Tin nóng trưa 1/12: Sau 31/12, thẻ từ ATM có bị từ chối giao dịch hay không?

(VOH) - Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng).

NHNN khẳng định không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng) do các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam phát hành.

Đồng thời quy định trách nhiệm các tổ chức thanh toán thẻ trong thực hiện lộ trình chuyển đổi ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, không có quy định về việc từ chối chấp nhận giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành.

tin-tong-hop-trua-1-12-voh.com.vn-anh1
NHNN khẳng định không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng). (Ảnh minh họa)

NHNN yêu cầu, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cần rà soát quy định pháp luật, hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa tổ chức phát hành thẻ với chủ thẻ về việc phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, đảm bảo các giao dịch thẻ của chủ thẻ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ và không đưa ra các chính sách, quy định trái với quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng.

Thủ tướng yêu cầu không để người dân đói, rét trong vùng ngập lụt

Đêm 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện hỏa tốc gửi các bộ, ban, ngành, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về việc tập trung ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân đói, rét.

tin-tong-hop-trua-1-12-voh.com.vn-anh2
Xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bị ngập sâu. (Ảnh: VTC News)

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động rà soát, kịp thời tổ chức sơ tán dân khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cần lưu ý đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương phối hợp với các địa phương điều tiết các hồ thủy điện, thủy lợi đảm bảo vận hành khoa học, tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt lũ cho hạ du và phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. 

Nhiều đường bay nội địa sẽ được tăng tần suất khai thác từ ngày 1/12

Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định mới tăng tần suất với các đường bay nội địa. Các đường bay trục: Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM và Đà Nẵng - TP.HCM, từ 1-12 đến hết ngày 14-12 tần suất trên từng đường bay không vượt quá 16 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

Từ ngày 15/12 tần suất trên từng đường bay không vượt quá 20 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay. Các đường bay khác, tần suất khai thác không vượt quá 9 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

Tùy tình hình thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh tần suất trên các đường bay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 25/12.

TP.HCM : F0 sẽ có thêm nhiều lựa chọn điều trị

Ngày 30/11, Sở Y tế trình UBND TP.HCM phương án thí điểm cơ chế cho y tế tư nhân (YTTN) tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 theo các loại hình: chăm sóc và điều trị F0 tại BV, tại nhà, tại các cơ sở cách ly tập trung. Cơ chế thu phí dựa trên tự nguyện và thỏa thuận giữa người bệnh và cơ sở cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Người bệnh Covid-19 được quyền chọn lựa bác sĩ tư nhân để chăm sóc, điều trị tại nhà và chịu trách nhiệm thanh toán tiền công khám, chi phí đi lại của nhân viên y tế theo giá thỏa thuận. Sở Y tế quy định giá cho 1 lần khám tại nhà không cao hơn giá khám dịch vụ của các BV công lập trên địa bàn là 200.000 đồng/lượt khám.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất cho các cơ sở cách ly tập trung như cơ sở sản xuất, kinh doanh, khách sạn… được lựa chọn cơ sở YTTN đủ điều kiện tham gia thực hiện chăm sóc F0 và ký hợp đồng theo mức giá thỏa thuận.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất nhiều chính sách giữ nhân viên y tế

Trước thực trạng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Sở Y tế TP.HCM vừa đề xuất  nhiều chính sách "níu chân" nhân viên y tế.

Đối với Trạm Y tế từ 10.000 dân trở xuống thì bố trí tối thiểu 10 biên chế trạm. Đối với các Trạm Y tế trên 10.000 dân, tăng từ 5.000 dân thì tăng 1 biên chế (nếu số dư cuối từ 3.000 đến dưới 5.000 dân thì được bố trí thêm 1 biên chế ). Tối đa không quá 20 biên chế.

Như vậy, tổng số biên chế phân bố năm 2022 cho 310 Trạm Y tế theo mức đề xuất là 4.156 biên chế, tức tăng 1.869 biên chế so với tổng số biên chế năm 2021.

Ngoài ra, tùy theo vị trí, cấp bậc sẽ có những chính sách phù hợp về lương, phụ cấp, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm.

Sóc Trăng: Sau 15/12, ai chưa tiêm vắc xin có thể bị hạn chế hoạt động cộng đồng

Ngày 1/12,Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký thông báo về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, dự kiến sẽ kết thúc việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên vào ngày 15/12.

Sau thời gian này, UBND tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ ban hành quy định những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không được tham gia các hoạt động cộng đồng, không được đến những nơi công cộng và không được ra khỏi địa bàn nơi cư trú (trừ trẻ em dưới 12 tuổi và các trường hợp chống chỉ định). Vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kêu gọi tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh khẩn trương tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

TIN THẾ GIỚI

Malaysia tạm dừng chuyển sang giai đoạn xác định  COVID-19 là bệnh đặc hữu

Với sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Theo đó, Malaysia sẽ siết chặt kiểm soát biên giới với các nước và khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới này. Đồng thời giám sát sự lây nhiễm của biến thể này để ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới ở nước này.

Tổng thống Mỹ sẽ xem xét hàng tuần về những hạn chế đi lại

Ngày 30/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hàng tuần, ông sẽ đưa ra quyết định xem liệu có gia hạn lệnh cấm đi lại của nước này tới miền Nam châu Phi hay không, tùy thuộc vào diễn biến liên quan biến thể mới đáng lo ngại Omicron của virus SARS-CoV-2.

Tùy vào tình hình thực tế sẽ cân nhắc theo từng tuần để quyết định những điều cần làm. Bên cạnh đó, sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng trong một vài tuần tới về nguy cơ gây tử vong cũng như mức độ lây lan của biến thể Omicron và các biện pháp cần triển khai để ngăn chặn biến thể này.

Canada mở rộng danh sách các nước cấm nhập cảnh

Chính phủ Canada hôm qua đã quyết định bổ sung lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Nigeria, Malawi và Ai Cập.

Trước đó, từ ngày 26/11, nước này đã thực hiện lệnh cấm công dân nước ngoài nhập cảnh Canada nếu những người này đã đến một số quốc gia ở miền Nam châu Phi  trong vòng 2 tuần trước đó. Ngoài ra, theo quy định mới, hành khách nhập cảnh Canada qua đường không, từ tất cả các quốc gia (trừ Mỹ), sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 khi đến.   

Ca mắc COVID-19 ở Nam Phi tăng tới 403% trong một tuần

Đợt bùng phát mới này bắt đầu sau một số bữa tiệc sinh viên ở Pretoria. Con số nhanh chóng tăng từ vài trăm lên vài nghìn ca mắc. Số ca mắc mới chủ yếu ở tỉnh Gauteng, đặc biệt là ở thành phố Pretoria.

Các bác sĩ đã cảnh báo rằng người chưa tiêm dễ phải nhập viện hơn nhiều nếu họ nhiễm biến thể mới.

tin-tong-hop-trua-1-12-voh.com.vn-anh3
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Gaborone, Botswana. Ảnh: THX

Brazil phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron

Hôm qua, giới chức y tế Brazil xác nhận nước này đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh phát hiện ca nhiễm loại biến thể nguy hiểm này.

Lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron, chính phủ Brazil cuối tuần qua đã ra quyết định cấm tạm thời các chuyến bay quá cảnh hoặc xuất phát từ Nam Phi và 5 quốc gia châu Phi khác. Bộ trưởng Y tế Brazil cho rằng đây là một biến thể gây lo ngại song biện pháp đối phó tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine.

Italy xem xét bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời

Bắt buộc này như là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Thành phố Turin ở miền Bắc Italy hôm qua đã ra quy định người dân phải đeo khẩu trang ở ngoài trời trong các cuộc tụ tập ở trung tâm thành phố cũng như xung quanh các câu lạc bộ và nhà hàng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 2/12/2021 đến ngày 15/1/2022.

Đề cập biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Thứ trưởng Y tế Italy cho rằng mức độ nguy hiểm của biến thể này dường như chưa "đặc biệt nghiêm trọng" và cần chờ 10-15 ngày nữa để hiểu rõ hơn về biến thể này.

Bình luận