Tin tổng hợp tối 16/11: Tây Nguyên vẫn áp dụng cách ly tập trung F1, gây quá tải

Từ nay đến cuối năm có nhiều lễ hội, TPHCM sẽ căn cứ cấp độ dịch, công suất phục vụ của khu vực tổ chức để có quy định số lượt người tham gia...

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI TPHCM:

TPHCM sẽ hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học trong tuần này

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trong tuần này TPHCM sẽ hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học trở lại và đề nghị 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi mở trước ở một số địa bàn cấp độ dịch Covid-19 có nguy cơ thấp.

Ông cho biết, các cháu ở nhà học trực tuyến gây nhiều hệ lụy, không chỉ là không có phương tiện học trực tuyến, không được gặp gỡ bạn bè mà gia đình ở nhà cùng cháu nhỏ học, hoặc học trực tuyến nảy sinh chuyện khác như hình thành thói quen mới như nghiện game hay không giao tiếp trực tiếp sẽ lệch lạc đến phát triển nhân cách.

Việc này chưa có nghiên cứu đầy đủ nhưng một số chuyên gia nói rằng nếu kéo dài sẽ không tốt, gây ra nhiều hệ lụy. Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có nhiều cải thiện, có nhiều vùng xanh. Thành phố đang cố gắng thực hiện các tiêu chí trường học an toàn và xử lý tốt các tình huống có F0.

TPHCM: điều trị hơn 47.000 F0 tại nhà, dịch cấp độ 2

Hiện TPHCM đang ở cấp độ dịch là cấp 2. Ở cấp quận, huyện có 10/22 địa phương đạt cấp độ 1, giảm ba địa phương so với tuần trước; 11/22 địa phương đạt cấp độ 2, tăng bốn địa phương so với tuần trước. TPHCM chỉ còn một địa phương ở cấp độ 3 là huyện Cần Giờ. TP đang điều trị tại nhà cho hơn 47.000/64.000 F0, chiếm tỉ lệ 73%.

Tin tổng hợp tối 16/11: TPHCM: điều trị hơn 47.000 F0 tại nhà, dịch cấp độ 2 1
TPHCM đang điều trị tại nhà cho hơn 47.000/64.000 F0, chiếm tỉ lệ 73% - Ảnh: ThanhuyTPHCM.vn

Trong thời gian tới, ngành y tế đang có tính toán về việc tăng cường trạm y tế lưu động tại quận, huyện để chăm sóc F0 tại nhà. Khu cách ly tập trung tại quận, huyện cũng đang được tái lập trở lại. Từ nay đến cuối năm có nhiều lễ hội, TPHCM sẽ căn cứ cấp độ dịch, công suất phục vụ của khu vực tổ chức để có quy định số lượt người tham gia...

TPHCM: triển khai cấp thông báo số định danh cho trẻ em

Công an các địa phương tại TPHCM đang triển khai cấp thông báo số định danh cá nhân (ĐDCN) cho trẻ em trên địa bàn. Đây là thông báo cần thiết để dễ dàng lưu trữ và trích xuất thông tin khi trẻ đi tiêm vaccine, nhất là trẻ dưới 14 tuổi (độ tuổi chưa đủ điều kiện làm CCCD). Thông báo sẽ được gửi đến từng hộ dân.

Hiện Công an TP thực hiện cấp cho những người chưa làm CCCD và trẻ em chưa đến tuổi làm CCCD. Theo đó, số ĐDCN cũng chính là số CCCD sau này của mỗi người. Những ai đã có CCCD mã vạch, CCCD gắn chip thì đây cũng chính là mã số định danh của người đó.

