Chờ...

Tin tổng hợp chiều 29/11: Hơn 560.000 trẻ TPHCM từ 12 - 17 tuổi đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 mũi 2

(VOH) - TPHCM đã tiêm hơn 560.000 liều vắc xin Covid-19 mũi 2 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, đạt gần 80%.

 

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM: Hơn 560.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm phòng Covid-19 mũi 2

Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM đã tiêm hơn 560.000 liều vắc xin Covid-19 mũi 2 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, đạt gần 80%. Mũi 1 đã tiêm hơn 686.000 liều, đạt trên 97. TPHCM tiếp tục tiêm vét cho những học sinh chưa tiêm mũi 1 và mũi 2. Vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ là Pfizer.

TPHCM đã tiêm hơn 14,5 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân, kể cả học sinh từ 12 - 17 tuổi. Bao gồm, mũi 1 hơn 7,9 triệu liều, mũi 2 là 6,6 triệu liều.

vắc xin covid-19
Hơn 560.000 trẻ TPHCM từ 12 - 17 tuổi đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 mũi 2

Tây Ninh: Hơn 11.300 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà

Theo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh, thống kê ngày 28.11, địa phương này ghi nhận 591 ca dương tính Covid-19, trong đó 558 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng và 33 ca trong khu cách ly tập trung.

Toàn tỉnh Tây Ninh đang điều trị cho hơn 12.900 bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn 11.300 F0 được điều trị, chăm sóc tại nhà để tránh quá tải và giúp ngành y tế tập trung chữa trị những ca bệnh nặng, giảm thiểu ca tử vong.

Trước tình hình này, nhiều biện pháp quản lý F0 cũng được thay đổi (được công nhận F0 khỏi bệnh bằng test nhanh, khuyến khích người dân tự test nhanh và thông báo cho ngành y tế hỗ trợ…).

Trong khi đó, các quán cà phê, ăn uống tại TP.Tây Ninh đang thực hiện trở lại việc hạn chế lượng khách tập trung quá 20 người tại cùng 1 thời điểm. Đồng thời, các quán ăn không phục vụ rượu bia, thức uống có cồn.

Trà Vinh: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6 - 8

Trong 2 ngày 29 - 30/11, tỉnh Trà Vinh tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ học sinh khối lớp 6 - 8 và nhóm trẻ từ 12-17 tuổi ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm mũi 1, với tổng số gần 38.000 em.

Trẻ đi học được tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm do cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh. Trẻ không đi học được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn. Trẻ có bệnh nền sẽ được tiêm tại Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh hoặc Bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi.

Kiên Giang: hạn chế nhiều hoạt động với người chưa tiêm vắc xin Covid-19 sau 31/12

Trước tình trạng những người mắc Covid-19 phải nhập viện những ngày qua đa số đều chưa được tiêm vắc xin, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về việc tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 trong nhân dân.

Cho đến ngày 30/11, các địa phương phải rà soát, lập danh sách tất cả người dân trên địa bàn để nắm chính xác những trường hợp chưa tiêm vắc xin và lý do chưa tiêm.

Sau ngày 31/12/2021 những ai không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 mà chưa tiêm sẽ bị hạn chế một số hoạt động như hạn chế sử dụng một số phương tiện giao thông công cộng; hạn chế dự tuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hạn chế đi đến các địa điểm, khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe..., hạn chế đi đến các cơ quan nhà nước để liên hệ làm việc, ngoài việc đi khám bệnh, chữa bệnh; phải tự trả chi phí khi thực hiện xét nghiệm tầm soát virus SARS-CoV-2 do các cơ quan chức năng chỉ định.

Hải Phòng: Thêm ổ dịch phức tạp với 84 F0 là công nhân công trường xây dựng

Thêm 84 ca F0 là công nhân công trường, TP.Hải Phòng dự đoán ca nhiễm Covid-19 sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên đã xây dựng phương án điều trị F0 tại các bệnh viện tuyến huyện.

