TIN TRONG NƯỚC
Hậu COVID-19 ở trẻ em có thực sự đáng lo?
Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) cho biết hậu COVID-19 ở trẻ có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan, trong đó thường gặp các triệu chứng tâm thần kinh như mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở...
Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực. Hội chứng viêm đa hệ thống sau nhiễm tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng, có thể xuất hiện sau 2-6 tuần mắc COVID-19. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19.
Liên quan đến việc dự phòng hậu COVID-19 cho trẻ, hiện nay chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu COVID-19. Phương pháp duy nhất giúp không mắc hậu COVID-19 là dự phòng nhiễm cho trẻ bằng cách thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng COVID-19 thích hợp và cho trẻ tiêm vắc xin COVID-19 theo khuyến cáo ngành y tế.
Theo dõi sau tiêm cho trẻ như thế nào?
Lô vắc xin cho trẻ em đầu tiên về tới Việt Nam là vắc xin Moderna, sử dụng được cho trẻ 6 tuổi trở lên (tới đây sẽ có thêm vắc xin Pfizer loại dành cho trẻ 5 tuổi trở lên về Việt Nam).
Vắc xin Moderna liều trẻ em có dung tích 25 ml/liều, mỗi trẻ tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày. Nhà sản xuất cũng cho biết các tác dụng phụ rất thường gặp sau tiêm (có thể gặp ở 1/10 người tiêm) gồm sưng đau dưới cánh tay, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp và cứng khớp, đau, sưng, mẩn đỏ tại chỗ tiêm... Ngoài ra còn các phản ứng ít gặp hoặc hiếm gặp như ngứa tại chỗ tiêm, chóng mặt, đau dạ dày…
Hà Nội: Chưa rõ thời điểm mầm non trở lại trường
Tại cuộc họp trực tuyến về tổ chức cho học sinh tiểu học trở lại trường, ông Trần Thế Cương - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội - đã cho biết ngay sau khi học sinh khối lớp 1-6 đi học trở lại sở sẽ cho lấy ý kiến phụ huynh, làm căn cứ để có phương án đề xuất UBND TP cho trẻ mầm non đi học trở lại.
Nhưng ông Cương cũng cho rằng trường mầm non dừng hoạt động kéo dài lâu nhất so với các cấp học nên rất cần thời gian rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi, đảm bảo an toàn cho trẻ khi mở cửa trường học trở lại.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo đề nghị thời điểm hiện tại, các trường mầm non có kế hoạch vệ sinh khử khuẩn, bổ sung trang thiết bị và có phương án sẵn sàng đón trẻ trở lại trường. Hiện tại, Hà Nội là địa phương duy nhất chưa cho học sinh mầm non trở lại trường và cũng chưa có đề xuất một thời điểm cụ thể về việc mở cửa trường trở lại.
Tân Sơn Nhất lên phương án tăng cường xe taxi, xả trạm thu phí dịp lễ 30/4
Ông Đặng Ngọc Cương - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết sáng 7/4, sân bay sẽ tiếp tục họp với lãnh đạo các hãng taxi, ứng dụng xe công nghệ để yêu cầu đáp ứng đủ số lượng xe phục vụ hành khách dịp cao điểm đi lại sắp tới.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến dịp cao điểm 30/4 và 1/5, ga quốc nội và quốc tế sẽ đón khoảng 42.000 lượt khách đi - đến, thậm chí một số ngày lượng khách có thể cao hơn. Sân bay này thống kê có khoảng 15% lượng khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sử dụng taxi để di chuyển, khoảng 6.300 lượt taxi đón khách/ngày. Để chủ động các phương án phục vụ khách linh hoạt và hiệu quả, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã tính tới phương án bổ sung thêm hãng xe vận chuyển.
Đáng chú ý, trong kế hoạch phục vụ khách dịp lễ 30/4 và 1/5 tới, sân bay Tân Sơn Nhất cho biết đã chủ động xây dựng và áp dụng phương án xả trạm thu phí trong trường hợp cao điểm gây ùn tắc kéo dài. Làn xe đón taxi và xe công nghệ đưa vào khai thác, mở thêm lối từ nhà xe TCP ra trạm thu phí nhằm đáp ứng nhu cầu đi xe taxi công nghệ của hành khách.
Quảng Ngãi: Nhà máy bột giấy lớn nhất nước xả thải ra biển
Người dân Quảng Ngãi đang lo lắng việc xả nước thải từ nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam mang tên VNT19 (Khu kinh tế Dung Quất) ra vịnh Việt Thanh sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế của dân địa phương.
Sáng 6/4, tại UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã diễn ra buổi tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án nhà máy bột giấy này. Chủ đầu tư nhà máy cam kết đảm bảo an toàn, nhưng người địa phương chưa thể an lòng.
Nhà máy bột giấy VNT19 được khởi công xây dựng năm 2015 trên diện tích 117ha ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng. Dự án này được Bộ Tài nguyên và môi trường đưa vào danh sách có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và từng bị người dân vùng dự án, chuyên gia môi trường phản ứng.
Chỉ số tia cực tím nhiều tỉnh thành ở mức rất cao
Hôm nay, chỉ số tia cực tím trên cả nước phổ biến ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao (7.4 - 10.2).
Cụ thể, tia cực tím ở mức cao đến rất cao xảy ra từ 10h đến 13h. Lúc 12h trưa, chỉ số tia cực tím cực đại tại thành phố Hà Nội là 8.9, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và thành phố Hải Phòng 9.1, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) 9.7, thành phố Hội An (Quảng Nam) 10, thành phố Đà Nẵng 7.6, TP.HCM 10.2, thành phố Cần Thơ 8.6. Đặc biệt, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) chỉ số đạt mức nguy hiểm (10.6).
Ba ngày tiếp theo, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục duy trì chỉ số tia cực tím cực đại, ở mức nguy cơ gây hại rất cao (9-10). Trong khi đó, Nha Trang và Nam Bộ được dự báo sẽ đạt mức rất cao tới nguy hiểm (10-11).
TIN QUỐC TẾ
FDA: Vắc xin COVID-19 không thực sự hiệu quả trước biến thể mới
Ngày 6/4, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ tuyên bố các loại vắc xin COVID-19 hiện nay không thực sự hiệu quả trong việc chống lại dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.
Theo Hãng tin Reuters, FDA đã triệu tập một hội đồng gồm các chuyên gia để thảo luận về cách thức điều chỉnh, cũng như liệu có nên sử dụng thêm vắc xin COVID-19 tăng cường hay không.
Dữ liệu được trình bày trước hội đồng trên cho thấy các loại vắc xin hiện tại mất nhiều hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm biến thể Omicron, nhưng lại tốt hơn trong việc ngăn ngừa bệnh nặng. FDA sẽ đưa ra quyết định về việc có nên thay đổi thiết kế của vắc xin COVID-19 để chống lại các biến thể trong tương lai hay không vào tháng 6.
Nhật Bản dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đối với 106 quốc gia và vùng lãnh thổ
Tối 6/4, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh trước đó được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Từ ngày 8/4 tới, người nước ngoài đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ… sẽ được không bị ràng buộc bởi quy định hạn chế nhập cảnh. Trong khi đó, 56 quốc gia và vùng lãnh thổ khác thuộc các khu vực Mỹ Latinh, châu Âu, Trung Đông, châu Phi vẫn tiếp tục thuộc diện hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản theo Luật Kiểm soát nhập cư.
Như vậy trên lý thuyết, các du học sinh và thực tập sinh kỹ năng đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên hoàn toàn có thể nhập cảnh vào Nhật Bản sau khi được cấp thị thực thông qua bảo lãnh của doanh nghiệp hoặc trường học.
WHO cảnh báo tình trạng khẩn cấp về y tế tại châu Phi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/4 cảnh báo các trường hợp khẩn cấp về y tế liên quan tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng ở châu Phi, nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt và các bệnh lây truyền qua nguồn nước.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi nêu rõ "lũ lụt thường xuyên, các bệnh liên quan nguồn nước và côn trùng mang virus đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng y tế". Theo bà, tuy châu Phi "góp phần ít nhất trong tình trạng ấm lên toàn cầu, nhưng châu lục này lại đang phải hứng chịu mọi hậu quả".
Khuyến cáo trên được Văn phòng WHO tại châu Phi đưa ra nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), với chủ đề của năm nay là "Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta".
NASA sử dụng mặt trăng để thống trị bầu trời
NASA vừa công bố những thành quả đầu tiên từ thiết bị Quang phổ Mặt Trăng trong không trung - sau chuyến bay của nó từ ngày 12 đến 16/3 vừa qua trên máy bay ER-2 của NASA, nhằm đo chính xác lượng ánh sáng phản xạ từ mặt trăng.
Dẫn lời NASA, cho biết ánh trăng phản chiếu là nguồn ánh sáng ổn định mà các nhà nghiên cứu đang tận dụng để cải thiện độ chính xác và tính nhất quán của các phép đo giữa các vệ tinh quan sát trái Đất. "Mặt trăng cực kỳ ổn định, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên Trái Đất như khí hậu, ở bất kỳ mức độ nào" - giáo sư từ Trường ĐH Maryland (Mỹ) giải thích.
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/