Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế và khu vực trong quản lý rác thải bền vững

(VOH) – Ngày 30/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức Phiên họp về “Không rác thải - giải pháp đột phá để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.”

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về việc mỗi năm có 2 tỷ tấn rác thải rắn, trong đó 33% không được xử lý đúng cách, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước, không khí và đất trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký kêu gọi sử dụng tiết kiệm nguyên liệu khi sản xuất, quản lý rác thải hợp lý trong vòng sản xuất và tăng thời gian sử dụng các sản phẩm, đầu tư vào hệ thống và chính sách quản lý rác thải, khuyến khích người dân tái sử dụng và tái chế mọi đồ dùng, từ chai nhựa đến đồ điện tử, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn và không rác thải.

Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế và khu vực trong quản lý rác thải bền vững 1
Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rõ không rác thải là một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu giảm phát thải 15% khí nhà kính trên tổng thu nhập quốc dân và tái sử dụng, tái chế và xử lý 85% lượng rác thải nhựa và giảm 50% lượng rác thải nhựa ra biển và đại dương.

Việt Nam cũng xây dựng Chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương với mục tiêu giảm 75% đến năm 2030.

Để đạt “không rác thải,” đại diện Việt Nam cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện, toàn xã hội với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về vấn đề rác thải, khuyến khích người dân xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Trong quá trình này, hợp tác quốc tế và khu vực vô cùng quan trọng, nhất là hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ để đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, quản lý rác thải hiệu quả và thân thiện với môi trường, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Cộng đồng quốc tế cũng cần xem xét xây dựng một khuôn khổ pháp lý về quản lý và xử lý rác thải để đạt được mục tiêu không rác thải.