Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm chính thức Việt Nam

(VOH) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đến Thủ đô Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 - 22/10.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antonio Guterres trên cương vị tổng thư ký tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh.

Tháp tùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm chính thức Việt Nam có bà Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP); ông Selwin Hart, Trợ lý Tổng Thư ký và Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký về hành động khí hậu, cam kết chuyển đổi xanh; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng một số quan chức Liên hợp quốc.

Chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên Hợp Quốc đối với quan hệ đối tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc trong 45 năm qua.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và trước đó là hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Theo kế hoạch, sau khi đặt chân tới Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch sẽ diễn ra hội đàm chính thức giữa Tổng Thư lý Liên Hợp Quốc và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Chiều 21/10, ông António Guterres sẽ dự Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam-Liên Hợp Quốc, chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ông António Guterres sẽ thăm Tổng cục Khí tượng Thủy văn; thăm Tòa nhà xanh Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; thăm Hoàng thành, Bảo tàng Lịch sử; dự tiệc trà do Chủ tịch nước chủ trì. Ông cũng sẽ dành thời gian nói chuyện với đại diện thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Xem thêm: Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc