TIN TRONG NƯỚC
TPHCM: Sáng nay 14/2, hơn 1 triệu học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường
Sáng nay 14/2, hơn 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TPHCM đã chính thức đi học lại sau 9 tháng ở nhà học online để phòng tránh dịch COVID-19. Học sinh từ lớp 7 đến 12 ở TPHCM đã đến trường trước đó.
Theo Sở Giáo dục - đào tạo TPHCM, có hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học và gần 70% phụ huynh học sinh từ 3 - 6 tuổi đăng ký cho con em đi học trực tiếp đợt này. Theo kế hoạch của sở, học sinh tiểu học TP.HCM sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.
Đối với các học sinh đi học trực tiếp: giáo viên tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có giải pháp củng cố, bồi dưỡng kiến thức đối với những học sinh chưa học trực tuyến hoặc có học trực tuyến nhưng không đạt được yêu cầu về phẩm chất, năng lực.
Đối với các học sinh chưa đi học trực tiếp: sẽ tiếp tục học từ xa, hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.
TPHCM đề xuất tạm ngưng các bệnh viện dã chiến
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã giảm dưới 1.000 ca/ngày, số ca bệnh nặng và tử vong cũng liên tục giảm thấp, Sở Y tế TP.HCM đã trình UBND TP việc sắp xếp lại hoạt động của các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo Sở Y tế, việc tạm ngưng hoạt động bệnh viện dã chiến sẽ tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình diễn biến phức tạp. Tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và TP Thủ Đức; tiếp tục duy trì các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (Khu chế xuất Linh Trung và Khu công nghệ cao TP.HCM).
Các bệnh viện đang chuyển đổi công năng hoặc tách đôi điều trị của TP sẽ sắp xếp lại gồm: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi, Nhi đồng TP, điều trị COVID-19 Lê Minh Xuân để phục hồi lại công năng và thành lập khoa/đơn vị COVID-19.
TPHCM: Lên phương án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành
Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình về công tác cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình cơ bản thống nhất với ý tưởng cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành theo đề xuất của Công ty TA Landscape (đơn vị tư vấn thiết kế). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (BQL dự án - trực thuộc UBND TPHCM) phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế triển khai ý tưởng chi tiết hơn. Kinh phí thiết kế thực hiện từ nguồn xã hội hóa.
Yêu cầu UBND quận 1 phối hợp với BQL dự án, đơn vị tư vấn triển khai thực hiện phương án thiết kế chi tiết, thống kê gian hàng, số tiểu thương kinh doanh tại chợ và nội dung đề xuất thay mới, sửa chữa, cải tạo chỉnh trang, trùng tu. Các đơn vị phải dự toán chi phí thực hiện, cần lấy ý kiến của các đơn vị chuyên môn để hoàn thiện phương án.
Sở Xây dựng TPHCM chịu trách nhiệm thẩm định công tác kiểm định kết cấu, chất lượng hiện trạng công trình và hồ sơ thiết kế cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành, tổng hợp báo cáo đề xuất, trình Thường trực UBND TPHCM xem xét thông qua phương án thiết kế chi tiết trước ngày 8-3.
Việt Nam: Dỡ bỏ hạn chế về khai thác chuyến bay quốc tế
Cục Hàng không - cho biết Cục Hàng không đã thông báo cho nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ từ ngày 15/2 Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Từ ngày 15/2, Việt Nam sẽ không hạn chế tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ, nhưng quy định về nhập cảnh, phòng chống dịch với hành khách vào Việt Nam vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế.
Từ 1/1/2022, Việt Nam đã khai thác các chuyến bay thường lệ chở khách từ các thị trường gồm Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Đài Bắc, Singapore, Úc, Nga, Anh, Pháp, Đức.
Tuy nhiên, do yêu cầu của nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ và nhu cầu khách, tần suất các đường bay này được khai thác ít hơn khi chưa xảy ra dịch COVID-19.
Đề xuất đầu tư công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Đây là một trong ba dự án cao tốc đã được Chính phủ đưa vào danh mục thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, để đáp ứng nhu cầu vận tải cấp bách của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối tại Km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng chiều dài tuyến đường hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km; đoạn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km.
Căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Ca Sĩ Hà Anh Tuấn tiếp sức cho trẻ em khó khăn qua dự án Chồi Việt Nam
Song song với Rừng Việt Nam, Chồi Việt Nam đã được Hà Anh Tuấn khởi xướng từ tháng 10-2020 với mong muốn có thể góp một phần cùng xã hội để chăm sóc, tiếp sức cho trẻ em khỏe mạnh đến trường. Tuy nhiên đến nay anh mới chia sẻ rõ hơn về dự án. Tổng kinh phí dự án đã chi tính đến hiện tại là 2 tỉ đồng.
Hà Anh Tuấn đã nhận tài trợ toàn bộ chi phí điều trị giai đoạn 3-4 cho một bệnh nhi ung thư máu tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM. Ngoài ra, Hà Anh Tuấn cũng hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng tháng cho một gia đình mẹ con bệnh nhi ung thư máu đang điều trị tại Viện Huyết học - truyền máu trung ương Hà Nội.
Hạng mục thứ 2 là "Chồi đến trường" sẽ tài trợ toàn bộ học phí cho 14 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và chi phí sinh hoạt cơ bản cho 3 trẻ trong một gia đình neo đơn ở khu vực Thủ Thiêm (TP.HCM) cho đến hết 18 tuổi.
TIN THẾ GIỚI
Các biện pháp phòng chống COVID-19 đang biến mất nhanh chóng trên thế giới
Trên thế giới, những biện pháp phòng chống COVID-19 đang dần biến mất, mặc dù điều đó không có nghĩa là căn bệnh này cũng biến mất. Hàng loạt chính phủ đang dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát virus SARS-CoV-2 còn sót lại cuối cùng với mong muốn thiết lập lại nhịp sống sau hai năm biến động vì dịch bệnh. Ngay cả nước Đức vốn chậm rãi cũng đang có kế hoạch dỡ bỏ hạn chế trong tuần này, bất chấp tình hình số ca mắc mới hàng ngày cao kỷ lục.
Giới chức y tế các nước luôn cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 là một phần thực tế không thể xóa bỏ trong cuộc sống của chúng ta. Bởi lẽ, chủng virus này vẫn đang lưu hành và có khả năng xuất hiện thêm các biến thể nguy hiểm mới, hay nguy cơ tiềm ẩn từ một đợt bùng phát đột biến theo mùa khác. Trên thực tế, ngoại trừ Trung Quốc là quốc gia đang theo đuổi chiến lược “Không COVID-19”, các quốc gia khó có thể bảo toàn tuyệt đối các biện pháp hạn chế chặt chẽ sau hai năm khiến mọi thứ, từ công việc đến mua sắm và đi lại, bị gián đoạn.
Hàn Quốc ra quy định hạn chế việc mua bộ xét nghiệm nhanh COVID-19
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng đột biến, Hàn Quốc đã ra quy định hạn chế việc mua bộ dụng cụ tự kiểm tra COVID-19 (Kit Test) ở mức 5 bộ/lần mua và người dân mua phải trực tiếp tại các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi.
Quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/2 đến hết 5/3. Theo quy định mới, việc bán bộ thử nhanh trên không gian mạng bị cấm. Tuy nhiên, các bộ dụng cụ đã được đưa vào kho bán trực tuyến có thể được bán theo hình thức này đến hết ngày 16/2. Bộ trên cho biết việc hạn chế số lượng bộ xét nghiệm nhanh cho một lần một mua không phải do thiếu hụt nguồn cung, mà là biện pháp cần thiết cho “tình huống cần ổn định việc phân phối”.
Nhu cầu mua bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 bắt đầu tăng cao ở Hàn Quốc từ hai tuần trước. Từ ngày 26/1, chính phủ nước này áp dụng quy định mới, chỉ thực hiện xét nghiệm PCR miễn phí cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại 4 khu vực đang có số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng mạnh. Tất cả các đối tượng còn lại phải thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng bằng bộ dụng cụ tự xét nghiệm.
