Tại bãi tập kết tàu thuyền của xã vùng biển Gio Hải, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), hàng chục người dân và lực lượng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt gấp rút đẩy, khiêng các tàu cá ven bờ có công suất từ 8-10 CV từ dưới bãi cát lên các khu đất trống cao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Ngư dân Nguyễn Minh Đức (74 tuổi, thôn 5 xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cho biết, nhà ông có một thuyền đánh cá nhỏ 8 CV khai thác ven bờ. Khi nghe dự báo thời tiết, ông và một số ngư dân trong xã cùng sự giúp sức của Bộ đội Biên phòng đưa tàu vào bờ cách tầm 50m. Nếu không đưa tàu lên bờ kịp thời, khi bão vào, nước biển dâng, sóng lớn sẽ khiến tàu bị vỡ.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt (Quảng Trị) đã huy động 100% quân số hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; sắp xếp, neo đậu tàu thuyền; giúp đỡ người dân đưa ghe, tàu lên nơi trú ẩn an toàn; tuyên truyền người dân triển khai các biện pháp chuẩn bị phòng chống bão; chuẩn bị sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn. Mọi công tác được diễn ra gấp rút khẩn trương, quyết liệt nhất với phương châm “bốn tại chỗ”.
Mặc dù theo thông tin dự báo, tỉnh Nghệ An không nằm trong các địa phương phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của đường đi bão số 4, tuy nhiên hoàn lưu bão vẫn sẽ gây mưa lớn, ngập úng, do đó, các chủ đầm tôm trên địa bàn Diễn Châu, TP.Vinh đang gấp rút thu hoạch tôm chạy bão.
Hiện chính quyền xã Hưng Hòa (Nghệ An) đã cắt cử lực lượng túc trực tại các cống thoát nước ra sông Lam. Theo đó, khi mực nước sông Lam xuống thấp, địa phương sẽ mở cống Chùa để tiêu thoát nước từ trong đồng ruộng, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản ra sông Lam. Nếu nước sông Lam dâng cao thì sẽ đóng cống lại để nước không chảy ngược vào địa bàn.
Ở Đà Nẵng, tại hầu hết các cửa hàng, các chợ... người dân hối hả đi mua đồ, dụng cụ chằng chống nhà cửa trước khi bão số 4 đổ bộ. Các mặt hàng "đắt khách" là tăng bạt, bao tải, dây thép, dây cáp, đinh vít... "Từ sớm người dân đã đổ xô đi mua dây thừng, bao tải đựng cát, dây thép, túi ny lon...về chống bão. Giá cả vẫn vậy, chúng tôi không lợi dụng thời điểm khó khăn để tăng giá", một chủ cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng chia sẻ.
Trưa 26/9, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng có công văn thông báo cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học từ chiều nay (26/9) để ứng phó với bão Noru. Lịch đi học trở lại sẽ được Sở GD-ĐT thông báo sau.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên ở địa bàn thấp trũng, dễ bị ngập lụt hoặc được chọn làm nơi sơ tán dân đến tránh bão Noru. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ báo cáo Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện (thông qua phòng GD-ĐT), chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các trường đại học tư thục, cần theo dõi tình hình bão, liên hệ với chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, chủ động quyết định thời gian cho sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn và các yêu cầu về phòng, chống bão Noru.
Trong khi đó, dân quân, bộ đội trên địa bàn TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) hỗ trợ người dân đối phó với bão Noru.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 được dự báo là mạnh nhất trong vòng 20 năm qua, người dân Quảng Ngãi đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh... trước khi bão đổ bộ. Sáng 26/9, nhiều người dân hối hả ra ruộng xúc đất, cát cho vào bao tải chở về nhà để chằng mái nhà trước cơn bão lớn.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển đang tìm mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 94 tàu cá thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão Noru.