Vấn đề hôm nay: Cần mạnh tay với thực phẩm bẩn

(VOH) - Khi thực phẩm bẩn còn là vấn đề nan giải trong kiểm soát, thì người tiêu dùng có thể đối mặt với rủi ro bất cứ lúc nào.

Năm hết Tết đến, câu chuyện thực phẩm bẩn vẫn luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu tập trung vào việc xây thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn.

Dịp cuối năm là thời điểm hàng hóa kém chất lượng, trôi nổi trà trộn vào thị trường với muôn hình vạn trạng, đánh lừa người tiêu dùng.

Hơn bao giờ hết, đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu.  

Theo Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, dịp Tết nguy cơ đầu tiên người tiêu dùng phải đối diện là những thực phẩm quá hạn, ôi thiu có thể được tích trữ trong hệ thống kho lạnh sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nguy cơ thứ hai là tình trạng hóa chất độc hại tồn tại trong thực phẩm. Các thuốc bảo vệ thực vật hiện diện trong rau củ quả, nếu người nông dân không được tập huấn, sử dụng vô tội vạ thì người tiêu dùng sẽ gánh hậu quả.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ thực phẩm bẩn chen chân, len lỏi vào thị trường, dịp Tết các đoàn kiểm tra liên ngành cũng như quận, huyện đang đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra.

Vấn đề hôm nay: Cần mạnh tay với thực phẩm bẩn 1
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại kho mát của một công ty ở TPHCM - Ảnh: TNO

Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023.

Từ ngày 15/12 đến hết 12/3, các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn thành phố.

Tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.

Song song với hoạt động thanh tra, kiểm tra dịp cuối năm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng nỗ lực tìm nguồn thực phẩm sạch, đủ tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Tính đến thời điểm hiện nay, Ban đã kết nối với 15 tỉnh, thành lập ra các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm cung ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Thống kê đến hết tháng 11/2022, đã có 586 cơ sở tham gia đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 736 giấy chứng nhận.


Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Tết Quý Mão 2023 là Tết tương đối khó khăn với đại đa số người dân bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi. Trong khi đó, thị trường cuối năm có nhiều biến động, nhiều lao động mất việc, kinh tế người dân eo hẹp thì việc mua hàng cũng ít đi hoặc ưu tiên hàng giá rẻ, trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đây là nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất dễ xảy ra.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân khi mua sắm thực phẩm cho những ngày nghỉ Tết nên chọn mua ở nơi đảm bảo uy tín, hàng hóa có nhãn mác, có xuất xứ để an toàn cho mình và các thành viên trong gia đình.

Để thực sự bảo đảm an toàn thực phẩm cần có sự thay đổi về kinh tế và ý thức người dân, đây là một quá trình lâu dài.

Với thực phẩm bẩn, làm sao ngăn chặn đến mức thấp nhất ngoài công tác kiểm tra phát hiện, tăng chế tài xử phạt thì rất cần sự chung tay của cộng đồng, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn.

Người dân cũng cần phát huy vai trò chủ động giám sát của mình, khi phát hiện những nơi kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất không bảo đảm an toàn nên báo cơ quan chức năng để có hướng xử lý. Mỗi người hãy kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn.