Trợ cấp thôi việc đối với người lao động nước ngoài

VOH - “Trợ cấp thôi việc cho nước ngoài, tiền tính trợ cấp có bao gồm các khoản trợ cấp nhà ở, điện thoại, xăng xe luôn hay không?

Cụ thể, văn bản nào hướng dẫn chi tiết giúp doanh nghiệp có thể giải thích rõ với người lao động nước ngoài” – Đây là nội dung được lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh trả lời cho doanh nghiệp, tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 245, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức vừa qua.

d85d9499-275e-4126-a76b-a6154e0aaae9_voh
Toàn cảnh Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 245, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”

Như vậy, người lao động (kể cả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam) chấm dứt hợp đồng theo các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019 và đáp ứng các điều kiện để hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu trên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019: “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.” 21

bfe34121-5f45-4450-b051-91ae31e67f23_voh
Doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ thì:

“a) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.

b) Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng. Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.”

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Tiền lương làm căn cứ tính trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư này của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.”

Theo quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

b) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:

b1) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

c) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:

c1) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;” 22

Do đó, về tiền lương làm căn cứ để tính trợ cấp thôi việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu các quy định nêu trên và nội dung thỏa thuận tại hợp đồng lao động được ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động để rà soát, xác định, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật.