Tin tổng hợp trưa 29/11: Điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai biến vắc xin 4 người chết

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân sự cố khiến 4 người tử vong do tiêm vắc xin Covid-19 tại Thanh Hóa.

TIN TRONG NƯỚC

Thủ tướng yêu cầu điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai biến vắc xin 4 người chết

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân sự cố Về sự cố sau tiêm vắc xin Covid-19 tại Công ty TNHH giầy Kim Việt, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 23/11 làm 4 người tử vong, nghiêm túc rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản vắc xin Covid-19 đúng quy định, không phân bổ vắc xin cho các địa phương không đảm bảo điều kiện bảo quản; chịu trách nhiệm tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả trên cả nước.

vắc xin Covid-19
Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản vắc xin Covid-19 đúng quy định (Ảnh: HNM)

TPHCM: F0 giảm nhưng ca tử vong tăng

Ngày hôm qua TPHCM ghi nhận có đến 72 ca tử vong vì Covid-19, trong đó có 10 ca ở các tỉnh, thành khác chuyển đến. Đây được xem là ngày có số ca tử vong cao nhất trong nhiều tuần qua.

Theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM, các trường hợp tử vong đều liên quan đến người trên 65 tuổi, nhiều bệnh nền và người chưa tiêm vắc xin. Số ca tử vong tăng liên quan đến những ca bệnh nặng và rất nặng từ bệnh viện các tỉnh khác chuyển viện về TPHCM. Họ khó qua khỏi nhưng theo quy định thì không được từ chối.

Dù số ca nhiễm mới tại TPHCM ngày 28/11 giảm 319 ca so với ngày trước, nhưng vẫn còn ở mức trên 1.400 ca. Hiện TP có gần 46.000 F0 cách ly tại nhà và hơn 5.300 F0 cách ly tại các khu cách ly tập trung, theo dữ liệu Cổng thông tin Covid-19 TPHCM.

Xem thêm: TPHCM: Không phân bổ vắc-xin COVID-19 cho bệnh viện trừ bệnh viện có khoa Sản lớn

Sóc Trăng: Dịch Covid-19 lên cấp độ 3

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, vừa ký quyết định nâng cấp độ dịch Covid-19 của tỉnh từ cấp độ 2 (cấp nguy cơ trung bình, vùng vàng) lên cấp độ 3 (cấp nguy cơ cao, vùng cam).

Ngoài ra, còn có 7 đơn vị cấp huyện áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ 3 gồm các huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Trần Đề, Kế Sách, TP.Sóc Trăng và TX.Vĩnh Châu.

Hôm qua, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận thêm 751 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, có 425 ca cộng đồng, 241 ca trong khu cách ly tập trung, 73 ca trong khu phong tỏa và 12 ca là người dân tự phát về từ vùng dịch.

Đà Nẵng: Gần 20% số ca đang điều trị chưa tiêm vắc xin

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng, Số ca mắc Covid-19 đang được điều trị tại 2 bệnh viện (BV) tại Đà Nẵng là BV Phổi và BV dã chiến, tổng cộng 636 ca. Trong 636 bệnh nhân (BN) này, có 125 ca chưa tiêm vắc xin Covid-19 gần 20% số ca đang điều trị và đã có 2 ca nặng, nguy kịch (88 tuổi). Ngoài ra, 616 ca nhẹ và không triệu chứng và 18 ca có biểu hiện lâm sàng trung bình.

Tính từ đợt dịch ngày 16/10 đến nay, TP.Đà Nẵng ghi nhận 950 ca mắc Covid-19, trong đó 99 ca về từ ngoại tỉnh. Toàn thành phố hiện đang thiết lập 171 khu vực phong tỏa với 1.368 hộ (5.740 nhân khẩu); duy trì 17 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 1.067 người.

Hạ Long xét nghiệm PCR cho 100% người dân xã Thống Nhất

19h ngày 28/11, thành phố huy động lực lượng y tế để triển khai xét nghiệm cho 100% người dân trên địa bàn xã Thống Nhất, những người ở các địa bàn khác có liên quan đến chợ Bang (xã Thống Nhất) và những khu vực có nguy cơ cao. Mục tiêu là đến 6h ngày 29/11 sẽ đưa mọi hoạt động trên địa bàn xã Thống Nhất quay trở lại hoạt động bình thường. Nguyên nhân, từ ngày 22-28/11, thành phố Hạ Long có 16 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó riêng ngày 28/11 có tới 10 ca nhiễm.

