Chiều 4/4, Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM cho biết, tùy vào tình hình thực tế, các trường tiểu học, THCS sẽ đề xuất với phòng giáo dục và đào tạo về thời gian kết thúc năm học cho phù hợp. Trong đó các khối lớp trong cùng một trường sẽ có thời gian kết thúc năm học khác nhau.
Từ đề xuất của các đơn vị, Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM sẽ đề xuất với UBND TPHCM. Thời gian kết thúc năm học các khối lớp 1, 2, 3, 4 tối đa có thể kéo dài đến 30-6. Riêng học sinh lớp 5 tối đa sẽ kết thúc năm học vào ngày 10-6 (thời gian ấn định ban đầu là kết thúc vào cuối tháng 5).
Với bậc THCS, THPT sẽ không kéo dài thời gian năm học, trừ khối lớp 6. Các trường THCS sẽ chủ động đề xuất, tối đa khối lớp 6 có thể sẽ kết thúc năm học vào ngày 15-6 thay vì cuối tháng 5 như trước đây.
Mã QR trên hộ chiếu vắc xin chỉ có thời hạn 12 tháng
Về mã QR của "hộ chiếu vắc xin" hết hạn sau 12 tháng, Bộ Y tế cho biết thời hạn này là giải pháp kỹ thuật để bảo mật. Sau 12 tháng, người dân sẽ được thông báo, hệ thống tự khởi động mã QR khác.
Theo thông tin của Bộ Y tế, người dân đã tiêm vắc xin, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp "hộ chiếu vắc xin" mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.
"Hộ chiếu vắc xin" sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Hiệu quả của vắc xin với chủng Omicron BA.2
Theo nghiên cứu quốc tế mới công bố, tiêm đủ 2 mũi vắc xin Pfizer có hiệu quả 68% trong việc ngăn ngừa nhập viện vì biến thể Omicron.
Ở nhóm người 12-18 tuổi, tiêm chủng có hiệu quả 92% chống lại việc nhập viện với biến thể Delta, tỉ lệ này giảm xuống còn 40% với biến thể Omicron.
Tuy nhiên, vắc xin tỏ ra rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, cụ thể tiêm chủng có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng nếu mắc chủng Delta và 79% nếu mắc chủng Omicron.
Tại Việt Nam, qua nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, có đến 95% ca mắc COVID-19 (được giải trình tự gen ngẫu nhiên) ghi nhận từ 25 tỉnh thành phía Bắc đến điều trị tại bệnh viện trong tháng 3 vừa qua đều mắc BA.2, dòng biến thể phụ của Omicron. Cho đến nay, đã có gần 10 triệu người Việt mắc COVID-19.
F0 nên cách ly riêng nếu gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ
Đây là nội dung trong hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 mới nhất của Sở Y tế TPHCM.
Trong công văn mới này, Sở Y tế có điều chỉnh đối tượng và rút ngắn thời gian cách ly tại nhà, điều chỉnh thuốc điều trị COVID-19 tại nhà và quy trình tiếp nhận F0, xác nhận hoàn thành cách ly.
Theo đó, đối tượng cách ly tại nhà là người mắc COVID-19, bao gồm cả trẻ em, có khả năng tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe hoặc có người hỗ trợ chăm sóc.
Nếu F0 đã hội đủ các tiêu chí trên nhưng hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19), khuyến khích F0 cách ly nơi khác để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên khác.
Những tín hiệu lạc quan về phục hồi kinh tế
Sau hơn 2 năm phòng chống dịch và nửa năm kể từ khi mở cửa kinh tế trở lại, sức mua ở TP.HCM đang có dấu hiệu tăng rõ rệt bất chấp khó khăn ở phía trước vẫn còn rất nhiều. Trên bình diện chung, lĩnh vực du lịch, hàng không cũng tăng tốc mạnh mẽ nhờ lực cầu nội địa. Còn cả tháng nữa mới tới dịp lễ 30/4 – 1/5, nhưng vé máy bay nhiều chặng “hot” đã khan hiếm, không ít khách sạn lớn kín phòng, nhiều điểm đến dự báo quá tải. Cầu tăng thì cung tăng. Dịch vụ, hàng hóa tiêu thụ được kéo theo nhu cầu vốn để mở rộng hoạt động của doanh nghiệp tăng mạnh. Thực tế này được phản ánh qua các con số thống kê. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng quý 1/2022 đạt 5,04%, mức cao so với những năm gần đây và rất cao so tỷ lệ 1,26% của năm 2021. Nói đơn giản thì vốn đang chảy mạnh vào nền kinh tế.
Một yếu tố hết sức lạc quan không thể bỏ qua đó là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 3 tháng đầu năm 2022 cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Giải ngân đầu tư công cũng tăng tốc với hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia được khởi công, đẩy nhanh tiến độ và về đích. Rõ ràng, vốn nội vốn ngoại đã và đang kích hoạt sản xuất kinh doanh, kích thích sức mua trên thị trường.