TPHCM: Bàn giao tro cốt hơn 17.000 người mất vì COVID-19

Tối 15/11, thượng tá Nguyễn Thanh Phong - chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh TPHCM - cho biết từ ngày 1/1 đến nay có 17.202 người mất vì COVID-19 được ghi nhận tại TP. Bộ tư lệnh đã lo hậu sự và bàn giao tro cốt cho người thân. Theo thượng tá Phong, những trường hợp người mất có người thân, gia đình tại TP.HCM, Bộ tư lệnh TP cùng ban chỉ huy quân sự các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp với chính quyền địa phương bàn giao tro cốt tận nhà.

Những trường hợp người mất ở các tỉnh thành, Bộ tư lệnh TPHCM bàn giao tro cốt cho các tổ công tác của các quân khu phụ trách để trao đến tận nhà người thân, gia đình. Ngoài hơn 17.000 trường hợp được ghi nhận, còn có nhiều trường hợp mất trong cộng đồng cũng được Bộ tư lệnh phối hợp với các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ hỏa táng. "Hiện tại vẫn còn một số phần tro cốt của người dân các tỉnh vào TPHCM làm việc và sinh sống không may qua đời vì dịch bệnh. Trong tuần tới chúng tôi sẽ tổ chức bàn giao về cho người thân của người mất", thượng tá Phong nói.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI CÁC TỈNH, THÀNH KHÁC:

Số ca mắc COVID-19 ở miền Tây cao, ca tử vong thấp

Do được tiêm vắc xin nhanh và kịp thời phát hiện ca mắc COVID-19 nên dù số ca nhiễm rất cao, nhưng tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 ở miền Tây rất thấp.

Tại Đồng Tháp, tính đến ngày 15/11, toàn tỉnh ghi nhận 13.425 trường hợp dương tính COVID-19. Đến nay, Đồng Tháp có 231 ca tử vong vì dịch COVID-19, chiếm tỉ lệ 1,72%. Tỉ lệ này rất thấp so với mặt bằng chung cả nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định: "Ban đầu dịch bùng phát mạnh ở Đồng Tháp nên có lúc tỉ lệ tử vong gần 2,5% trường hợp mắc. Lúc này tỉ lệ vắc xin rất ít. Sau đó, chúng tôi đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin cho người dân nên số trường hợp mắc bị tử vong đã giảm mạnh. Đến nay chỉ còn hơn 1,7% thôi. Vì khi người dân được tiêm vắc xin sẽ hạn chế lây nhiễm hoặc nếu có bị nhiễm thì số người có triệu chứng nặng sẽ rất ít nên tỉ lệ tử vong sẽ thấp".

Tại TP Cần Thơ, Sở Y tế TP cho hay tính đến nay TP có 12.515 ca mắc COVID-19, số trường hợp tử vong là 129 ca. Tính trung bình tỉ lệ tử vong trên số ca mắc là 1,03%, đa số là các trường hợp trên 50 tuổi, có bệnh lý nền. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho gần 500 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân ở tầng 2 (trung bình) chiếm khoảng 40%, bệnh nhân nặng ở tầng 3 chiếm 9-10%, còn lại là bệnh nhẹ có thể chuyển cho điều trị ở bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà. Hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 của nhiều tỉnh miền Tây đều trên 80%, nhiều địa phương trên 95%, còn mũi 2 đa phần đều ở mức trên 40% dân số trên 18 tuổi.

Sóc Trăng: triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 15 tuổi

Tỉnh Sóc Trăng đồng loạt triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho gần 8.500 em trẻ từ 12 - 15 tuổi. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Tây tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 15 tuổi.

TP. Sóc Trăng tổ chức 3 điểm tiêm cho các em học sinh từ lớp 7 đến lớp 9, còn những trẻ không đến trường sẽ được tiêm tại các điểm thuộc các phường nơi cư trú. Phấn đấu đạt 95% số trẻ từ 12 đến 15 tuổi được tiêm trong năm 2021.

Thời gian tiêm mũi 1 từ ngày 15 - 17/11; mũi 2 sẽ được tiêm từ 3 - 4 tuần sau khi tiêm mũi 1. Trước đó, ngày 1/11, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho gần 31.600 học sinh THPT.