Tiếp tục chuẩn bị khu thu dung, cách ly, điều trị cho F0 không triệu chứng mà gia đình không đủ điều kiện để tại nhà, nhưng chưa cần tới bệnh viện, để giảm áp lực cho các cơ sở y tế; tiếp tục rà soát trang bị đầy đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm, oxy, các trang thiết bị cho trạm y tế, đảm bảo không bị động; vận động ít nhất mỗi người dân phải có 1 test nhanh dự phòng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong ngày 28/11, Quảng Ninh ghi nhận 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 địa phương, gồm: Hạ Long, Hải Hà, Đầm Hà, Đông Triều, Móng Cái, Tiên Yên. Hiện nay, tổng số trường hợp đang điều trị tại cơ sở y tế là 318 ca mắc Covid-19

Điều tra, xác minh nguyên nhân 2 máy bay va nhau tại Nội Bài

Liên quan đến vụ việc 2 máy bay va nhau tại Nội Bài tối 27/11, Cục Hàng không cũng đã thành lập Tổ điều tra để tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố theo quy định; đã kiểm tra thực địa và đánh giá hỏng hóc tàu bay liên quan, yêu cầu tháo ghi âm buồng lái, tiếp nhận hồ sơ sự cố do Cảng vụ Hàng không miền Bắc lập để phục vụ công tác điều tra. Theo kế hoạch, Tổ điều tra sẽ làm việc với tổ lái và các nhân viên hàng không liên quan tới sự cố vào hôm nay, 29/11.

Trước đó, đầu tháng 11 cũng từng xảy ra vụ va chạm giữa 2 máy bay của Bamboo. Khoảng 7 giờ sáng 2/11, trong quá trình kéo đẩy máy bay tại khu vực sân đỗ sân bay Nội Bài đã xảy ra va chạm giữa 2 máy bay. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng đây là sự cố uy hiếp an toàn hàng không.

Vụ hỗ trợ 2.000 đồng: Yêu cầu kiểm điểm từ xã đến huyện

Bí thư Huyện ủy Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) Vũ Văn Thẩm cho biết, Huyện ủy đã yêu cầu kiểm điểm từ cấp xã đến huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan đến việc hỗ trợ 2.000 đồng do bão gây xôn xao dư luận thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm dự kiến tổ chức ngày 30/11.

Ông Thẩmcho biết, việc xã kê khai, thống kê thiệt hại sau bão như vậy là không sai. Nhưng việc để người dân chờ đợi một buổi và nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ như vậy quá máy móc. Nên kê khai rõ người dân nhận được bao nhiêu, ít như vậy thì có nhận hay không, và nếu không nhận thì có thể sung vào công quỹ hoặc trả lại cho Nhà nước”.

TIN THẾ GIỚI

Italy công bố hình ảnh đầu tiên về biến thể Omicron

Nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại thủ đô Rome của Italy đã công bố hình ảnh đầu tiên của biến thể Omicron.

Theo đó, biến thể Omicron có nhiều gai protein đột biến hơn, vùng tiếp xúc với tế bào trước khi xâm nhập có diện tích rộng hơn. Số lượng đột biến của biến thể Omicron là 43, lớn hơn nhiều so với biến thể Delta hiện nay.

Tin tổng hợp trưa 29/11: Điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai biến vắc xin 4 người chết 2
Biến thể Omicron có một "nhóm đột biến rất bất thường" (Ảnh: Shutterstock)

Các nhà khoa học lưu ý những thay đổi này cho thấy virus có thể đã thích nghi tốt hơn với con người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2 hay không.

Xem thêm: 

Dịch Covid-19: Biến chủng Omicron nguy hiểm như thế nào?

Người nhiễm biến thể Omicron có những triệu chứng gì?

WHO chưa rõ độ nghiêm trọng của chủng Omicron

WHO ngày 28/11 cho biết họ chưa rõ liệu biến chủng Omicron mới có khả năng lây lan cao hơn hay khiến bệnh nặng hơn các chủng khác hay không. Tuy nhiên, WHO nhắc lại rằng có bằng chứng cho thấy nguy cơ tái nhiễm cao hơn từ biến chủng này.

WHO cho hay họ đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của chủng Omicron đối với những biện pháp ứng phó hiện nay nhằm chống lại Covid-19, trong đó có cả vắc xin.

Biến chủng Omicron, xuất hiện đầu tiên ở khu vực Nam Phi, đang làm dấy lên lo ngại toàn cầu. Hàng loạt quốc gia đã áp dụng biện pháp siết xuất nhập cảnh và cách ly, xét nghiệm người về từ châu Phi.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ hôm nay, ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

Thủ lĩnh Taliban lần đầu lên tiếng

Người đồng sáng lập và là Thủ tướng chính quyền lâm thời Taliban Akhund lần đầu phát biểu sau khi lên nắm quyền, kêu gọi quốc tế viện trợ Afghanistan. Trong bài phát biểu lần đầu kể từ khi nắm quyền hồi tháng 8, thủ lĩnh Taliban Akhund cho biết Afghanistan đang đối mặt loạt vấn đề và đang cố gắng đưa người dân thoát khỏi những khó khăn và đau khổ.

Chính quyền Taliban đang đối mặt loạt thách thức, đặc biệt là vực dậy nền kinh tế đang cạn kiệt nguồn viện trợ quốc tế. Các chính quyền Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn trước đó có nguồn viện trợ quốc tế chiếm tới 75% ngân sách.

Tình trạng lạm phát và thất nghiệp đã gia tăng ở Afghanistan, trong khi ngành ngân hàng đang lao đao. Cơ quan cứu trợ Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ở Afghanistan, khi hơn một nửa trong số 38 triệu dân được dự đoán phải đối mặt cảnh đói nghèo vào mùa đông năm nay.

Hoàng thân Norodom Ranariddh của Campuchia qua đời tại Pháp

Hoàng thân Norodom Ranariddh, cựu thủ tướng và là con trai của cố Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia, đã qua đời tại Pháp lúc 9h40 sáng 28/11 (giờ địa phương), hưởng thọ 77 tuổi.

Theo AP, sức khỏe của ông Ranariddh đã yếu đi kể từ sau khi ông gặp tai nạn ôtô ở Campuchia vào năm 2018. Một phụ tá giấu tên của ông Ranariddh cho biết hoàng thân Campuchia đã đến Paris (Pháp) vào cuối năm 2019 để điều trị y tế do gãy xương chậu.

Hoàng thân Norodom Ranariddh, sinh năm 1944, là con trai cả của cố Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia. Ông từng giữ chức thủ tướng thứ nhất của Campuchia từ năm 1993-1997, và sau đó là chủ tịch Quốc hội Campuchia từ năm 1998-2006.

Triều Tiên thu hút hỗ trợ nước ngoài cho giáo dục

Theo thông tin từ Quỹ Hỗ trợ giáo dục Triều Tiên, công trình xây dựng Trường trung học phổ thông Unbong thuộc huyện Pyongwon của tỉnh Nam Pyongan vừa hoàn thiện.

Đại diện Quỹ Hỗ trợ giáo dục Triều Tiên cho biết năm 2021, nước này đã tiến hành xây dựng và mở cửa nhiều trường học. Trong số đó, Trường trung học phổ thông Unbong được hoàn thành với sự hợp tác của Hội Cứu trợ bình dân Pháp (SPF) và các tổ chức trong nước từ tháng 4/2020.

Quỹ này thường công bố nội dung kêu gọi hỗ trợ trên trang web chính thức. Không chỉ nhiều tổ chức dân sự Trung Quốc mà các nước phương Tây như Đức, Anh, Canada, Thụy Sĩ cũng tích cực quyên góp cho quỹ này để hỗ trợ giáo dục cho Triều Tiên.

Mỹ trục xuất 27 nhà ngoại giao Nga

Đại sứ Nga tại Mỹ cho biết thêm 27 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình bị trục xuất và sẽ phải rời Mỹ vào 30/1. Trước đó, Nga cho biết hơn 100 nhà ngoại giao cùng gia đình họ đã buộc phải rời Mỹ kể từ năm 2016, khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, tính đến ngày 29/10, gần 200 nhà ngoại giao Nga vẫn làm việc tại Mỹ, trong đó có nhân viên phái bộ Nga tại Liên Hợp Quốc. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nhân viên phái bộ Mỹ tại Nga đã giảm từ 1.200 xuống còn 120 người vào đầu năm 2017 sau loạt lệnh trục xuất và hạn chế.

Quan hệ Nga - phương Tây gần đây căng thẳng về các vấn đề như thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị giam, Nga tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine và loạt bê bối gián điệp. Quan hệ giữa Washington và Moskva vẫn căng thẳng, nhưng được cho là đã ổn định hơn từ khi Biden gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6.

Bình luận