TIN TRONG NƯỚC
Quỹ vaccine phòng COVID-19 còn hơn 1.200 tỷ đồng
Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày hôm qua 26/11, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.797 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi; trong đó, có 55 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng. Đến nay, đã có 567.847 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào quỹ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ quỹ 7.597 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua vaccine 7.588 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 8,8 tỷ đồng nên dư cuối ngày 1.200 tỷ đồng.
Ban Quản lý Quỹ cũng xây dựng phương án gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Lãi tiền gửi của quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại được tính vào nguồn thu của quỹ, được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Tài chính, cuộc vận động ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được số tiền ủng hộ lớn và đây là nguồn lực quan trọng để Bộ Y tế mua, tiêm vaccine cho người dân và cộng đồng.
Tối 26/11 ca mắc tăng cao vượt 13.000 ca, thêm 137 ca tử vong
Tối qua, Bộ Y tế công bố có 13.209 ca mắc mới gồm 15 ca nhập cảnh, 13.094 ca trong nước, đáng chú ý có 7.288 ca mắc cộng đồng.
60 tỉnh, thành phố trên cả nước đều ghi nhận ca mắc, riêng TP.HCM dẫn đầu với 1.809 ca, Cần Thơ (897), Bình Dương (707), Tây Ninh (655), Bà Rịa - Vũng Tàu (653), Đồng Tháp (601). Về tình hình điều trị, trong ngày có 12.368 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 137 ca tử vong.
Về tình hình xét nghiệm và tiêm chủng, trong 24 giờ qua đã thực hiện 127.500 xét nghiệm cho 259.502 lượt người. Cả nước đã tiêm được thêm hơn 2 triệu 400 ngàn liều vaccine phòng COVID-19.
An Giang trở về cấp độ 2, Cần Thơ hơn 1.000 ca nhiễm mới trong ngày
Tối 26/11, Sở Y tế tỉnh An Giang đã có thông báo đánh giá cấp độ dịch mới trên địa bàn.
Cụ thể, toàn tỉnh được đánh giá cấp độ dịch cấp 2. Trong đó, có 4 địa phương gồm: TP Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân thuộc cấp độ 1; thị xã Tân Châu, huyện Chợ Mới, Tri Tôn thuộc cấp độ 2; huyện An Phú, Châu Thành cấp độ 3; TP Châu Đốc và huyện Tịnh Biên cấp độ 4.
Còn tại TP Cần Thơ, trong ngày 26/11 thành phố ghi nhận 1.067 ca nhiễm mới. Trong đó, có 94 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; 185 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 46 trường hợp phát hiện trong khu cách ly, 53 trong khu phong tỏa và 689 trường hợp phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, còn có 420 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi và 6 người tử vong.
Hiện, TP Cần Thơ đang có 19.013 người người đang cách ly, điều trị tại nhà và 1.007 người cách ly tập trung.
TPHCM còn gần 1,5 triệu người chưa nhận được gói hỗ trợ đợt 3
Chiều 26/11, Thường trực HĐND TP HCM đã có buổi giám sát về công tác phòng chống dịch Covid-19; và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch.
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP HCM, cho biết vừa qua thành phố đã chi hỗ trợ đợt 3 cho hơn 6,2 triệu người trong tổng số hơn 7,9 triệu người được phê duyệt. Còn lại gần 1,5 triệu người chưa nhận được hỗ trợ.
Đến nay, nhiều quận, huyện đã chi hỗ trợ cho người dân đạt tỉ lệ cao như quận 5 đạt 100%, quận 10 đạt 99,9%. Tuy nhiên, một số quận, huyện đạt tỉ lệ thấp như huyện Bình Chánh mới chi hỗ trợ được 41,1%, quận Bình Tân mới đạt 49,2%.
TPHCM sẽ dành gần 38.000 tỷ xây nhà ở xã hội 5 năm tới
Sở Xây dựng TP HCM vừa trình UBND thành phố chương trình phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025 trong đó bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp cho người lao động sống trong các khu nhà trọ, trên kênh rạch chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch Covid-19.
Theo tính toán của Sở Xây dựng, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5 m2 một người.
Năm 2022, TPHCM dự tính dành 52,1 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội, với tổng vốn đầu tư khoảng 698 tỷ đồng.
Tờ trình cũng phân bổ các khu vực phù hợp để làm nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp. Đối với khu vực nội thành, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư phát triển 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân với quy mô khoảng 379 căn hộ.
Thành phố khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội ở quận 7, Bình Tân 5 dự án với quy mô 3.955 căn, khu vực TP Thủ Đức sẽ có 5 dự án với quy mô 4.352 căn.
Giai đoạn 2021-2025 TPHCM dự kiến dành 173,5 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư 37.693 tỷ đồng.
Giới trẻ TPHCM tấp nập đi "săn" hàng khuyến mãi trong đêm Black Friday
Rất đông người dân TPHCM, đa số là giới trẻ, đã đến các trung tâm thương mại vào chiều tối hôm qua để mua sắm hàng giảm giá nhân dịp Black Friday
Theo ghi nhận tại các khu thương mại trên đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM), nơi hội tụ của nhiều thương hiệu thời trang lớn như H&M, UniQlo, Zara..., người dân đến mua sắm rất đông. Từ 18 giờ đến 20 giờ là khoảng thời gian người dân đến mua sắm đông đúc nhất.
Vào khoảng 19 giờ, giao thông trên các đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi bị ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm khi đi ngang qua đây. Khu vực giữ xe của các trung tâm thương mại hết chỗ, khách hàng buộc phải gửi xe tại các điểm bên ngoài.
Trước khi vào Trung tâm mua sắm, người dân được yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt, xuất trình thẻ xanh. Tại mỗi cửa hàng, khách hàng cũng được nhân viên yêu cầu khai báo y tế một lần nữa trước khi vào mua sắm.
Theo ghi nhận tại các cửa hàng, nhiều mặt hàng giảm giá mạnh từ 50%-80%. Đa số khách hàng mua sắm ở các trung tâm thương mại đều đánh giá năm nay các cửa hàng giảm giá nhiều hơn so với dịp Black Friday năm ngoái.
Giá vàng SJC tăng nhanh, vượt ngưỡng 61 triệu đồng/lượng
Cuối phiên giao dịch ngày 26/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào ở mức 60,25 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 61,05 triệu đồng/lượng. So với thời điểm mở cửa, giá vàng SJC tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC đang là 800.000 đồng/lượng.
Cũng sau phiên giao dịch hôm qua, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 60,25 – 61 triệu đồng/lượng. So với đầu giờ sáng, giá vàng tại DOJI tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 850.000 đồng/lượng ở chiều chiều bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI thu hẹp về 750.000 đồng/lượng.
Trong khi giá vàng trong nước tăng mạnh, giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục đi ngang, được niêm yết với giá 1.791 USD/oz.
TIN THẾ GIỚI:
Trung Quốc báo động vì 1 ca nhiễm không triệu chứng
Thành phố 9,1 triệu dân Từ Châu đã đình chỉ tất cả các tuyến tàu điện ngầm, cắt một số dịch vụ xe buýt đường dài và đóng lối vào các đường cao tốc nối thành phố với các khu vực xung quanh.
Chính quyền yêu cầu người dân không rời khỏi nơi cư trú nếu không cần thiết, đình chỉ các hoạt động tập trung đông người. Nhà chức trách cũng ra lệnh các trường học kiểm soát việc đi lại của sinh viên và ngừng hoạt động ngoại khóa, đào tạo trực tiếp, yêu cầu ngừng tất cả các tour du lịch ngoại tỉnh và hủy hơn 500 chuyến bay đi từ hai sân bay chính
Trung Quốc tính riêng các ca nhiễm không triệu chứng và xếp vào nhóm cần theo dõi y tế, tách riêng với các ca đã xác nhận.
Cách phản ứng của Từ Châu, Tô Châu hay Thượng Hải là ví dụ tiêu biểu cho chiến lược "Zero COVID-19 chủ động". Trong đó, việc truy xét sẽ được tiến hành chính xác và nhanh nhất có thể để không gây xáo trộn cho người dân.
Pfizer sẽ công bố hiệu quả vắc xin với biến thể mới
Theo BioNTech, biến thể mới khác biệt lớn với các biến thể trước do có thêm nhiều đột biến ở gai protein. Tuy nhiên, hãng này khẳng định hãng có thể điều chỉnh vắc xin rất nhanh chóng nếu cần thiết. Theo đó, BioNTech và Pfizer có thể điều chỉnh vắc xin trong vòng 6 tuần và giao hàng trong vòng 100 ngày.
Biến thể B.1.1.529 xuất hiện ở Nam Phi đang gây báo động trên toàn cầu với lo ngại mang nhiều đột biến khiến nó nguy hiểm hơn biến thể Delta. Một số nước châu Âu và châu Á đã hạn chế người từ Nam Phi và các quốc gia láng giềng, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mở cuộc họp trực tuyến của các chuyên gia về biến thể mới.
Tối 26/11, giờ Việt Nam, Bỉ là quốc gia châu Âu đầu tiên phát hiện biến thể B.1.1.529. Bộ trưởng Y tế Frank Vandenbroucke xác nhận người nhiễm biến thể này có kết quả dương tính vào ngày 22-11. Người này đã đến Ai Cập và trở về Bỉ vào ngày 11/11.
Các chuyên gia của WHO đã bắt đầu cuộc họp trực tuyến để xác định nên xếp B.1.1.529 vào nhóm biến thể đáng quan tâm hay biến thể đáng lo ngại.
Ấn Độ thắt chặt xét nghiệm COVID-19 đối với du khách
Khuyến cáo thắt chặt xét nghiệm COVID-19 đối với du khách ở Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh nước này lo ngại về một biến thể virus SARS-CoV-2 mới sau khi nới lỏng một số hạn chế đi lại vào đầu tháng 11 này.
Bộ Y tế liên bang Ấn Độ cho biết, theo các báo cáo, đột biến trong biến thể mới, được xác định là B.1.1.529, có "tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng".
Bộ trưởng Bộ Y tế Rajesh Bhushan nói: "Biến thể này được báo cáo là có số lượng đột biến cao đáng kể và do đó có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng đối với đất nước do các hạn chế thị thực được nới lỏng gần đây và việc mở cửa du lịch quốc tế".
Ấn Độ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới bởi đại dịch COVID-19, trong tuần này đã ghi nhận mức tăng số ca mắc mới thấp nhất sau 1,5 năm qua do tăng cường tiêm chủng và kháng thể trong phần lớn dân số từ các ca nhiễm bệnh trước đó.
Ngày 26/11, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34,56 triệu ca mắc COVID-19. Đầu tháng 11, Ấn Độ đã xác định 10 quốc gia "có nguy cơ", trong đó có châu Âu, Anh, Trung Quốc, Nam Phi và New Zealand và một số quốc gia khác. Ấn Độ đã mở cửa biên giới quốc gia với 99 nước.
CH Czech: Tổng thống nhập viện vì COVID-19
Ngày 25/11, Chính phủ CH Czech đã ra lệnh cho các quán bar, nhà hàng đóng cửa lúc 22h và cấm các chợ Giáng sinh mở cửa.
Các hạn chế mới cũng bao gồm cấm các sự kiện lớn với tối đa 1.000 người tham gia như sự kiện văn hóa và thể thao, hạn chế đi lại với các nước láng giềng Áo và Slovakia, nơi tỷ lệ lây nhiễm thậm chí còn cao hơn.
Chỉ vài giờ sau khi các quy định hạn chế mới được công bố, Văn phòng Tổng thống CH Czech cho biết, Tổng thống Milos Zeman đã được đưa đến bệnh viện sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, mặc dù truyền thông địa phương cho biết ông không có triệu chứng nhiễm bệnh. Điều này diễn ra chưa đầy nửa ngày sau khi nhà lãnh đạo 77 tuổi rời bệnh viện sau một đợt điều trị kéo dài 46 ngày vì một bệnh mãn tính không liên quan đến COVID-19.
Số ca lây nhiễm hàng ngày và số người nhập viện có khả năng tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, Chính phủ nước này hy vọng, các biện pháp mới sẽ ngăn chặn sự gia tăng trên, đồng thời tránh được việc ban hành các hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Nước giàu 'khát' lao động sau COVID-19
Hàng loạt nước phát triển đang nới lỏng chính sách thị thực, tăng đãi ngộ để thu hút lao động có trình độ. Dù là người muốn thẻ xanh hay chỉ là người muốn có công việc để thỏa đam mê xê dịch đều được chào đón.
Đại dịch đã làm xáo trộn lực lượng lao động tại nhiều nước, khi không ít người đã nghỉ hưu hoặc bị mắc kẹt đâu đó vì dịch bệnh chưa thể trở lại. Tại Nhật Bản, khoảng 300.000 người chưa thể quay lại nước này làm việc và học tập.
Một khảo sát với 5.700 công ty Anh hồi tháng 6 cho thấy 70% đang chật vật tìm nhân viên. Tại Úc, chỉ tính riêng lĩnh vực khách sạn đã có gần 100.000 công việc đang chờ người, các công ty khai thác mỏ buộc phải giảm mục tiêu doanh thu vì thiếu nhân công. Không có người thu hoạch, hàng tấn nông sản của Úc bị vứt bỏ.
Một số nước phát triển đã xây dựng các chương trình thị thực cởi mở, hiệu quả hơn để thu hút người nước ngoài, từng bước đưa họ trở thành một phần lâu dài trong xã hội sở tại. Tại Đức, Đạo luật nhập cư mới đã được thông qua.
Nhiều quốc gia, trong đó có Bỉ, Phần Lan và Hy Lạp, đã cấp thị thực làm việc cho người nước ngoài đến bằng thị thực sinh viên hoặc thị thực khác.
Ở Nhật, nơi lao động nhập cư là vấn đề nhạy cảm vì sự phản đối của các nhóm bảo thủ, chính quyền đã cho lao động nhập cư bị mất việc được tạm thời làm việc cho công ty khác.