Thông tin tại TPHCM
TPHCM: Nguy cơ thiếu thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà
Hiện nay, mỗi ngày TPHCM đều ghi nhận hơn 1.000 ca COVID-19 mới được công bố, ngày cao nhất lên đến 1.609 (ngày 18-11). Gần đây, số ca nhập viện cũng luôn cao hơn số ca xuất viện, thậm chí số ca nặng, tử vong có tăng.
Hiện TP chỉ còn khoảng 2.000 liều thuốc Molnupiravir và sẽ cấp phát hết trong 2 ngày nữa. Sở đề nghị cục xem xét cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir cho TP.
ĐHQG TPHCM thành lập Trung tâm nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị Covid-19
Sáng nay 20/11, ĐH Quốc gia TPHCM đã chính thức trao quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu dịch bệnh, và giao cho Trường ĐH Quốc tế quản lý, vận hành.
Trong giai đoạn 2021-2030 trung tâm sẽ phát triển nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật trong khu vực Đông Nam Á với đội ngũ nhân lực chuyên môn trên 60 người, trong đó ít nhất 10 giáo sư/phó giáo sư, 15 cán bộ có trình độ tiến sĩ, và cơ sở vật chất hiện đại đủ chuẩn an toàn sinh học đáp ứng các nhu cầu về nghiên cứu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Người dân TPHCM đến rạp phim trong ngày đầu tiên mở lại
Sau hơn 6 tháng phải tạm đóng cửa vì dịch COVID-19, hôm qua (19/11) rạp chiếu phim tại TP.HCM đều đồng loạt mở cửa đón khách.
Xem phim ở rạp từ lâu đã trở thành hoạt động giải trí thường xuyên của người dân. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, người dân vẫn nên hết sức thận trọng, không chủ quan, lơ là phòng dịch để tránh rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.
Theo UBND TP, rạp phim chỉ được phép hoạt động ở vùng cấp độ dịch 1, 2, 3. Cụ thể, ở cấp độ 1, rạp chiếu phim hoạt động tối đa 100% công suất. Ở cấp độ 2, hoạt động tối đa 50% công suất và cấp độ 3 là 25%. Mỗi khách trước khi vào rạp phải xuất trình thẻ xanh, thực hiện khai báo y tế, sau đó khử khuẩn và đo thân nhiệt, chọn ghế ngồi giãn cách đảm bảo phòng chống dịch.
Tại các địa phương khác
Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh ĐBSCL cho F0 nhẹ điều trị tại nhà
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long cố gắng để F0 nhẹ điều trị tại nhà và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine.
Làm việc với TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố: cần thống nhất và ra quyết định để tháo gỡ những vướng mắc; sớm mua sắm thiết bị y tế trên nguyên tắc công khai, minh bạch; tuyệt đối không để tiêu cực. Trong công tác điều trị F0 tại nhà, Cần Thơ cần thiết lập hệ thống theo dõi y tế, kích hoạt mạng lưới "thầy thuốc đồng hành" qua mạng kết hợp với chăm sóc y tế tại chỗ.
Làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lên kế hoạch tiêm vaccine nhanh và không phân biệt nhóm đối tượng. Kế hoạch phải cụ thể từng ngày, gọn từng khu vực, trước hết ở những nơi có nguy cơ cao. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm phân bổ đủ vaccine cho địa phương.
Phó thủ tướng cũng đề nghị tỉnh này triển khai điều trị tại cơ sở đối với F0 đã tiêm vaccine để giảm tải cho các tuyến điều trị.
Bộ GD-ĐT: Tuyên dương 50 thầy cô giáo có sáng kiến giảng dạy trong đại dịch COVID-19
Hà Nội, sáng nay, ngày 20/11, ngày Nhà Giáo Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021.
Tại buổi lễ, 50 giáo viên được tuyên dương do có nhiều sáng kiến đổi mới, trong phương pháp giảng dạy giúp cho học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh COVID-19 ở tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Các thầy cô giáo được tuyên dương được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; biểu trưng của chương trình, sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Điều chỉnh tăng phụ cấp cho người làm công tác chống dịch tại các nơi có số ca mắc cao
Theo nghị quyết mới vừa ban hành, chế độ phụ cấp mức 450.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19, nghi nhiễm Covid-19 tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Chế độ phụ cấp mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với người làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19: Người làm công việc kiểm soát nhiễm khuẩn; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh, thu gom và xử lý dụng cụ sau khi sử dụng cho người nhiễm Covid-19...