Nhật Bản sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh từ cuối tháng 2
Thủ tướng Nhật Bản cho biết, nước này sẽ xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chết nhập cảnh với người nước ngoài bắt đầu từ cuối tháng 2 này. Biện pháp nới lỏng sẽ được thực hiện linh hoạt, cân bằng giữa phòng chống dịch và nhu cầu bình thường hóa hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo kế hoạch dự kiến, việc nới lỏng sẽ thực hiện theo hai giai đoạn, thời điểm cuối tháng 2 sẽ nới lỏng với những đối tượng nhập cảnh có mục đích kinh doanh trong ngắn hạn, ưu tiên các kỹ sư, nhà nghiên cứu làm việc liên quan đến lợi ích công cộng, sinh viên không thể tốt nghiệp nếu không có các lớp học trực tiếp tại Nhật Bản. Sau đó, từ đầu tháng 3, về cơ bản Chính phủ Nhật Bản sẽ nới lỏng cho tất cả các đối tượng người nước ngoài xin thị thực mới để nhập cảnh vào nước này.
Lo ngại bùng phát dịch cúm mùa nghiêm trọng sau COVID-19
Mùa cúm 2020-2021 đặc biệt nhẹ ở hầu hết các nơi trên thế giới do những biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 khiến số ca mắc cúm giảm mạnh. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học lâu nay lo ngại thời kỳ gián đoạn vào năm ngoái có thể khiến thế giới mất khả năng miễn dịch cúm mùa và đối mặt với một đợt bùng phát nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có tới 650.000 người chết do các bệnh đường hô hấp liên quan đến cúm mùa.
Chuyên gia về virus corona và virus cúm tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu cho biết lợi ích phụ của các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn làn sóng dịch Omicron, như đeo khẩu trang và hạn chế đi lại, có thể đã giúp thế giới vượt qua đỉnh dịch cúm. Tuy nhiên, ông cảnh báo dịch cúm năm nay có nguy cơ sẽ kéo dài hơn bình thường.
Lào khuyến khích người dân đi du lịch trong nước
Lào sẽ tăng cường chiến dịch quảng bá “Người Lào du lịch Lào" để vực dậy ngành công nghiệp du lịch và nền kinh tế trong bối cảnh chính phủ nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để từng bước bình thường hóa.
Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết nếu tình hình dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục xu hướng giảm tích cực, bộ này sẽ đưa ra các sáng kiến vừa nhằm thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, không làm gia tăng số ca mắc mới. Lào đã đặt mục tiêu thu hút hơn 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước và tạo ra doanh thu hơn 271 triệu USD trong năm 2022.
Cuối tuần qua, Bộ Y tế Lào đã phát đi cảnh báo yêu cầu các nhân viên y tế trên cả nước cảnh giác với biến thể Omicron sau khi 3 công dân Lào trở về từ Thái Lan bị phát hiện nhiễm biến thể có khả năng lây lan nhanh này.
Giới trẻ Ả rập Saudi tận hưởng Lễ Tình nhân
Dù doanh số bán hàng tăng và quà tặng dịp Valentine đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ Ả rập Saudi, bản thân từ Valentine không hề xuất hiện ở bất cứ cửa hàng nào. Tuy nhiên, riêng việc trưng bày các mặt hàng có màu đỏ tượng trưng cho tình yêu đã cho thấy sự thay đổi ở vương quốc vùng Vịnh này, nơi mà trước đây cảnh sát tôn giáo cấm việc bán quà tặng Valentine, thậm chí cấm mọi người mặc đồ màu đỏ trong ngày 14/2.
Ngày Lễ tình nhân có nguồn gốc từ thời La Mã, được gắn với Valentine, tên một vị thánh trong Kito giáo. Lễ kỷ niệm dành cho những người yêu nhau được kỷ niệm rộng rãi trên khắp thế giới nhưng không được chào đón tại vương quốc này, nơi chỉ kỷ niệm các ngày lễ theo đạo Hồi và ngày Quốc khánh vào tháng 9 hằng năm.
Tuy nhiên, xã hội Saudi Arabia đang dần thay đổi, thể hiện một hình ảnh quyến rũ hơn, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế vốn xưa nay phụ thuộc vào dầu mỏ. Phụ nữ giờ đây được phép lái xe, và có thể thêm màu sắc tươi sáng vào trang phục kín mít màu đen truyền thống.