Chờ...

TPHCM: Trạm y tế sẽ có 300 loại thuốc phục vụ người dân

VOH - Sở Y tế THCM đang triển khai kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung cho tuyến y tế cơ sở, với mục tiêu tăng cường danh mục thuốc lên khoảng 300 loại tại các trạm y tế phường, xã.

Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc cho các cơ sở y tế tuyến đầu, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế và thuốc men hơn.

Hiện tại, chỉ có một số trạm y tế ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú và huyện Cần Giờ có danh mục thuốc khá đa dạng, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, đa phần các trạm y tế khác chỉ có từ 10-15 loại thuốc, nhiều nơi thậm chí không đủ cơ số thuốc điều trị các bệnh lý mãn tính, khiến người dân ít lựa chọn đến trạm y tế để khám chữa bệnh ban đầu.

Tram y te TPHCM - TTXVN

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Sở Y tế TPHCM đã tổng hợp nhu cầu và thực hiện hai gói thầu lớn: Gói thầu thuốc generic và Gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền. Những gói thầu này được thực hiện theo Thông tư số 07/2024/TT-BYT của Bộ Y tế, nhằm tăng cường nguồn cung cấp thuốc tại các trạm y tế giai đoạn 2024-2025.

Cụ thể, gói thầu thuốc generic do Bệnh viện Hùng Vương làm bên mời thầu có giá trị kế hoạch hơn 81 tỷ đồng và đã thu hút 80 nhà thầu tham gia với 482 sản phẩm dự thầu. Kết quả ban đầu cho thấy có khoảng 240 thuốc trúng thầu trong 298 loại thuốc mời thầu. Gói thầu thuốc dược liệu do Bệnh viện Y học cổ truyền làm bên mời thầu, cũng đã chọn được 50 thuốc trúng thầu trong số 57 loại mời thầu.

Với tỷ lệ thuốc trúng thầu đạt trên 80%, danh mục thuốc tại các trạm y tế dự kiến sẽ được tăng lên đáng kể, đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều trị tại chỗ cho bệnh nhân. Điều này giúp cải thiện chất lượng chăm sóc y tế tại các trạm y tế phường, xã, đồng thời giúp người dân yên tâm hơn khi lựa chọn các cơ sở y tế gần nhà.

Ngoài ra, số lượng thuốc có thể được điều chỉnh tùy theo nhu cầu và tình hình thực tế của từng cơ sở y tế, giúp tối ưu hóa việc sử dụng thuốc và nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị.