Tin nóng trưa 28/4: Dự án BOT cầu Bình Lợi đối mặt nguy cơ phá sản

(VOH) - Dự án BOT cầu Bình Lợi đối mặt nguy cơ phá sản; Không để xảy ra việc ép học sinh chọn nguyện vọng; Tăng 2 chuyến tàu cao tốc/ngày ra Côn Đảo...là những tin đáng chú ý trưa nay.

TIN TRONG NƯỚC

Lãnh đạo TP.HCM viếng anh hùng liệt sĩ nhân ngày thống nhất đất nước
Lãnh đạo TP.HCM viếng anh hùng liệt sĩ nhân ngày thống nhất đất nước

Lãnh đạo TP.HCM viếng anh hùng liệt sĩ nhân ngày thống nhất đất nước

Sáng 28/4, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã đến viếng nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (tại TP Thủ Đức), nghĩa trang TP nhân kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đến viếng nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (tại TP Thủ Đức), nghĩa trang TP nhân kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước và 136 năm Ngày Quốc tế lao động.

Đây là hoạt động truyền thống hằng năm của TP.HCM nhằm tri ân công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, tri ân những cống hiến to lớn của các thế hệ lãnh đạo TP.

Cùng ngày, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã đến dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Lãnh đạo TP.HCM cũng đến viếng và dâng hương tại đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.

Dự án BOT cầu Bình Lợi đối mặt nguy cơ phá sản
Dự án BOT cầu Bình Lợi đối mặt nguy cơ phá sản

Dự án BOT cầu Bình Lợi đối mặt nguy cơ phá sản

Do gặp nhiều vướng mắc, dự án BOT cầu Bình Lợi không thể hoàn thành mục tiêu, phương án thu phí hoàn vốn không khả thi và phương án tài chính phá sản, nhà đầu tư không có nguồn để trả nợ.

Theo Ban quản lý dự án 7, cầu đường sắt Bình Lợi mới đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 14-9-2019, bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngày 20-1-2022. Tuy nhiên, vật tư từ tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi cũ chưa được Cục Đường sắt tiếp nhận dù Ban quản lý dự án 7 đã có rất nhiều văn bản đề nghị. Còn hạng mục cải tạo luồng sông đã hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công nhưng chưa có nguồn vốn để thi công, nên chưa trình được thiết kế bản vẽ thi công.

Ban quản lý dự án 7 cho biết với những khó khăn vướng mắc như trên, dự án BOT cầu Bình Lợi không thể hoàn thành mục tiêu đúng theo quyết định đầu tư, phương án thu phí hoàn vốn không khả thi, phương án tài chính bị phá sản nên nhà đầu tư không có nguồn để hoàn trả nợ vay từ ngân sách tỉnh Bình Dương. Ban quản lý dự án 7 đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị Thủ tướng chuyển đổi hình thức đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thanh toán vốn chủ sở hữu và lợi nhuận; trả nợ vốn vay tỉnh Bình Dương.

Chủ tịch Hà Nội: Không để xảy ra việc ép học sinh chọn nguyện vọng
Chủ tịch Hà Nội: Không để xảy ra việc ép học sinh chọn nguyện vọng

Chủ tịch Hà Nội: Không để xảy ra việc ép học sinh chọn nguyện vọng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành chỉ thị số 08 về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022-2023.

Nội dung chỉ thị yêu cầu các đơn vị rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, đáp ứng đầy đủ chỗ học cho học sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường, quy mô đúng quy định đáp ứng nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia để khắc phục những hạn chế, tồn tại của những năm học trước, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh.  Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp; tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày…

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng, triển khai, hướng dẫn kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022-2023 linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng giáo viên ép buộc học sinh lựa chọn nguyện vọng học tiếp ở bậc học cao hơn", chỉ thị nêu rõ.

Giá vàng sáng 28/4 giao dịch quanh mốc 70 triệu đồng/lượng

Cùng với đà giảm của giá vàng thế giới giảm do USD mạnh lên, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá vàng trong nước giảm trong sáng 28/4.

Mở cửa ngày giao dịch, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 69,3 - 70,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 69,2 - 69,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Cùng lúc, giá vàng kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York giảm trong phiên giao dịch ngày 27/4 khi đồng USD mạnh lên. Cụ thể, giá vàng giao tháng 6/2022 giảm 15,4 USD, tương đương 0,81%, xuống 1.888,7 USD/ounce.

Ngoài ra, chỉ số chứng khoán Mỹ tăng cũng khiến giá kim loại quý này giảm. Nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho rằng sẽ không quá lo lắng khi vàng giao dịch cao hơn giữa bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang.

Tăng 2 chuyến tàu cao tốc/ngày ra Côn Đảo

Ban Quản lý cảng Bến Đầm (nơi tàu cập bến) đã có văn bản đề xuất việc tăng công suất nói trên. Sau đó, căn cứ vào công suất tiếp nhận của cảng Bến Đầm hiện nay, nhu cầu đi lại của nhân dân và tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện, UBND huyện Côn Đảo đã có văn bản đồng ý với việc tăng công suất vừa nêu, áp dụng từ ngày 15/4.

Tuy nhiên, dù thời gian áp dụng là ngày 15/4 nhưng văn bản của huyện Côn Đảo lại ban hành vào ngày 21/4. Đây là một tin vui đối với các hãng tàu cao tốc. Bởi trước đó, các hãng tàu chỉ được chạy 1 chuyến/ngày và luân phiên nhau, tức 10 chuyến/tháng, tương ứng chỉ 30% công suất. Hiện có 3 đơn vị tham gia khai thác tuyến tàu đi Côn Đảo, gồm: Công ty CP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc và Công ty CP Mai Linh Tây Đô.

Hiện nay, để ra được Côn Đảo, du khách sẽ đi bằng đường hàng không và đường biển. Với chi phí đắt đỏ, thủ tục rườm rà, mất thời gian nên lượng khách chọn đi đường hàng không khá thấp. Bình quân, cứ 1.000 khách ra Côn Đảo thì có tới 800 người đi bằng tàu cao tốc vì giá rẻ hơn so với đi máy bay. Bình quân giá vé tàu cao tốc từ Cần Thơ đi Côn Đảo là 600.000 - 900.000 đồng/chiều, còn máy bay tới 1,8 - 2,8 triệu đồng/chiều.

TP.HCM mưa đêm, sáng trời âm u, các vùng khác bớt nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay 28-4, cường độ nắng nóng tại Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ giảm dần, chỉ còn xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34-36 độ C.

Từ ngày mai 29/4, khu vực Bắc Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, phía Tây Bắc Bộ có nơi nắng nóng cục bộ, riêng vùng núi bắt đầu có mưa rào rải rác và có nơi có dông vào ban ngày.

Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, có nơi nắng nóng. Khu vực Nam Trung Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng.

Nam Bộ đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Khoảng đêm 30-4 và ngày 1-5, khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh gây mưa dông, vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to. Sau nắng nóng thời tiết chuyển mát, vùng núi chuyển lạnh.

TIN THẾ GIỚI

Hàn Quốc công bố 'Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với COVID-19'
Hàn Quốc công bố 'Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với COVID-19'

Hàn Quốc công bố 'Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với COVID-19'

Chủ tịch Ủy ban chuyển tiếp của chính phủ mới ở Hàn Quốc, ông Ahn Cheol-soo ngày 27/4 đã công bố "Lộ trình 100 ngày đối phó khẩn cấp với dịch COVID-19", tính từ sau khi Chính phủ mới ra mắt ngày 10/5 cho tới tháng 8 năm nay. Nhiều chuyên gia đang dự báo về khả năng xuất hiện biến thể mới, làm dịch bệnh tái bùng phát mạnh. Do vậy, Chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng chương trình để sẵn sàng đối phó.

Lộ trình bao gồm 4 phương hướng triển khai và 34 biện pháp cụ thể, chia thành các giai đoạn, gồm 30 ngày, 50 ngày và 100 ngày. Số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc hiện tiếp tục xu hướng giảm. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tính đến ngày 27/4 là 76.787 người, nâng tổng số ca mắc từ đầu mùa dịch đến nay lên trên 17,08 triệu trường hợp. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc là 22.466 người.

Bắc Kinh hoàn tất xét nghiệm 20 triệu dân

Bắc Kinh đã hoàn tất vòng một xét nghiệm diện rộng, tìm ra 12 ca dương tính với Covid 19 trên tổng số 20 triệu xét nghiệm. Trước đó, số ca mắc COVID-19 tăng đột biến vào cuối tuần trước đã đẩy nhà chức trách Bắc Kinh (Trung Quốc) đi tới quyết định thực hiện ba vòng xét nghiêm diện rộng. 

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh Pang Xinghuo cho biết thành phố ghi nhận 138 ca mắc COVID-19 tính từ ngày 23-27/4. Khoảng 1/3 trong số này là trẻ em. Theo ông, nguy cơ hiện nay là nghiêm trọng và phức tạp. Nhà chức trách cần thực thi triệt để và điều chỉnh linh hoạt các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

EC kêu gọi đẩy mạnh tiêm phòng cho trẻ

Ủy ban châu Âu (EC) ước tính từ 60-80% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã mắc Covid-19, trong bối cảnh khối này đang bước vào giai đoạn hậu đại dịch. Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch, chính phủ các nước thành viên EU nên tăng cường miễn dịch cho trẻ em. EC cũng đánh tín hiệu đang cân nhắc kế hoạch để phát triển các loại thuốc kháng virus.

Hiện tỷ lệ trẻ em EU từ 5-9 tuổi được tiêm phòng là 15%. Đây cũng là nhóm nhỏ tuổi nhất được cấp phép tiêm phòng Covid-19 tại EU. Tỷ lệ tiêm cho nhóm từ 15-17 tuổi là 70%.

Trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 giảm trong thời gian gần đây, EU đang tiến tới bỏ xét nghiệm diện rộng và báo cáo số ca mắc mới.

FAO kêu gọi lập quỹ 25 tỉ USD giúp nước nghèo
FAO kêu gọi lập quỹ 25 tỉ USD giúp nước nghèo

FAO kêu gọi lập quỹ 25 tỉ USD giúp nước nghèo

Yemen, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực, đối mặt với nạn đói chưa từng có, do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế trong nước, các tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine. Trước tình hình này, Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của LHQ (FAO) kêu gọi lập quỹ lên tới 25 tỉ USD để giúp các nước nghèo đối mặt với giá thực phẩm tăng.

Ngoài ra, EU đang tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực qua ngõ Ba Lan và hỗ trợ phân phối nhiên liệu cho nông dân Ukraine để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở nước này. EU cũng đã hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ tổn thương nhất, với 244 triệu USD trong tuần đầu tháng 4 cho các nước ở Bắc Phi và Trung Đông.

Cộng hòa Trung Phi chấp nhận bitcoin là đồng tiền hợp pháp

Cộng hòa Trung Phi (CAR), quốc gia kém phát triển thứ hai trên thế giới theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, đã chấp nhận bitcoin là đồng tiền chính thức, cùng với đồng franc CFA và hợp pháp hóa việc sử dụng tiền điện tử, trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng bitcoin làm đồng tiền tham chiếu.

Bitcoin là loại tài sản ảo có sự biến động giá trị rất lớn. Năm 2021, giá bitcoin đã tăng hơn 150% lên mức kỷ lục 68.991 USD/bitcoin, trước khi giảm hơn 30%. Hôm 27/4, bitcoin được giao dịch ở mức hơn 39.000 USD.

* Nội dung được phát sóng trong “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/