Tin nóng sáng 7/4 - Hà Nội: Từ 0h ngày 8/4 quán karaoke, massage, bar được hoạt động trở lại

(VOH) - Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ. như: Karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, internet hoạt động trở lại từ 0h ngày 8/4/2022 nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định...

TIN TRONG NƯỚC

Hà Nội lý giải quyết định bất ngờ cho học sinh lớp 1/6 đi học trực tiếp

Lý giải về quyết định bất ngờ cho tiểu học và lớp 6 học trực tiếp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nêu rõ, việc cho học sinh đi học trực tiếp hiện nay được xem là thời gian vàng để củng cố, ôn tập kiến thức cho các em thi học kỳ kết thúc năm học.

Tại buổi họp báo, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND Thành phố khẳng định, đến thời điểm này có thể đánh giá, khẳng định Thành phố đã bước qua đỉnh dịch COVID-19. Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước).

Chú trọng Tập trung công tác tiêm chủng, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ cao. Chuẩn bị sẵn sàng tiêm ngay và đảm bảo an toàn tiêm vaccine cho lứa tuổi 5-11 tuổi khi được Bộ Y tế phân bổ.

Tin nóng sáng 7/4: Bắt chủ tịch công ty huy động vốn chiếm đoạt 650 tỉ đồng 1
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến - Ảnh:LĐO

Đắk Lắk phát hiện vụ phá rừng hơn 100ha ở huyện vùng biên

Ngày 6/4, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk thông tin, vừa phát hiện vụ phá rừng lớn tại xã Ya Tờ Mốt. Diện tích rừng bị các đối tượng cưa hạ khoảng 100 ha thuộc tiểu khu 205, nằm giữa hai xã Ia Rvê và xã Ya Tờ Mốt.

Tại hiện trường hàng ngàn cây dầu, cùng các loại cây rừng khác có đường kính từ 5cm đến trên 20cm bị cưa đổ ngổn ngang. Nhiều cây lá còn xanh, thân đang chảy mủ.

Lãnh đạo Huyện uỷ Ea Súp - xác nhận: Vụ phá rừng được lực lượng chức năng của huyện phát hiện vào chiều ngày 1/4. Diện tích này đã được giao về cho xã Ya Tờ Mốt quản lý, bảo vệ. Lợi dụng tình hình dịch bệnh cũng như xa khu dân cư, lâm tặc đã tổ chức phá trên diện rộng với mục đích chiếm đất. Công an huyện đã tập trung lực lượng phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ.

Hà Nội: Từ 0h ngày 8/4 quán karaoke, massage, bar được hoạt động trở lại

Ngày 6/4, UBND thành phố ban hành Văn bản số 1011/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, internet hoạt động trở lại từ 0h ngày 8/4/2022 nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.

UBND thành phố giao các sở, ngành thành phố: Văn hóa và Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an thành phố... căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về nội dung chuyên ngành hướng dẫn, tổ chức các hoạt động nêu trên bảo đảm đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra xử lý các vi phạm phòng, chống dịch COVID-19.

Tin nóng sáng 7/4: Bắt chủ tịch công ty huy động vốn chiếm đoạt 650 tỉ đồng 2
Hà Nội cho phép các quán karaoke mở lại - Ảnh: LĐO

Bắt chủ tịch công ty huy động vốn lập ngân hàng ma lừa đoạt 650 tỉ đồng

Chiều 6/4, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TPHCM đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phùng Thị Nghệ (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát tại P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo công an, để tạo niềm tin với mọi người, Phùng Thị Nghệ mua biệt thự tại Phú Mỹ Hưng để ở, đi nhiều siêu xe… và chia lãi suất đợt đầu cho người góp vốn đúng thời hạn. Với chiêu thức này, Nghệ đã lừa nhiều nạn nhân, trong đó có những nạn nhân bán hết tài sản, vay mượn để có hàng trăm tỉ đồng góp vốn với bị can này. Sau khi nhận hàng trăm tỉ đồng góp vốn từ nhiều người, Phùng Thị Nghệ tắt điện thoại, chuyển chỗ ở, đóng cửa công ty, né tránh việc gặp các “cổ đông” cũng như không trả lại tiền. Ngày 30/7/2021, Công an TPHCM đã quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để điều tra.

Sau gần một năm thu thập thông tin, chứng cứ, Công an TP.HCM đã xác định Phùng Thị Nghệ đã lừa đảo 650 tỉ đồng của nhiều người nên khởi tố bắt tạm giam Nghệ để điều tra làm rõ

Sở Quy hoạch-Kiến trúc: Dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình "không có gì đặc biệt"

Chiều 6/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022.

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về công trình số 61 Trần Phú, vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, đang bị phá dỡ để xây dựng tổ hợp công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, công trình này là công trình công nghiệp được xây vào 1925 và "kết cấu không có gì đặc biệt".

Với quy mô, tính chất đặc thù của dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để lựa chọn được phương án thiết kế tối ưu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và triển khai những thủ tục có liên quan.

Tin nóng sáng 7/4: Bắt chủ tịch công ty huy động vốn chiếm đoạt 650 tỉ đồng 3
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh trả lời về căn cứ pháp lý của dự án ở khu đất số 61 Trần Phú - Ảnh: Dantri

Đề xuất hơn 7.100 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến Quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ là Quốc lộ 53, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 91B tại Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Mức đầu tư 3 dự án trên được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất vốn vay WB khoảng hơn 5.777 tỷ đồng, tương đương hơn 250 triệu USD. Nguồn vốn này được sử dụng cho các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công; chi phí tư vấn giám sát thi công và chi phí dự phòng.

Dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 - 2026).

TIN THẾ GIỚI

NATO cảnh báo chiến sự Ukraine có thể kéo dài nhiều năm

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết không có dấu hiệu Tổng thống Nga Vladimir Putin từ bỏ 'tham vọng kiểm soát toàn bộ Ukraine' và cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm.

Ông Stoltenberg cho biết cuộc xung đột đã đi đến "giai đoạn quan trọng" khi Nga rút lực lượng gần Kiev để tập trung cho miền đông Ukraine.

Hồi tháng 1, ông Stoltenberg khẳng định NATO sẽ không điều quân đến Ukraine tham chiến. Tuy nhiên, một số nước thành viên của NATO đã có quân đội tại Ukraine sẽ tham gia vào việc huấn luyện các lực lượng của Chính phủ Ukraine sử dụng những hệ thống vũ khí do liên minh cung cấp.

NATO cũng đã điều hàng chục ngàn binh sĩ đến sườn phía đông của liên minh và muốn tăng cường lực lượng để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga.

Tin nóng sáng 7/4: Bắt chủ tịch công ty huy động vốn chiếm đoạt 650 tỉ đồng 4
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: REUTERS

Đợt phong tỏa Thượng Hải ảnh hưởng thế nào đến chuỗi cung ứng toàn cầu?

Tại Thượng Hải, ngày 27/3, chính quyền thông báo sẽ bắt đầu một đợt phong tỏa ngừa COVID-19, nhắm vào 1 nửa thành phố trước sau đó tới nửa còn lại. Đến 31/3, Thượng Hải tuyên bố phong tỏa có hiệu lực toàn thành phố, toàn bộ 25 triệu dân bị cấm rời khỏi khu dân cư, trừ khi đi xét nghiệm.

Tờ Guardian nhận định, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại đáng kể do các đợt phong tỏa. Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc giảm với tốc độ cao nhất trong 2 năm vào tháng 3 vừa qua.

Khảo sát cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc vào tuần trước và các nhà kinh tế cảnh báo ngày 6/4 rằng điều tồi tệ hơn có thể xảy ra khi việc phong tỏa Thượng Hải bắt đầu ảnh hưởng đến các số liệu trong những tháng tới.

Châu Âu đề xuất cấm nhập khẩu than đá của Nga: Lợi bất cập hại

Châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhắm đến lĩnh vực năng lượng của nước này. Tuy nhiên, những diễn biến khốc liệt trong tình hình xung đột tại Ukraine đã khiến các lãnh đạo châu Âu thay đổi chiến lược.

Các thông tin chi tiết của gói trừng phạt mới này, bao gồm lộ trình cấm than đá, có thể được công bố trong ngày 6/4 khi các đại sứ EU tiến hành đàm phán. Các biện pháp này vẫn cần có sự thông qua của tất cả 27 nước thành viên EU.

Các lãnh đạo EU đã cam kết sẽ giảm 66% lượng khí đốt tiêu thụ của khối này trước cuối năm nay, và đến năm 2027 sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Việc thuyết phục các nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu như Đức và Hungary sẽ khó khăn hơn nhiều

Tin nóng sáng 7/4: Bắt chủ tịch công ty huy động vốn chiếm đoạt 650 tỉ đồng 5
Ảnh minh họa: Reuters

Nhiều thành phố ở Mỹ đối mặt với 'bão' giá nhiên liệu

Theo thống kê của AAA, California, Nevada, Alaska, Hawaii và Washington là những bang có giá khí đốt cao nhất trên toàn nước Mỹ và là nơi có những thành phố có chi phí nhiên liệu đắt đỏ nhất. Tính đến thứ Tư, số liệu thống kê của AAA cho thấy, người dân sinh sống ở thành phố San Luis Obispo nằm bên bờ biển miền Trung tại bang California đang phải trả chi phí cao nhất trong cả nước Mỹ vào ngày thứ Tư với 5,98 USD/gallon.

Trong khi đó, thành phố du lịch xinh đẹp Lihue nằm trên đảo Kauia, thuộc bang Hawaii có giá xăng ở mức 5,46 USD/gallon. Một thành phố du lịch hàng đầu khác của nước Mỹ là Las Vegas, bang Nevada đã ghi nhận được mức giá nhiên liệu lên tới 5,23 USD cho mỗi gallon cũng vào ngày thứ Tư. Bên cạnh đó, thành phố San Juan Island nằm ở phía Tây Bắc của bang Washington đã phải chứng kiến giá khí đốt tăng vọt lên 5,22 USD/gallon.

Lạm phát cao có thể mở đường cho một kỷ nguyên toàn cầu hóa mới

Quá trình toàn cầu hóa hiện đại xuất hiện hai giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, nhưng bị gián đoạn bởi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Sau đó, đã có một nỗ lực tuyệt vọng để khôi phục lại toàn cầu hóa với một khuôn khổ thể chế mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này đã thất bại với cuộc Đại suy thoái.

Chính lạm phát đã giúp tạo ra một môi trường chính sách mới vào giữa thế kỷ 19 và những năm 1970. Khi chi phí kinh tế và chính trị của lạm phát trở nên rõ ràng hơn và gây thiệt hại lớn hơn, thì việc tìm kiếm cách thức để giảm thiểu áp lực lạm phát trở nên hấp dẫn hơn.

Các biện pháp kiềm chế lạm phát thúc đẩy thế giới nắm bắt các cơ hội kỹ thuật và địa lý từng bị bỏ qua hoặc phớt lờ. Tóm lại, có một tương lai hậu xung đột mà chúng ta có thể mong đợi với sự hy vọng nào đó.

Tin nóng sáng 7/4: Bắt chủ tịch công ty huy động vốn chiếm đoạt 650 tỉ đồng 6

Đồng 100 đô la Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN

 

* Nội dung này được phát sóng trên kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz 
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz 
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188 
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/ 
Bình luận