Bình Dương: Tiêm vắc xin cho người lao động trở lại làm việc

Mỗi ngày, điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 được đặt tại bệnh viện Quốc tế Becamex Bình Dương thực hiện tiêm cho 500-1.000 lao động và có thể nâng công suất lên 5.000 lao động. UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã bố trí 2 điểm tiêm vaccine cố định cho người lao động các tỉnh trở lại làm việc.

Tin tổng hợp tối 16/11: TPHCM: điều trị hơn 47.000 F0 tại nhà, dịch cấp độ 2 2
Ảnh minh họa - Nguồn: NLĐO

Với lao động tự do hoặc lao động trong các ngành dịch vụ sẽ đăng ký trực tiếp qua số hotline của bệnh viện. Còn riêng các lao động làm việc cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sẽ được bố trí xe đưa đón theo lịch hẹn, hoặc có thể linh động bố trí điểm tiêm tại doanh nghiệp theo sô lượng đăng ký trước.

Tây Nguyên: vẫn áp dụng cách ly tập trung F1, gây quá tải

Các tỉnh ở Tây Nguyên đang tính đến phương án cách ly F1 tại nhà vì các khu cách ly (KCL) tập trung đang quá tải và nhiều tỉnh ở Tây Nguyên cũng lên các phương án để tránh lây nhiễm chéo trong các KCL tập trung.

Gia Lai đang là vùng dịch cấp độ 2. Tính đến nay, Gia Lai có 2.439 ca dương tính, trong đó, 1.266 ca đi từ vùng dịch về (1.140 ca dương tính mới và 126 ca tái dương tính). Những trường hợp là F1 cách ly tập trung không phân biệt đã tiêm hay chưa tiêm vaccine. Hiện ngành chức năng đang xây dựng phương án, nếu mức độ dịch cao, trên 5.000 ca bệnh thì mới tiến hành cách ly F1 tại nhà.

Tại Lâm Đồng, tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng đang phức tạp và tỉnh này thực hiện việc cách ly nghiêm ngặt với F1, F2. Đối với F1 thì tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần tại cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Đối với F2 thì tổ chức cách ly F2 tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1. Hiện Lâm Đồng có tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 gần đạt 100%, mũi 2 hơn 86% và địa phương này nguy cơ dịch cấp độ 2.

Đà Nẵng: học sinh lớp 12 được đến trường từ 22/11

Chiều 15/11, TP Đà Nẵng thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và đào tạo về việc tổ chức dạy, học trực tiếp trên địa bàn từ ngày 22/11 cho khối 12; khối lớp 10 và 11 từ ngày 29/11. Tuy nhiên, việc đi học lại chỉ triển khai tại các địa phương vùng dịch cấp độ 1 và 2, nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình.

Tin tổng hợp tối 16/11: TPHCM: điều trị hơn 47.000 F0 tại nhà, dịch cấp độ 2 3
Ảnh minh họa - Nguồn: Laodong

Học sinh vùng cấp độ 3, học sinh thuộc diện cách ly y tế tập trung thì học trực tuyến. Học sinh các khối lớp 8, 9 dự kiến sẽ đến trường sau khi các em được tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 đủ 14 ngày. Với các khối lớp còn lại, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, sẽ có kế hoạch cụ thể.

Hà Tĩnh: Xử phạt chủ quán karaoke có 4 nữ nhân viên mắc Covid-19

Sáng nay, UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Hà Văn Toản (58 tuổi, chủ quán karaoke An Hồng, huyện Nghi Xuân) vì các hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và một số lĩnh vực khác.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở này vi phạm một số quy định như: không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài thời gian quy định từ 8h đến 24h hằng ngày; để người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực mình quản lý. Với những vi phạm trên, ông Toản bị xử phạt tổng số tiền 27,5 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Nghi Xuân cũng buộc ông Toản phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h mỗi ngày với số tiền 1,8 triệu đồng.

TP Thái Bình: đóng cửa tất cả trường học vì liên quan ca mắc Covid-19

Từ 15/11, hơn 43.000 học sinh các cấp tại thành phố Thái Bình nghỉ học cho tới khi có thông báo mới, sau khi ghi nhận 66 ca nhiễm là giáo viên và học sinh ba trường THCS và tiểu học tại địa bàn. Hiện các trường có F0 đã được phong tỏa, phun thuốc khử khuẩn. Các nhà chức trách thành phố đang tập trung phối hợp với nhà trường truy vết các F1, F2 liên quan.

Phú Thọ cơ bản kiểm soát dịch COVID-19

Tới thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã và đang kiểm soát tốt tình hình các điểm dịch và hạn chế tối đa nguy cơ lây lan. Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 12 huyện thị, thành phố đã giảm cấp độ dịch về mức nguy cơ trung bình; đồng thời trên địa bàn tỉnh cũng giữ được vùng xanh, vùng an toàn là huyện Hạ Hòa.

Từ giữa tháng 10 tới nay, tỉnh Phú Thọ ghi nhận gần 1.400 ca mắc nhưng đã có hơn 700 bệnh nhân điều trị khỏi. Cộng với việc số ca mắc trong cộng đồng giảm mạnh, tỉnh Phú Thọ đang chuẩn bị ngưng hoạt động các bệnh viện dã chiến. Do kiểm soát được các điểm dịch, kể từ ngày hôm qua 15/11, các điểm kinh doanh ăn uống tại Phú Thọ đã được mở lại. Hầu hết học sinh trên địa bàn tỉnh cũng đã được đi học trở lại sau 1 tháng nghỉ để phòng dịch.

Bắc Giang gỡ cách ly y tế huyện Yên Thế từ sáng nay 16/11

Tối 15/11, tỉnh Bắc Giang quyết định gỡ bỏ vùng phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế từ 6h sáng nay 16/11. Huyện Yên Thế có số dân trên 100.000 người. Trước đó, ngày 6/11, tỉnh Bắc Giang quyết định thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế để phòng chống dịch COVID-19.

Tin tổng hợp tối 16/11: TPHCM: điều trị hơn 47.000 F0 tại nhà, dịch cấp độ 2 4
Lực lượng chức năng xã Tam Hiệp đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Báo Bắc Giang

Theo Sở Y tế Bắc Giang, huyện Yên Thế vẫn còn thị trấn Bố Hạ ở cấp độ 4, các xã Đông Sơn, Hương Vĩ và Tân Sỏi ở cấp độ 3. Thông tin từ tỉnh Bắc Giang cho biết người dân ở địa phương (cấp xã) có dịch cấp độ 1 (vùng xanh) và 2 (vùng vàng) tại Bắc Giang được tổ chức đám cưới với quy mô gọn nhẹ từ ngày 15-11.

Hà Nội: thí điểm cách ly F1 tại nhà

Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các cấp ngành triển khai ngay thí điểm cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại y tế cơ sở; xử nghiêm trường hợp cố tình vi phạm phòng, chống dịch.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cảnh báo, tâm lý chủ quan cũng ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm “5K”; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế; thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép...

Diễn biến dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát mạnh. Vì thế, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh, thực hiện nghiêm “5K” của người dân. Đặc biệt, không vì độ phủ vắc xin phòng dịch Covid-19 rộng mà sinh ra chủ quan.

Hà Nội: xem xét cho học sinh trở lại trường ở những địa phương an toàn

Đánh giá cao công tác tổ chức thực hiện việc mở lại trường học tại Huyện Ba Vì thời gian qua, Bí thư Hà Nội yêu cầu các đơn vị đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng cách làm hiệu quả, trước hết mở rộng dạy và học trực tiếp thêm các khối, các lớp tại H.Ba Vì. Rà soát, đánh giá mở tiếp ở các huyện đã an toàn, bảo đảm các điều kiện, tiêu chí như hướng dẫn của bộ, ngành T.Ư và thành phố.

Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT, các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ dưới 18 tuổi khi Bộ Y tế phân bổ vắc xin, bảo đảm tuyệt đối an toàn, vắc xin về đến đâu tiêm hết ngay đến đó.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế quan tâm phân bổ vắc xin cho Hà Nội để tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi như kế hoạch; tạo điều kiện cho thành phố thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

 

TÌNH HÌNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI:

Dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng tại Vương quốc Bỉ

Là đất nước chỉ có hơn 10 triệu dân, nhưng mỗi ngày Bỉ có thêm tới 10.000 ca nhiễm mới COVID-19, mặc dù 74% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Vương quốc Bỉ cũng được xếp vào 10 nước châu Âu có tình hình dịch tễ nghiêm trọng. Một đất nước chỉ có hơn 10 triệu dân, nhưng mỗi ngày có thêm tới 10.000 ca nhiễm mới, mặc dù 74% dân số đã tiêm chủng đầy đủ.

Bỉ đã phải áp dụng lại nhiều biện pháp phòng dịch, khẩu trang và làm việc từ xa. Số ca nhiễm mới COVID-19 và tử vong trong 2 tuần qua đã biến châu Âu lại một lần nữa thành tâm dịch của thế giới. Chính phủ Áo đã quyết định phong tỏa những người chưa tiêm vaccine, tất cả những người trên 12 tuổi mà chưa tiêm chủng bị cấm ra khỏi nhà kể từ ngày 15/11.

Ai Cập: thử nghiệm vaccine nội địa đầu tiên

Cơ quan Dược phẩm Ai Cập đã chính thức thử nghiệm lâm sàng vaccine COVI-VAX. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Ai Cập tự sản xuất. Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ai Cập bắt đầu đánh giá về chủng virus SARS-CoV-2 mới kể từ tháng 3 năm ngoái, sau khi phát hiện trường hợp công dân Ai Cập đầu tiên mắc COVID-19.

Đến tháng 5/2020, trung tâm này hoàn tất giải trình tự gen của virus và bắt đầu nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. Theo số liệu của Bộ Y tế Ai Cập, đã có khoảng 25 triệu người dân nước này được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Hàng loạt hạn chế đối với người chưa tiêm vaccine COVID-19

Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu, đang liên tiếp ghi nhận những số liệu kỷ lục về số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày do COVID-19. Bên cạnh yếu tố mùa đông là thời điểm virus dễ lây lan, tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều do tâm lý ngại tiêm chủng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng bùng phát dịch bệnh mới.

Nhiều biện pháp hạn chế mạnh tay đang được giới chức các nước áp đặt đối với những người chưa chủng ngừa trong nỗ lực "hạ nhiệt" các điểm nóng COVID-19. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, người chưa tiêm vaccine có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 5 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 10 lần so với những người đã hoàn tất tiêm chủng.

Do vậy, nhiều biện pháp hạn chế mạnh tay đang được giới chức các nước áp đặt đối với những người chưa chủng ngừa trong nỗ lực "hạ nhiệt" các điểm nóng COVID-19.

KHUYẾN CÁO: Cần chú ý các dấu hiệu nào khi theo dõi trẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19?

BS. Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo: Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, cha mẹ cần hết sức chú ý nếu thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau:
- Trẻ thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
- Trẻ thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Dấu hiệu ở họng: Trẻ có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
- Về thần kinh: Trẻ có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch: Trẻ có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
- Về đường tiêu hóa: Trẻ có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

-  Về đường hô hấp: Trẻ có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
- Hoặc trẻ có biểu hiện toàn thân như: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt…
Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện trên, cha mẹ cần liên hệ với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp) để được xử trí kịp thời.

 

Bình luận