Du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe là một xu hướng sau dịch COVID-19
Sau thời gian dài cả thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh gia tăng đã khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, mong muốn giải tỏa căng thẳng. Điều này khiến thị trường chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, cùng với đó là nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe gia tăng. Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Những chuyến đi dài ngày của du khách sẽ không chỉ là tham quan đơn thuần mà còn là du lịch tận hưởng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe.
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe do có nhiều điểm suối khoáng nóng, bùn khoáng trải dài cả nước, nhiều khu vực có khí hậu ôn hòa...
Học sinh, sinh viên nghèo được vay tối đa 10 triệu đồng mua máy tính
Ngày 4/4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Theo đó, học sinh, sinh viên gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ mất do dịch COVID-19) thuộc diện được vay vốn.
Học sinh, sinh viên không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức cũng được nhận hỗ trợ này.
Về thủ tục, đại diện gia đình của học sinh, sinh viên đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên đủ 18 tuổi thì được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở.
Thái Lan rà soát thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu từ Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết vừa nhận được thông tin Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT) đã khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá với 2 sản phẩm gồm thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam.
DFT đã gửi bản câu hỏi và yêu cầu các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan của Việt Nam nộp bản trả lời trước 16h30 ngày 2 tháng 5 năm 2022 (giờ Bangkok).
Danh sách các nhà sản xuất, xuất khẩu thép mạ hợp kim nhôm kẽm gồm 9 đơn vị là Tập đoàn Hoa Sen; Công ty cổ phần Thép Nam Kim; Công ty TNHH MTV Tôn Hòa Phát; Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long; Công ty cổ phần Maruichi Sun Steel; Công ty cổ phần Tôn Đông Á; Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc; Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam và Công ty Thép miền Nam.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần phối hợp trả lời bảng câu hỏi và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của DFT.
Tin thế giới
99% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm vượt giới hạn
Báo cáo của WHO công bố ngày 4/4 thu thập về tình trạng ô nhiễm không khí như các hạt và khí nitrogen dioxide, hai loại ô nhiễm phát thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch và được cho là nguyên nhân gây các bệnh về hô hấp và tim mạch trong giai đoạn 2010-2019, tại hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia. Theo báo cáo trên, ô nhiễm không khí mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 triệu người.
Số lượng các hạt nhỏ trong không khí tại các nước châu Phi và khu vực phía Tây Thái Bình Dương cao gần gấp 8 lần so với tiêu chuẩn an toàn của WHO, trong khi đó mức độ tập trung của các hạt này lại thấp nhất tại châu Âu.
Dữ liệu thu thập được tại 117 nước cho thấy chưa đầy 1% thành phố ở những nước có thu nhập thấp và trung bình đạt mức an toàn về chất lượng không khí theo khuyến nghị của WHO.
EU công nhận chứng chỉ COVID MySejahtera của Malaysia
Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với yêu cầu của Malaysia về việc công nhận ứng dụng MySejahtera là Chứng chỉ số COVID và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/4.
Đại sứ của EU tại Malaysia đã đưa ra thông báo trên tài khoản cá nhân, gọi đây là sự thúc đẩy vì kinh doanh và du lịch.
Khuôn khổ này bao gồm việc cấp, xác minh và chấp nhận chứng chỉ tiêm chủng, thử nghiệm và phục hồi COVID-19, có khả năng tương tác để tạo điều kiện cho việc đi lại tự do trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Malaysia vừa mở cửa trở lại biên giới quốc gia vào ngày 1/4 và chuyển COVID-19 sang bệnh đặc hữu.
Thượng Hải tiếp tục kéo dài lệnh 'ở yên trong nhà'
Ngày 4-4, giới chức Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết thành phố sẽ tiếp tục phong tỏa, trong khi nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người dân trong thành phố.
Trong thông báo, chính quyền Thượng Hải cho biết thành phố sẽ tiếp tục khóa chặt và thực hiện nghiêm lệnh "ở yên trong nhà", ngoại trừ những trường hợp cần điều trị y tế.
Ngày 28/3, Thượng Hải chính thức bắt đầu đợt phong tỏa gồm 2 giai đoạn. Theo đó, nửa phía đông sông Hoàng Phố của thành phố này sẽ phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ là nửa phía tây sông Hoàng Phố. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa ở phía đông đã được kéo dài, khiến toàn bộ thành phố đều trong tình trạng "ở yên trong nhà". Theo dự kiến trước đây, những hạn chế phòng dịch của đợt phong tỏa 2 giai đoạn nói trên sẽ kết thúc vào 5h sáng 5/4.
Tổng thống Ukraine: Triển vọng hòa đàm với Nga đang khó khăn hơn
Ngày 4/4, Tổng thống Ukraine cho rằng việc đàm phán với Nga đã trở nên khó khăn hơn liên quan đến quy mô chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Tuyên bố của Tổng thống Zelensky được đưa ra khi ông tới thăm thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev, sau khi xuất hiện thông tin về việc phát hiện nhiều thi thể tại đây. Ông Zelensky đổ lỗi cho quân đội Nga gây ra vụ việc.
Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định video về vụ việc đã được các phần tử cực đoan ở Ukraine dàn dựng.
*Nội dung đã được phát trên FM 95.6Mhz - Đài TNND TPHCM.