Tin tổng hợp trưa 18/11: Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi

Sở LĐTB-XH TPHCM vừa đề xuất chính sách hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và 383 người cao tuổi neo đơn vì Covid-19 tại địa bàn.
TIN TRONG NƯỚC

Việt Nam tiếp nhận thêm 1 triệu liều vắc-xin Moderna do Mỹ viện trợ

Việt Nam vừa tiếp nhận thêm 1 triệu liều vắc-xin Moderna do Mỹ viện trợ thông qua hợp tác với COVAX. Như vậy, đến nay Mỹ đã trao hơn 16 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam.

Tin tổng hợp sáng 18/11: Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi 1

Vận chuyển vắc-xin do Mỹ trao tặng - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 30,2 triệu USD nhằm ứng phó với Covid-19. Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 vào ngày 22-9, Tổng thống Mỹ cũng cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều vắc-xin Pfizer cho 92 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới và Liên minh châu Phi, nâng tổng số cam kết của Mỹ lên hơn 1,1 tỉ liều cho toàn thế giới. Cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận nhiều vắc-xin nhất từ nguồn này.

TP HCM: thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống đến 22 giờ

UBND TP HCM vừa cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được thí điểm hoạt động đến 22 giờ hằng ngày từ nay đến hết ngày 30-11.

Tin tổng hợp sáng 18/11: Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi 2

TPHCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động đến 22 giờ. Ảnh: NLĐ

Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 và cấp độ 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới. Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ tại chỗ.

Trước đó, UBND TP HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ hoạt động đến 21 giờ, không quá 50% công suất và không bán, không sử dụng đồ uống có cồn từ ngày 28-10.

Lễ tưởng niệm người mất do Covid-19 tổ chức vào tối mai 19/11

Theo kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, vừa được UBND TP.HCM ban hành, lễ tưởng niệm sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 19.11 tại Hội trường Thống Nhất (Q.1) và các quận, huyện, TP.Thủ Đức, tại điểm cầu Hà Nội tổ chức tại công viên Thống Nhất và được truyền hình trực tiếp trên truyền hình.

Tính đến ngày 16.11, cả nước có hơn 23.000 trường hợp tử vong, riêng TP.HCM có 17.263 người tử vong (tính đến ngày 16.11), chiếm 74% số ca tử vong cả nước. Trong đó, có 38 trẻ em và 62 phụ nữ có thai không qua khỏi. Về độ tuổi, 86,5% người tử vong trên 50 tuổi, trong đó người trên 65 tuổi tử vong chiếm 52,3%.

Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi

Sở LĐTB-XH TPHCM vừa đề xuất chính sách hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và 383 người cao tuổi neo đơn vì Covid-19 tại địa bàn.

Tin tổng hợp sáng 18/11: Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi 3

Sở LĐTB-XH TPHCM và Tổng Công ty Điện lực TPHCM trao hỗ trợ tới trẻ em mồ côi vì Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Ảnh SGGP

Theo đó, đối với người cao tuổi neo đơn sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế  (BHYT) miễn phí, hưởng chính sách 100% và cấp thẻ miễn phí: khi đi lại bằng phương tiện cộng cộng; vé vào cửa các khu vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ; tham gia các câu lạc bộ, thể dục thể thao; các dịch vụ tốn phí khác. Đồng thời, TP sẽ cấp số tài khoản ngân hàng/thẻ ATM hỗ trợ với mức từ 480.000 – 1 triệu đồng/người/tháng, tùy hoàn cảnh.

Đối với trẻ mồ côi do dịch Covid, sẽ được hưởng các chính sách tương tự và miễn học phí đến hết chương trình phổ thông trung học.

Bến phà tạm Rạch Miễu chính thức hoạt động lại từ 4h ngày mai 19/11.

Bến phà tạm Rạch Miễu sẽ chính thức hoạt động trở lại từ ngày mai (19/11), trong khung giờ từ 4 giờ sáng đến 22 giờ hằng ngày sau hơn 4 tháng ngừng hoạt động. Ngoài thời gian nêu trên, nếu hành khách có nhu cầu đi lại thì thuê bao phà.

Trước đó, bến phà tạm Rạch Miễu phải dừng hoạt động từ ngày 12-7 để phòng, chống dịch COVID-19 nên người dân hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre phải đi qua cầu Rạch Miễu để thuận tiện cho việc kiểm soát người ra vào tỉnh.

Dự kiến trong thời gian đầu, lượng khách qua phà còn ít nên chỉ đưa 1 chiếc phà loại 100 tấn vào phục vụ.

Du khách quốc tế đến Đà Nẵng phải có bảo hiểm du lịch 50.000 USD

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng tham gia chương trình trọn gói phải tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, có xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận khỏi bệnh, có bảo hiểm du lịch ở mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD. Theo đó, việc đón khách du lịch quốc tế vào Đà Nẵng sẽ được thực hiện tuần tự theo 3 giai đoạn, theo phương châm mở cửa từng bước.

Tin tổng hợp sáng 18/11: Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi 4

Khách du lịch nước ngoài đến tỉnh Quảng Nam trên chuyến bay đầu tiên ngày 17-11 hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng - Ảnh: TTO

Từ thời điểm này tới tháng 2-2022 nguồn khách chủ yếu là người Việt cư trú ở nước ngoài về nước du lịch kết hợp thăm thân, khách một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp làm việc với sở để đón khách quốc tế, đón hàng ngàn lượt khách mỗi tháng.

Đề xuất giảm phí đường bộ thêm 6 tháng cho xe kinh doanh vận tải

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề xuất tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.