Chế độ phụ cấp mức 225.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với các đối tượng làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 bao gồm cán bộ, chiến sỹ lực lượng quân đội, công an được tăng cường cho các tỉnh, thành phố.
Chế độ trên được áp dụng đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 1/8-31/10.
Cả nước : Đã tiêm hơn 106 triệu liều vaccine COVID-19
Tính đến 14h ngày hôm nay, 20/11, Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, cả nước đã tiêm được hơn 106 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong ngày hôm qua, cả nước đã tiêm được gần 1,8 triệu liều ; tỉ lệ tiêm 01 liều vaccine là 89,4%, 2 liều vacine là 53,4% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Có 18 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang (tiêm được trên 1,5 triệu liều).
Bộ Y tế đã có văn bản đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ vaccine, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Cần Thơ: Thêm gần 1.000 ca COVID-19 mới trong ngày hôm qua
Ngày 19/11, số ca mắc COVID-19 mới tại TP Cần Thơ lại tiếp tục tăng cao với 939 ca, trong đó cao nhất là số ghi nhận ở những người cách ly tại nhà với 429 ca. Đây là số ca mắc cao nhất tại TP kể từ đầu đợt dịch đến nay. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã có đề nghị nâng cấp độ dịch của thành phố lên cấp độ 4 (vùng đỏ) để có các biện pháp phòng chống dịch tương ứng.
Hiện tại tất cả bệnh viện ở các tầng điều trị đều đang quá tải về cơ sở vật chất và nhân lực điều trị; bệnh nhân ở tầng 1 (bệnh nhẹ, không triệu chứng) chiếm tỉ lệ cao nhất. Đặc biệt ở tầng 3 có 118 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong khi đó số giường dự trù là 200 giường.
Trước tình hình gia tăng liên tục số bệnh nhân COVID-19 mới, nhiều ổ dịch mới xuất hiện tại các khu vực đông dân cư… Sở Y tế Cần Thơ đã thành lập các đội cấp cứu lưu động theo 3 tuyến điều trị. Đồng thời củng cố lại 83 trạm y tế lưu động, mỗi trạm được trang bị máy tạo oxy, máy Sp02 và chuẩn bị cung cấp oxy tại các trạm để tổ chức điều trị F0 nhẹ tại nhà.
Kiên Giang: Cấp bách mua 1 triệu test nhanh kháng nguyên để xét nghiệm sàng lọc Covid-19
UBND tỉnh Kiên Giang nhận định, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca dương tính tiếp tục tăng nhanh, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 300 - 400 ca. Để chủ động và kịp thời có đủ số lượng test nhanh kháng nguyên phục vụ công tác truy vết và xét nghiệm sàng lọc Covid-19, Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đồng ý chủ trương mua 1 triệu kit test nhanh.
Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã thực hiện việc mua sắm và nhận tài trợ số lượng test nhanh Covid-19. Tính đến ngày 15.11 là gần 2,4 triệu test. Đến nay, tỉnh đã sử dụng hơn 1,1 triệu test, còn lại gần 1,3 triệu test.
Phú Quốc: Đón đoàn du khách quốc tế đầu tiên theo chương trình hộ chiếu vắc xin
Trưa nay, ngày 20.11, chuyến bay VJ3749 của Hãng hàng không Vietjet đưa 204 du khách Hàn Quốc đến nghỉ dưỡng tại đảo ngọc đã hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Toàn bộ hành trình của đoàn do Vinpearl phối hợp cùng đối tác chiến lược tại thị trường Hàn Quốc, Công ty Du lịch Marketing Highland và Hãng hàng không Vietjet xây dựng, tiên phong đón những du khách “hộ chiếu vắc xin” đầu tiên đến nghỉ dưỡng và du lịch tại siêu quần thể “tất cả trong một” qui mô hàng đầu châu Á - Phú Quốc United Center theo quy trình hướng dẫn đón khách quốc tế của Bộ VH-TT-DL và Sở Du lịch Kiên Giang.
Vĩnh Long: 18 đơn vị cấp xã thành vùng đỏ
Liên tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chỉ trong 1 tuần, số đơn vị cấp xã ở Vĩnh Long chuyển sang màu đỏ tăng gần gấp đôi.
Sở Y tế Vĩnh Long cũng có thông báo về cấp độ dịch Covid-19 của tỉnh theo Nghị quyết 128 Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long vẫn ở cấp độ 2 (vùng vàng); 5/8 huyện, thị xã, thành phố gồm: Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, TP.Vĩnh Long và TX.Bình Minh cấp độ 3 (vùng cam) và 3 huyện còn lại ở cấp độ 2 (vùng vàng).
Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao liên tục khiến 18 đơn vị cấp xã chuyển sang cấp độ 4 (vùng đỏ); 34 xã, phường ở cấp độ 3. Các địa phương còn lại ở cấp độ 1 và 2. Trước đó một tuần (tức 12.11), tỉnh Vĩnh Long chỉ có 10 đơn vị cấp xã là vùng đỏ.
Đà Nẵng: Tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ 12-15 tuổi
Ngày 20-11, Đà Nẵng tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi, trong đó chủ yếu là học sinh khối lớp 8, 9 (đủ 12 tuổi). Đây là địa phương đầu tiên ở miền Trung tiêm cho trẻ độ tuổi này. Kế hoạch tiêm của Đà Nẵng kéo dài 3 ngày, đến hết ngày 22-11
Học sinh các khối lớp 8, 9 dự kiến sẽ đến trường sau khi các em được tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 đủ 14 ngày. Với các khối lớp còn lại, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, sẽ có kế hoạch cụ thể. Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu trước khi tổ chức đi học 1 tuần phải thông báo cho học sinh, phụ huynh để chuẩn bị.
Hiện Đà Nẵng cũng đã hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin COVID cho người trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi. Tỉ lệ người trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi ở đây đã đạt 60%.
Hà Tĩnh: Thí điểm cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà
Ngày 20/11, Tỉnh Hà Tĩnh vừa cho thí điểm cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 không có triệu chứng tại nhà, ở TT.Hương Khê (H.Hương Khê, Hà Tĩnh).
Trường hợp F0 đầu tiên được cho cách ly tại nhà là chị M (36 tuổi, ngụ tại TT.Hương Khê). Trước khi được phát hiện nhiễm bệnh, chị M. đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Ông Nguyễn Tuấn, quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trường hợp F0 được cách ly tại nhà phải có khả năng tự chăm sóc bản thân, có phương tiện và khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Trong trường hợp F0 không có khả năng tự chăm sóc bản thân thì gia đình phải có người chăm sóc và người đó phải áp dụng cách ly tương tự F0.
Quảng Ninh: Không được đón trả khách tại vùng dịch từ cấp 2 trở lên
Theo đó, Quảng Ninh sẽ tạm dừng hoạt động vận tải khách nội tỉnh, liên tỉnh có điểm đi, điểm đến thuộc địa bàn có dịch của tỉnh, từ cấp 2 trở lên. Phương tiện vận chuyển khách liên tỉnh, nội tỉnh có hành trình đi qua những địa bàn này không dừng, đỗ, đón trả khách.
Những ngày qua đang bùng phát một số ổ dịch nên tỉnh yêu cầu phải tạm thời điều chỉnh để khoanh vùng truy vết, sau đó sẽ lại nới lỏng. Đợt dịch thứ tư, Quảng Ninh ghi nhận 433 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ vào tỉnh kết nối với Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang vẫn hoạt động. Tỉnh vẫn đang dừng hoạt động karaoke, vũ trường, bar.
Hà Nội: Lên phương án thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà
Để chủ động cách ly F0 và F1 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận huyện, thị xã rà soát các điều kiện thực hiện cách ly tại nhà, lập danh sách các hộ gia đình có đủ điều kiện cách ly F0, F1, báo cáo về Sở Y tế trước 12h ngày 21-11.
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc mới ở Hà Nội những ngày gần đây tăng nhanh, chiếm tỉ lệ lớn là ca ghi nhận tại cộng đồng và ca ghi nhận trong khu cách ly.
Tin thế giới
Đột biến mới của biến thể Delta
Các nhà nghiên cứu Sri Lanka hôm 19/11 phát hiện một dòng phụ mới của biến thể Delta, đặt tên là B.1.617.2. AY 104. Đây là biến chủng COVID-19 thứ 3 có nguồn gốc từ Sri Lanka. 288 mẫu tại Sri Lanka dương tính với AY-104 trong quá trình nước này thử nghiệm ngẫu nhiên.
Giới trách y tế Sri Lanka vẫn chưa thể xác định chắc chắn khả năng lây truyền của B.1.617.2. AY 104 và đã gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm ở Hong Kong để phân tích thêm. "
Sri Lanka đang phải căng mình đối phó với các ổ dịch tại các tỉnh miền trung và miền nam do người dân không tuân thủ quy tắc phòng dịch. Quốc gia Nam Á hiện đã tiêm chủng đầy đủ chơn 61,8% dân số. Khoảng 160.000 người trên 60 tuổi đã được tiêm mũi vaccine Pfizer tăng cường.
