giềng của Séc đến Ba Lan và Slovakia, hoặc xa hơn đến Hungary. Ba Lan đã bãi bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng như Đan Mạch. Việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc ở bệnh viện và cơ sở y tế.

Nga đăng ký vaccine ngừa COVID-19 xịt mũi đầu tiên trên thế giới

Bộ Y tế Nga ngày 1/4 cho biết đã nộp đơn xin cấp phép cho vaccine COVID-19 dạng xịt đầu tiên của thế giới, vaccine dạng xịt mũi của Gam-COVID-Vac (Sputnik V) do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya phát triển.

Vaccine Sputnik dạng xịt chứa hai thành phần dựa trên virus véc-tơ Adeno loại 5 (Ad5) và 16 (Ad15). Vaccine này gồm hai liều được sử dụng cách nhau 3 tuần.  Loại vaccine dạng xịt mũi này sẽ tạo ra miễn dịch niêm mạc chống lại virus SARS-CoV-2 trong đường hô hấp.

Tại thời điểm này, vaccine xịt mũi của Sputnik được dùng để phòng ngừa bệnh COVID-19 cho những người trên 18 tuổi. Hiện nhiều loại vaccine đã được sản xuất dưới dạng xịt mũi, trong đó có vaccine cúm. Các nhà khoa học đánh giá vaccine xịt mũi có thể tạo ra những tác động lớn trên toàn cầu.

Cuba trình WHO phê duyệt vaccine ngừa COVID-19
Cuba trình WHO phê duyệt vaccine ngừa COVID-19

Cuba trình WHO phê duyệt vaccine ngừa COVID-19

Ngày 2/4, Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma cho biết Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học thuộc tập đoàn này đã chính thức trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để bắt đầu quy trình đánh giá vaccine Abdala ngừa COVID-19.

BioCubaFarma nhấn mạnh rằng hồ sơ của vaccine Abdala do Cuba nghiên cứu và phát triển đã sẵn sàng để được các chuyên gia xem xét. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 8 triệu người Cuba đã tiêm ngừa COVID-19 với vaccine Abdala. Vaccine ngừa COVID-19 của Cuba cũng đã được xuất khẩu sang Venezuela, Nicaragua, Iran, Mexico và Việt Nam.

Cuba được xem là "điểm sáng" về vaccine của Mỹ Latinh trong bối cảnh khu vực này hiện vẫn đang là tâm điểm của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Đây là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Kể từ khi đại dịch bùng phát tại đảo quốc Caribê này hồi tháng 3/2020, Cuba đã phát triển 5 ứng cử viên vaccine, gồm Soberana 01, Soberana 02 và Soberana Plus của Viện Vaccine Finlay; và Abdala và Mambisa của CIGB.

Người Hàn Quốc đổ xô đi du lịch nước ngoài

Sau 2 năm hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19, nhiều người Hàn Quốc đã đổ xô đặt tour đi du lịch nước ngoài khi các biện pháp phòng chống dịch vừa được nới lỏng. 

Xu hướng này bùng nổ sau ngày 21/3, thời điểm Hàn Quốc dỡ bỏ lệnh cách ly 7 ngày bắt buộc đối với những người nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh vào quốc gia này. Biện pháp hạn chế này đã được nới lỏng vào năm ngoái nhưng tái áp đặt hồi tháng 12/2021 do biến thể Omicron lây lan mạnh.

Bất chấp làn sóng COVID-19 kỷ lục, Hàn Quốc đã bỏ chiến lược truy vết, gia nhập danh sách các quốc gia châu Á nới lỏng các quy tắc kiểm dịch, bao gồm Singapore, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Người Hàn Quốc hiện đã sẵn sàng đi du lịch hơn. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy mọi người ít lo lắng hơn về tác động từ việc lây nhiễm virus và ngày càng coi việc phòng chống là ngoài tầm tay.

Nga, Ukraine thông tin về quá trình hòa đàm
Nga, Ukraine thông tin về quá trình hòa đàm

Nga, Ukraine thông tin về quá trình hòa đàm

Hãng thông tấn RIA của Nga ngày 3/4 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin cho biết cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine diễn ra không hề dễ dàng, nhưng điều quan trọng là quá trình này vẫn diễn ra.

Nga muốn tiếp tục đàm phán với Ukraine ở nước láng giềng Belarus, nhưng Kiev đã phản đối đề nghị này. Đại diện phái đoàn đàm phán Ukraine cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ - Istanbul hoặc Ankara.

Trước đó, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul diễn ra ngày 29/3. Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moskva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine.

Liên hợp quốc hỗ trợ Liban trong lĩnh vực giáo dục

Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) về Liban ngày 2/4 đã thúc giục chính phủ Liban nỗ lực xây dựng lại hệ thống giáo dục của đất nước này.

Bà chia sẻ rằng: "Chúng tôi hiểu được tình hình khó khăn mà các giáo viên đang phải đối mặt, hỗ trợ Bộ Giáo dục và Giáo dục Đại học cải thiện các điều kiện trong trường học cho cả giáo viên và trẻ em. Vì tương lai của Liban và trẻ em nước này, điều quan trọng là chính phủ Liban và các bên liên quan phải phối hợp cùng nhau để xây dựng lại hệ thống giáo dục"

Cùng với Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), phái bộ của LHQ tại Liban đang hỗ trợ cho 336.000 trẻ em Liban và khoảng 198.000 trẻ em không phải công dân Liban được vào học tại các trường công lập. Liban đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có, với sự sụp đổ của đồng nội tệ, khiến hơn 74% dân số rơi vào tình trạng nghèo đói.

Sóng lớn 'nuốt chửng' bãi biển Bondi ở Australia
Sóng lớn 'nuốt chửng' bãi biển Bondi ở Australia

Sóng lớn 'nuốt chửng' bãi biển Bondi ở Australia

Ngày 2/4, những con sóng lớn đã ập vào bờ biển miền Đông Australia, làm ngập nhiều ngôi nhà và "nhấn chìm" bãi biển Bondi trứ danh ở thành phố Sydney, bang New South Wales.

Cảnh báo nguy hiểm đã được ban bố đối với hầu hết các khu vực duyên hải ở New South Wales, trong bối cảnh gió mạnh như tiếp thêm sức cho những cơn sóng dữ. Thời tiết khắc nghiệt đã gây thiệt hại lớn cho người dân trong khu vực này, mặc dù những báo cáo chi tiết chưa được công bố. Những hình ảnh lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cho thấy thủy triều dâng cao với những cột sóng lên tới 5 mét đã ập xuống nhiều ngôi nhà khiến người dân phải bỏ chạy.

Hàng chục người thiệt mạng và mất tích do lở đất ở Brazil
Hàng chục người thiệt mạng và mất tích do lở đất ở Brazil

Hàng chục người thiệt mạng và mất tích do lở đất ở Brazil

Ngày 2/4, chính quyền bang Río de Janeiro của Brazil xác nhận ít nhất 13 người đã thiệt mạng và nhiều người khác vẫn đang mất tích do lở đất và lũ lụt.

Theo Lực lượng Phòng vệ dân sự Rio de Janeiro, 7 người trong cùng một gia đình đã thiệt mạng tại thành phố du lịch Paraty, giáp ranh với bang Sao Paulo, khi đất lở chôn vùi các ngôi nhà bên bờ biển Ponta Negra. Tổng cộng 22 khu dân cư tại đây đã bị ảnh hưởng do lở đất và mưa lớn, tuy nhiên trực thăng hiện chưa thể tiếp cận được hiện trường.

Tại vùng lân cận Angra dos Reis, lực lượng cứu hộ cho biết đã ghi nhận ít nhất 5 trường hợp tử vong và 6 người mất tích trong một trận lở đất chôn vùi 4 ngôi nhà ở khu vực giáp biển Monsuaba. Mưa lớn, cây đổ và lở đất cũng làm hư hại nhiều đường cao tốc, khiến lối vào các địa phương như Paraty và Angra dos Reis bị phong tỏa.