Trong lĩnh vực vận tải, hiện các phương tiện đang được hưởng mức giảm phí sử dụng đường bộ là 10% đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, 30% đối với xe kinh doanh vận tải khách. Khi phương tiện đi đăng kiểm lần gần nhất được tính bù trừ số tiền được giảm vào kỳ phí đường bộ phải nộp tiếp theo. Mức giảm trừ này đã kéo dài từ 10-8-2020 đến hết tháng 12.

TIN THẾ GIỚI

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Nga cao nhất kể từ khi dịch bùng phát

Hệ thống y tế tại Nga vẫn đang hoạt động trong áp lực cao, khi số ca tử vong do nhiễm COVID-19 tại đây liên tục lập các kỷ lục cao. Bộ Y tế Nga cho biết, phần lớn các trường hợp tử vong được ghi nhận là những người trên 60 tuổi, mắc các bệnh nền và không tiêm phòng vaccine.

Tin tổng hợp sáng 18/11: Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi 5

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 13/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các chuyên gia dịch tễ, tình hình COVID-19 tại Nga chỉ có thể được cải thiện hơn khi người dân tích cực đi tiêm vaccine và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nga đã gia hạn các quy tắc dịch tễ phòng chống COVID-19 tại Nga đến năm 2024.

Tính đến thời điểm này, tại Nga mới chỉ có gần 60 triệu người dân đã tiêm xong vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ước đạt gần 50%. Nga đang thiết lập giai đoạn chuyển tiếp để tiêm vaccine phòng COVID-19 từ nay đến ngày 1/2/2022, khi đưa hệ thống mã QR được đưa vào sử dụng.

Indonesia nâng cấp độ chống dịch dịp cuối năm

Trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba, Chính phủ Indonesia đã quyết định nâng cấp độ chống dịch trên cả nước trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022.

Theo đó, lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 3 sẽ được áp đặt đồng bộ trên quy mô quốc gia, kể cả các địa phương đang ở trạng thái chống dịch cấp độ 1 và cấp độ 2. Các hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa, diễu hành, rước kiệu… sẽ bị cấm hoàn toàn.

Quy định hạn chế hoạt động cộng đồng cấp độ 3 cũng sẽ được áp đặt đối với các hoạt động tôn giáo trong dịp lễ Giáng sinh, tham quan du lịch và các trung tâm mua sắm. Các biện pháp này được ban hành với mục tiêu siết chặt các hoạt động đi lại của người dân và ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới. Quy định trên dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 tới đến ngày 2/1/2022.

New York sẽ tổ chức Lễ đón giao thừa 2022

Lễ đón giao thừa tại Quảng trường Thời đại - một trong những lễ hội mang tính biểu tượng của thành phố New York, Mỹ sẽ trở lại vào năm 2022.

Lễ hội sẽ được tổ chức ở quy mô hoành tráng như các năm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Để tham dự sự kiện trên, tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên, đều phải có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ.

Những người không thể tiêm chủng vì lý do bệnh lý cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, đồng thời phải đeo khẩu trang.

Nếu như lễ đón giao thừa năm trước được tổ chức với quy mô rất khiêm tốn, chỉ với 100 người, thì năm nay, giới chức thành phố New York không hạn chế số người tham dự sự kiện này.

Singapore mở rộng chương trình Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng

Từ ngày 29/11, du khách đến từ Indonesia và Ấn Độ sẽ được phép nhập cảnh Singapore theo chương trình Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng (VTL). Đây là một phần trong động thái nối lại đường bay với hai trong số ba thị trường trọng điểm của sân bay Changi, Singapore.

Tin tổng hợp sáng 18/11: Đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho hơn 3.500 trẻ mồ côi và người cao tuổi 6
 

Ngoài ra, từ ngày 6/12, du khách đến từ Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất sẽ được phép nhập cảnh Singapore. Trong khi đó, du khách có thể đi du lịch mà không cần cách ly theo cả 2 chiều đến và từ Ấn Độ, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Những nước này trước đó đã mở cửa biên giới cho du khách đã được tiêm chủng đến từ Singapore.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore và Bộ Y tế Singapore đang theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19 trên toàn thế giới và ở mỗi quốc gia Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng, từ đó sẽ điều chỉnh các quy định nhập cảnh nếu cần thiết.

EU thảo luận kế hoạch thành lập lực lượng quân đội chung của khối

Theo bản kế hoạch được Bộ trưởng Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu thảo luận tại Brussels trong cuộc họp diễn ra hôm 16/11, EU đang lên kế hoạch thành lập lực lượng phản ứng nhanh của khối trong 4 năm nữa, năm 2025.

Lực lượng phản ứng nhanh của EU dự kiến sẽ gồm 5.000 quân vào được tạo thành từ các bộ phận trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có thể hoán đổi với bất kỳ lực lượng thường trực nào tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng. Lực lượng phản ứng nhanh này sẽ là tập hợp binh sĩ đến từ các quốc gia thành viên EU. Lực lượng này sẽ được điều động khi xảy ra các cuộc khủng hoảng bên trong và bên ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu, được triển khai theo yêu cầu từ các quan chức lãnh đạo châu Âu mà không cần sự phê chuẩn hay trợ giúp từ NATO hay Mỹ.

Theo dự thảo, không nhất thiết toàn bộ 27 quốc gia thành viên phải góp quân vào lực lượng chung, nhưng bất kỳ việc điều động nào cũng cần đạt được nhất trí của tất cả các bên.