Hong Kong chấp thuận thuận mở rộng độ tuổi tiêm chủng từ 3-17 tuổi
Ngày 20/11, Hong Kong đã cho phép hạ giới hạn lứa tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) xuống từ 3 tuổi trở lên, trong bối cảnh vùng lãnh thổ này tăng cường chiến dịch khuyến khích người dân đi tiêm phòng.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hong Kong cho biết thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi sẽ được ưu tiên tiêm vaccine CoronaVac của hãng Sinovac nhằm mở rộng sang nhóm lứa tuổi ít hơn vào giai đoạn sau này. Việc chấp thuận mở rộng độ tuổi đủ điều kiện để bao phủ tiêm chủng từ 3-17 tuổi mang lại nhiều lợi ích hơn so với những rủi ro của việc không tiêm chủng.
Đến nay, khoảng 67% dân số ở Hong Kong đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac hoặc của hãng Pfizer/BioNTech.
Pháp sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho hơn 50% dân số trước cuối năm
Hội đồng Y tế cấp cao Pháp (HAS) hôm qua (19/11) đã ra khuyến nghị tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho người từ 40 tuổi trở lên sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm đầu tiên trước đó 6 tháng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 50% dân số Pháp sẽ đủ điều kiện để nhận mũi tiêm thứ 3.
Trong thông cáo đưa ra, Hội đồng y tế cấp cao Pháp giải thích, việc mở rộng mũi tiêm tăng cường cho những người đủ điều kiện là cần thiết trong bối cảnh virus Sars-CoV-2 đang lây lan mạnh và mức độ hiệu quả của những mũi tiêm đầu tiên theo thời gian đã giảm từ 30%-70% sau 6 tháng.
Hội đồng Y tế cấp cao Pháp cũng đưa ra khuyến cáo bổ sung cho người mắc Covid-19 dù đã được tiêm liều vaccine đầu tiên hoặc hoàn thành cả 2 mũi thì cần thời gian ít nhất 6 tháng trước khi tiêm mũi vaccine tiếp theo. Các trường hợp chưa tiêm vaccine và mắc Covid-19 thì chỉ nên tiêm duy nhất một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna 6 tháng sau khi mắc.
Vì sao xét nghiệm COVID-19 'lúc âm, lúc dương'?
Giải đáp cho nhiều trường hợp thắc mắc khác về những nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên trên cùng một người "lúc âm, lúc dương", TS. BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ, một người thực hiện xét nghiệm hai lần ở hai thời điểm khác nhau cho kết quả không đồng nhất có thể do ảnh hưởng một hay nhiều yếu tố.
Các yếu tố này bao gồm: vị trí lấy mẫu, điều kiện bảo quản mẫu bệnh phẩm, thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu, người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng và nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm ảnh hưởng đến độ nhạy (khả năng cho kết quả dương tính trong số những người mắc bệnh) của xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19.
- Đơn cử đối với yếu tố vị trí lấy mẫu, khi đưa que lấu mẫu vô trùng vào thẳng phía sau một bên mũi (không hướng lên trên), dọc theo sàn mũi tới khoang mũi hầu sẽ có khả năng phát hiện tác nhân gây bệnh cao hơn các vị trí khác.
- Yếu tố thời gian từ lúc khởi phát đến khi lấy mẫu có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm. Theo kết quả nghiên cứu, thời gian này dưới hoặc bằng 7 ngày thì độ nhạy là 86,2% trong khi trên 7 ngày là 70,8%. Ngoài ra, nếu vào thời điểm lấy mẫu người bệnh có triệu chứng thì khả năng test dương tính cũng cao hơn so với không triệu chứng.
- Nồng độ virus trong bệnh phẩm cũng là yếu tố quyết định khả năng dương tính của xét nghiệm.
- Ngoài các yếu tố trên, nếu khoảng cách giữa hai lần lấy mẫu gần nhau và cùng lấy một vị trí (một bên mũi) thì khả năng xét nghiệm dương tính cũng giảm do lượng mẫu bệnh phẩm lần 2 đã giảm.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù kết quả xét nghiệm là âm hay dương cũng cần lắng nghe cơ thể, lắng nghe sức khỏe của bản thân, cần tiêm vaccine phòng COVID-19, tuân thủ thực hiện 5K kể cả kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính để bảo vệ những người xung quanh.