Theo UBND Q.Hồng Bàng, tại công trường này có khoảng 900 công nhân. Những người này đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước và ở trọ tại nhiều nơi ở TP.Hải Phòng. Dự báo, trong những ngày tới, số ca nhiễm Covid-19 ở TP.Hải Phòng có thể tăng mạnh.

Trước diễn biến về dịch Covid-19, TP.Hải Phòng sẽ triển khai 4.000 nhân lực y tế tổ chức xét nghiệm diện rộng để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Đỉnh Fasipan lần đầu có sương muối trong mùa đông năm nay

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, xác nhận đã xảy ra hiện tượng sương muối tại khu vực đỉnh núi Fasipan (TX.Sa Pa, tỉnh Lào Cai) ở độ cao 3.143 m so với mực nước biển.

Nhiệt độ ở TX.Sa Pa sáng nay giảm xuống chỉ còn 8,2 độ C, theo lý thuyết chênh lệch độ cao, cứ lên cao 100 m thì nhiệt độ giảm 0,5 độ C thì khu vực đỉnh núi Fansipan nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, đủ điều kiện hình thành sương muối.

Hiện tượng sương muối xuất hiện lần đầu tiên trên đỉnh Fansipan trong mùa đông năm nay chỉ có cường độ nhẹ và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn rồi tan đi.

Cũng theo ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, dự báo từ ngày mai 30/11, khu vực Lào Cai và các tỉnh Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng đợt không khí lạnh cường độ mạnh. Thời tiết sẽ chuyển sang rét khô, ban ngày trời nắng hanh và ban đêm có rét.

Dự báo trong khoảng ngày 3 – 4/11, khu vực TX.Sa Pa có nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 4 - 6 độ C. Theo đó, sương muối nhiều khả năng xuất hiện trở lại ở khu vực đỉnh núi Fansipan với mật độ dày hơn.

TIN THẾ GIỚI

Nhật Bản: Ngừng nhập cảnh do biến thể Omicron

Nhật Bản sẽ khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh do lo ngại biến thể Omicron.

Thông báo do Thủ tướng Nhật Fumio Kishida công bố ngày 29/11, chỉ vài tuần sau khi nước này nới lỏng các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt: "Chúng tôi sẽ ngừng các trường hợp nhập cảnh (mới) của người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu từ ngày 30/11".

biến thể Omicron, sân bay

Nhà ga sân bay quốc tế Tokyo Haneda

Như vậy, kế hoạch cho phép một số doanh nhân và sinh viên nhập cảnh vào Nhật Bản áp dụng từ ngày 8/11 nay bị tạm ngừng. Cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia đưa ra biện pháp đóng cửa biên giới mạnh mẽ nhất để phản ứng với biến thể Omicron.

Xem thêm: Dịch Covid-19: Biến chủng Omicron nguy hiểm như thế nào?

Nam Phi kêu gọi ngừng cấm biên

Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, nhiều nước trên thế giới đã siết chặt các biện pháp kiểm soát tại biên giới. Tuy nhiên, giám đốc khu vực châu Phi của WHO kêu gọi ngừng ngay hành động này.

Theo tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, biện pháp hạn chế đi lại có thể có vai trò nào đó trong việc giảm nhẹ sự lây lan của Covid-19 nhưng gây tổn hại thêm cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng và làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

Ông khẳng định: "Covid-19 liên tục tận dụng sự chia rẽ của chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ giành lợi thế trước virus nếu chúng ta cùng nhau tìm giải pháp".

Thực tế từ gần 2 năm qua đã chứng minh dù các nước có đóng cửa, virus vẫn bằng cách nào đó xuyên thủng các đường biên giới. Cấm biên chỉ làm chậm lại sự lây lan chứ không có tác dụng cắt đứt đường lây lan, theo quan điểm của các chuyên gia Mỹ và châu Âu.

Các hãng chạy đua nghiên cứu vắc xin ngăn biến thể Omicron

Giám đốc Y tế của Moderna cho biết, hàng trăm nhân viên của công ty đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu điều chỉnh vắc xin ngay khi thông tin đầu tiên về biến thể này được công bố. Moderna đang nỗ lực cải thiện liều vắc xin tăng cường tập trung vào biến thể Omicron, đồng thời đang thử nghiệm một liều tăng cường khác với liều lượng cao hơn so với liều hiện nay.

AstraZeneca hy vọng, hỗn hợp kháng thể đơn dòng của hãng này sẽ vẫn hiệu quả với biến thể Omicron. Hiện hãng đang thực hiện nghiên cứu tại Botswana và Eswatini nhằm thu thập dữ liệu về hiệu quả của vắc xin đối với biến thể mới.

Pfizer-BioNTech cũng khẳng định có thể bào chế vắc xin mới chống lại biến thể Omicron trong vòng 6 tuần và các lô vắc xin đầu tiên sẽ được giao trong 100 ngày. Trước đây, hai hãng này cũng đã cải tiến vắc xin công nghệ mRNA dựa trên chủng virus phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) để vắc xin đạt hiệu quả hơn với biến thể Alpha và Delta.

Trong khi đó, hãng dược Johnson & Johnson cho biết đang theo dõi sát biến thể Omicron và đánh giá hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 của hãng với biến thể mới này.

Peru: Động đất phá hủy hàng chục ngôi nhà tại miền Bắc

Một trận động đất mạnh 7,5 độ đã xảy ra ở miền Bắc Peru vào ngày 28/11, phá hủy hàng chục ngôi nhà và gây rung chấn trong toàn khu vực. Trận động đất gây rung lắc trên khắp miền Trung và miền Bắc Peru. Nhiều tỉnh thuộc nước láng giềng Ecuador cũng có thể cảm nhận trận động đất này. Một số cư dân đã ra khỏi nhà của họ như một biện pháp phòng tránh thiệt hại từ trận động đất.

Không có thiệt hại nào được ghi nhận đối với đường ống dẫn dầu dài 1.100 km của Petroperu thuộc sở hữu nhà nước Peru, đi qua khu vực Amazon của Peru đến bờ biển Thái Bình Dương ở phía Bắc.

220 ngôi nhà đã bị ảnh hưởng, 81 không thể ở và 75 bị phá hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, 7 địa điểm thờ cúng tâm linh và 2 cơ sở mua sắm nằm trong số các bất động sản bị ảnh hưởng, trong đó có 4 người dân bị thương.

Mỹ, Canada thiếu hụt ông già Noel vì Covid-19

Hãng AFP ngày 29.11 đưa tin đại dịch Covid-19 khiến Mỹ và Canada thiếu hụt lao động chưa từng có, trong đó nhiều nơi thiếu hụt trầm trọng ông già Noel vào dịp Giáng Sinh sắp tới. Chỉ còn vài tuần là đến Giáng Sinh và xu hướng thiếu hụt lao động thể hiện rõ khi nhiều nơi thiếu người đóng vai ông già Noel để chụp ảnh với trẻ em tại các trung tâm thương mại, giao quà và đảm nhận các vai trò khác.

Bên cạnh việc thiếu hụt ông già Noel, Canada còn đang thiếu hụt điều dưỡng khiến nhiều phòng cấp cứu tại bệnh viện phải đóng cửa và nhà hàng không phục vụ đầy đủ như trước.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, có hơn 1 triệu việc làm cần người trong tháng 9, bao gồm 196.100 việc làm trong ngành dịch vụ thực phẩm và 131.200 việc làm trong lĩnh vực y tế, tăng gấp đôi so với cùng kỳ cách đó 2 năm.

Tình trạng thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực từ thực phẩm cho đến dệt và vận tải đường dài tại Mỹ. Khoảng 4,4 triệu lao động nghỉ việc vào tháng 9, gấp đôi so với số liệu vào đầu dịch Covid-19.