Tư vấn pháp luật trong đại dịch, nỗ lực vì sự ổn định xã hội (Kỳ 1)

(VOH) - Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội...

Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lý do chọn ngày 9/11 vì đó là ngày Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta được thông qua (ngày 9/11/1946). Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội... Từ đó, hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp ở nước ta, ý thức thượng tôn pháp luật càng cần được phát huy cao độ để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Việc tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho người dân có vai trò quan trọng đối với sự ổn định xã hội. Nhất là trong giai đoạn vừa qua, khi phải thực hiện giãn cách kéo dài, người dân ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trải qua một giai đoạn xã hội chưa từng có tiền lệ là phải tạm ngưng mọi công việc để ở nhà chống dịch. Vào thời điểm đó, có rất nhiều văn bản chỉ đạo của cấp trên tương ứng với diễn biến mới của tình hình. Nhiều băn khoăn về đời sống kinh tế, lao động việc làm, chính sách hỗ trợ…, người dân rất cần được tư vấn giải đáp các khúc mắc để tuân thủ đúng quy định của pháp luật cũng như bảo vệ được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình trong đại dịch.

Tư vấn pháp luật trong đại dịch, nỗ lực vì sự ổn định xã hội 1

Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tư vấn pháp luật miễn phí tại huyện Cần Giờ trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM.

Anh Đỗ Minh Thuận, thính giả ngụ ở quận Tân Phú cho rằng công tác tư vấn pháp luật cho người dân trong đại dịch góp phần to lớn vào sự ổn định xã hội. Anh nói: "Tôi thấy trong lúc giãn cách xã hội do Covid-19 thì có rất nhiều vấn đề người dân băn khoăn cần được giải đáp về pháp luật như: trong quan hệ lao động việc làm, trong thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế, hay là các vấn đề trợ cấp xã hội…việc lắng nghe và giải đáp các vướng mắc này của người dân trong bối cảnh dịch bệnh như vậy là vô cùng quan trọng".

Để góp phần đưa pháp luật đến gần cuộc sống người dân, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) có nhiều chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp và các chuyên đề về pháp luật, đáp ứng phần nào nhu cầu được tư vấn, giải đáp pháp luật của người dân. Trong bối cảnh đại dịch thì phương thức thực hiện chương trình cũng có sự thay đổi linh hoạt nhằm đảm bảo quy định về giãn cách, đồng thời cũng đạt được mục tiêu là luôn đồng hành, hỗ trợ pháp lý cho quý vị thính giả trong mọi hoàn cảnh.

Các luật sư tham gia các chương trình cùng Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố cũng cho biết, thời điểm đại dịch diễn ra, người dân rất cần tư vấn pháp lý vì có nhiều vấn đề họ chưa rõ, lại phải ở nhà chống dịch. Vậy nên, dù trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các luật sư vẫn có thể tham dự các chương trình qua hình thức online trực tuyến, tư vấn, lắng nghe và chia sẻ những băn khoăn về nhiều vấn đề mà người dân phải đối mặt.

Luật sư Nguyễn Ngọc Trâm, Văn phòng Luật sư Hồ Trung Hiếu, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, một chuyên gia quen thuộc trong chương trình Góc nhìn pháp luật của VOH chia sẻ: "Giới luật sư cũng không nằm ngoài sự lo lắng chung của toàn xã hội trong đại dịch Covid-19. Ai cũng có khó khăn nhất định từ tinh thần, sức khỏe, thời gian đến mọi công việc đều bị đình trệ trong thời gian dài. Tuy nhiên luật sư chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành với quý bà con về mọi mặt đời sống, ví dụ như dành nhiều lời khuyên khi người dân có những mâu thuẫn trong gia đình, cách nuôi dạy con cái trong thời gian dài giãn cách ở nhà. Chúng tôi phổ biến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hỗ trợ người lao động hiểu thêm về quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị ngừng việc, ccác hành vi có thể sẽ vi phạm pháp luật nếu thiếu kiến thức, các hình thức xử phạt truy cứu trách nhiệm đối với từng đối tượng trong xã hội về hành vi trục lợi trong nhận chính sách hỗ trợ về tiền".

Nhận định của Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, trưởng Ban Phổ biến giáo dục pháp luật Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong bối cảnh đại dịch, những người làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật phải nỗ lực nhiều hơn để có thể đáp ứng nhu cầu được giải đáp pháp luật của người dân. Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường nêu rõ: "Trong giai đoạn giãn cách, qua các phương tiện hỗ trợ, tôi cũng dành thời gian tư vấn cho quý thính giả của Đài VOH và một số kênh truyền thông khác. Người dân có rất nhiều thắc mắc về pháp luật như hành vi nào đó có vi phạm pháp luật hay không, có thuộc đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ hay không, hành vi lan truyền thông tin trên mạng sai sự thật liên quan đến dịch bệnh thì sẽ bị xử lý như thế nào. Các câu hỏi rất đa dạng, do vậy Luật sư cũng phải dành nhiều thời gian đọc thêm tài liệu, tìm tòi các cơ sở pháp lý mới có thể đưa ra những lời khuyên, giải pháp cho quý thính giả.

Những người làm công tác tư vấn pháp luật trong bối cảnh đại dịch, tuy không trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng những đóng góp của công tác này vào sự ổn định xã hội là vô cùng to lớn. Không chỉ giúp tháo gỡ được các băn khoăn khúc mắc về nhiều mặt đời sống của người dân, mà những thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cũng giúp người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Những nỗ lực trong công tác tư vấn pháp luật trong bối cảnh đại dịch diễn ra trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là minh chứng thiết thực cho quyết tâm khắc phục mọi khó khăn thử thách do hoàn cảnh khách quan để thực hiện tốt các mục tiêu chính trị mà Đại hội Đảng XIII đã xác định. Trong đó, một trong năm nhiệm vụ trọng tâm là phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc .

Đây cũng sẽ là tiền đề để công tác giáo dục pháp luật tiếp tục phát huy những điểm sáng, góp phần tạo nên sự đồng lòng nhất trí và thượng tôn pháp luật để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường như hiện nay.