Còn thiếu cơ sở pháp lý để kiểm soát an toàn thực phẩm tại TPHCM

(VOH) – Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã xử phạt 633 đơn vị vi phạm an toàn thực phẩm với tổng số tiền 9,6 tỷ đồng trong 9 tháng qua, nhưng còn khó khăn về cơ sở pháp lý.

Tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” ngày 18/10, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở thành phố khá khó khăn khi nguồn hàng từ nhiều nơi đổ về nhưng khâu kiểm soát còn hạn chế. Hiện sản xuất nông nghiệp ở TPHCM mới chỉ đáp ứng đuợc khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân.

Để có sản phẩm an toàn phải bắt đầu từ nơi sản xuất. Đây là trách nhiệm của cả xã hội trong thời gian tới chứ không của riêng bộ phận nào. Đầu vào của thực phẩm không sạch làm sao đảm bảo đầu ra sạch. Cho nên, an toàn thực phẩm phải đảm bảo ở tất cả các khâu trong chuỗi" – Phó chủ tịch nhấn mạnh.

9 tháng năm 2022, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tăng cường kiểm tra đột xuất việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở các nhóm có nguy cơ cao như bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Ban quản lý đã phát hiện trên 2.600 cơ sở vi phạm những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Xử phạt 633 đơn vị với tổng số tiền 9,6 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 12,8 tấn sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Công tác kiểm tra được diễn ra thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các nhóm sản phẩm nguy cơ cao.

9 tháng năm 2022: TPHCM phát hiện hơn 2.600 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Phát hiện hơn 2.600 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm tại TPHCM trong 9 tháng 2022. 

So sánh về công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong giai đoạn 2015-2016 với giai đoạn 2017-2022, có sự gia tăng về số cơ sở được thanh kiểm tra nhưng giảm về số cơ sở vi phạm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ: “Việt Nam còn thiếu các quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng thực phẩm, hàng chế biến từ nông sản. Vì thế, cơ quan chức năng thiếu cơ sở pháp lý để xử phạt các trường hợp sản xuất thực phẩm giả, không đảm bảo về chất lượng”. 

Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh, phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nên chuyển thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định.

Bình luận