Rút đề xuất quán nhậu không bán rượu bia tại chỗ
TTO đưa tin, chiều 26/10, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - cho biết đến nay Ban đã nộp UBND TPHCM về Bộ tiêu chí mới an toàn thực phẩm và an toàn phòng chống dịch COVID-19, trong đó có điều chỉnh, giảm xuống còn 4 tiêu chí. Trong đó, 4 tiêu chí mới được tính theo từng đối tượng, như hàng quán, chủ hàng quán, người phục vụ và khách hàng phải làm gì, đạt được điều gì mới hoạt động.
Với những tiêu chí không mở máy lạnh trong phòng kín, cấm bán rượu bia như đề xuất của cơ quan này trước đó, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết Ban đã không đưa vào bộ tiêu chí này nữa để doanh nghiệp khỏi rối, song thẩm quyền quyết định sẽ ở UBND TPHCM.
Nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn lúc này đang rất mong có hướng dẫn cụ thể hơn và nhanh chóng cho phép hoạt động bán tại chỗ trở lại nếu không họ sẽ đối diện khả năng thua lỗ, đóng cửa tiếp...
Theo dõi diễn biến mới của biến thể Deltaplus của COVID-19
Văn phòng UBND TPHCM có thông báo kết luận chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu tại cuộc họp giải quyết đề xuất tạm ngưng triển khai các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào TP.
Theo đó, lãnh đạo TP chấp thuận chủ trương tạm ngưng triển khai các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào TP từ 18 giờ ngày 26/10. UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tuần tra kiểm soát lưu động.
Sở Giao thông vận tải TP phối hợp Công an TP và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các tiêu chí, quy định về hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách của các đơn vị vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch trên địa bàn TP.
UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát, phòng chống dịch theo quy định tại bến xe, ga tàu, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh. Lưu ý việc sử dụng hộ chiếu vắc xin và đặc biệt theo dõi diễn biến mới của biến thể Deltaplus của COVID-19.
Biến thể Deltaplus (còn được gọi tên khác là B.1.617.2.1 hoặc AY.1) là một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, và là phiên bản đột biến mới của Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020.
Phân tích trình tự gen ở các phòng thí nghiệm ở Ấn Độ, Hiệp hội Coronavirus Genomics Ấn Độ (INSACOG) báo cáo rằng chủng Delta Plus là “biến thể gây quan ngại” với 3 đặc điểm đáng quan tâm sau: tăng khả năng lây truyền, liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng trong liệu pháp điều trị COVID-19.
Chính thức cho phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 26/10, cho biết chiến dịch tiêm cho trẻ em sẽ được tổ chức trên cả nước từ tháng 11 với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em, nhiều nước đã sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Bộ trưởng Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Chiến dịch tiêm sẽ được thực hiện trước với trẻ ở độ tuổi 16-17, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Trẻ được khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ định tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất; theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm.
Tại TPHCM, sau khi Sở Y tế TPHCM đến khảo sát các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em tại quận 1 và huyện Củ Chi vào chiều 26/10, Sở Y tế cùng hai quận huyện thống nhất tiêm thí điểm trong hôm nay 27/10 với hơn 3.000 trẻ từ 16 - 17 tuổi.
Vì sao cấm đánh bắt cá ở hồ Dầu Tiếng một tháng?
UBND tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản cấm ngư dân đánh bắt thủy sản trong một tháng trên hồ Dầu Tiếng, từ 25/10 đến 25/11.
Quyết định này được đưa ra khi Tây ninh thả hơn 500.000 cá giống các loại như: trắm cỏ, chép, lăng, tra, sặc rằn... và hơn 20.000 tôm càng xanh xuống hồ. Việc này được thực hiện từ nay đến hết 28/10, nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, môi trường nước, tăng thu nhập cho người dân đánh bắt thuỷ sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh, để cá phát triển, di chuyển ra vùng nước xa hơn cần dừng đánh bắt, khai thác một thời gian. Địa phương và đơn vị quản lý vận hành hồ được yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Chính quyền vận động người dân ven hồ không khai thác thuỷ sản trong thời gian cấm.
Được khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985 sau hơn bốn năm thi công, hồ Dầu Tiếng (phần lớn diện tích thuộc Tây Ninh) có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 93.000 ha đất nông nghiệp của Tây Ninh và các tỉnh lân cận như Long An, TPHCM. Hồ Dầu Tiếng rộng 270 km2, trong đó hơn 45 km2 đất bán ngập nước.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển tố giác bà Nguyễn Phương Hằng
Sau khi nhiều nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh, Vy Oanh... gửi đơn tố giác CEO Đại Nam, mới đây Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TPHCM cũng đã gửi đơn lên Công an tỉnh Bình Dương, VKS tỉnh Bình Dương tố giác bà Nguyễn Phương Hằng.
Trong đơn tố giác, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) đã có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân ông.
Theo ông Hiển, liên tục bốn tháng qua, những giá trị mà ông nỗ lực xây dựng đã bị xâm hại nghiêm trọng bởi những đoạn video phát trực tuyến (livestream) liên tục của bà Nguyễn Phương Hằng trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook với mức độ lan truyền rộng rãi, gây hoang mang và bất bình trong dư luận.
“Những nội dung phát trực tuyến của bà Hằng là hoàn toàn bịa đặt, nhận định sai sự thật về cá nhân tôi, nhằm mục đích vu khống và làm nhục tôi. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm cũng như hoạt động nghề nghiệp của tôi”, ông Hiển nêu.
Kèm đơn, ông Hiển cũng cung cấp hồ sơ, tài liệu thu thập được để tố giác hành vi vi phạm pháp luật của bà Phương Hằng.