Vụ thu hồi đất ở Nông trường Cao su Bời Lời (Bài 1)

(VOH) – Các hộ dân cho rằng chính quyền địa phương thu hồi đất là chưa hợp tình, hợp lý, còn chính quyền địa phương thì khẳng định việc thu hồi đất đang canh tác của người dân là đúng.

Liên quan đến vụ việc thu hồi khu gần 150 hecta đất cao su tại rạch ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, Thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, trong đó bà Huỳnh Thị Lan Phương, người chủ 50 hecta và cũng là bị đơn trong vụ việc thu hồi đất ở đây đã có đơn cầu cứu gửi đến đường dây nóng của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH), qua tìm hiểu, phóng viên VOH có bài phản ánh trước đó về số phận của hàng chục gia đình công nhân cạo mủ tại lô cao su 50 hecta này nếu chính quyền địa phương thu hồi đất. 

Điều đáng nói là không chỉ một mình bà Phương sắp bị thu hồi mà còn có nhiều hộ dân đã bị thu hồi trước đó liên quan đến hợp đồng ký với Nông trường Cao su Bời Lời mà không được hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng. Trong khi các hộ dân cho rằng chính quyền địa phương thu hồi đất là không hợp tình, hợp lý, còn chính quyền địa phương thì khẳng định việc thu hồi đất đang canh tác của người dân là đúng.

Theo hợp đồng thoả thuận đã ký giữa người dân với Nông trường Cao su Bời Lời (nay là Công ty TNHH MTV Cao su 30/4 Tây Ninh) vào thời điểm năm 1997 với thời hạn giao đất trồng cây cao su cho các hộ dân là 50 năm. Đến năm 2005 bà Bùi Thị Huệ ở Củ Chi có làm hợp đồng nhận sang nhượng lại của 4 hộ dân (kí trực tiếp với Nông trường cao su Bời Lời) tổng cộng 10 hecta đất trồng cao su để tiếp tục khai thác. 

Dân nói sai chính quyền bảo đúng nên kiện dân
Bà Bùi Thị Huệ (giữa) bị thu hồi 10 hecta cao su, hơn 5 năm qua vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng. 

Theo bà Huệ thời điểm đó mỗi hecta trị giá khoảng 200 triệu đồng, gia đình bà phải vay mượn bà con, bạn bè để đầu tư vào cây cao su vì nghĩ thời gian giao đất còn dài, tuy nhiên đến thời điểm năm 2017, 2018 thì UBND huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) ra thông báo chấm dứt và không gia hạn việc cho thuê đất tại khu gần 150 héc ta ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, Thị xã Trảng Bàng. Việc ra thông báo này đồng nghĩa thu hồi đất của tất cả các hộ dân nào đã lỡ ký hợp đồng với Nông trường Cao su Bời Lời trước kia, trong đó có bà Huệ. 

Bà Huệ tâm tư: “Tôi cứ tưởng hợp đồng thuê đất còn dài hạn nên mới bàn với gia đình gom góp tiền bạc, vay mượn để xuống thêm đợt giống cao su mới. Nào ngờ sau khi làm đất xuống giống thì Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng không cho làm nữa, kể cả trồng cây giống ngắn ngày như khoai mì để có cái thu nhập và hoàn lại vốn đã đầu tư cũng không được, chính quyền địa phương bắt phải để đất trống, mặc dù thời hạn giao đất còn hơn cả chục năm nữa mới hết hạn”. 

Một quyết định thu hồi đất thiếu lý thiếu tình ở Trảng Bàng, Tây Ninh

Sau khi trả lại đất cho địa phương thì bà Huệ được cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng hứa sẽ xem hỗ trợ, nhưng đến thời điểm hiện nay đã hơn 5 năm trôi qua cũng chưa nhận được phản hồi từ phía chính quyền địa phương. Nợ thì phải trả cho người ta, thu nhập từ cây cao su nay cũng không còn, từ một người làm chủ, bà Huệ nay phải đi cạo mủ cao su để kiếm sống.

Bà Huệ nghẹn ngào nói: "Từ khi làm cao su thì tôi nghỉ làm xí nghiệp để về tập trung cho cây cao su, vì nó là nguồn thu nhập chính. Từ khi bị thu hồi đất không còn cây cao su nữa thì đi cạo mướn cho người ta cho đến nay. Tôi còn trẻ thì có thể còn cạo mủ mướn cho người ta được, còn những người mua chung thì đã ngoài 60 tuổi nên không còn sức khoẻ để đi làm, công việc này chỉ khi còn sức khoẻ chứ già rồi thì chịu chứ đâu có lương hưu như những công việc khác, họ rất là khổ. Tất cả đều dựa vào đó là nguồn sống của gia đình, nhưng đến một ngày, chính quyền địa phương lấy lại đất thì tôi rất hụt hẫng, cũng mong chờ hoài mà không thấy phản hồi từ phía chính quyền địa phương”.

Dân nói sai chính quyền bảo đúng nên kiện dân 2
Ông Nguyễn Quang Bội, người có 4 hecta cao su bị thu hồi mà không được bồi thường liên quan đến Nông trường cao su Bời Lời.

Diện tích cao su ít hơn bà Huệ, nhưng trường hợp của ông Nguyễn Quang Bội, sinh 1954, cư ngụ tại ấp Chợ Cũ, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cũng ký hợp đồng giao 2 hecta đất trồng cao su từ Nông trường Cao su Bời Lời đến thời hạn năm 2042 mới hết hạn hợp đồng trả đất. Khoảng thời gian năm 2008 đến 2010 ông Bội nhận chuyển nhượng của người khác thêm 2 hecta đất cao su với số tiền tính tại thời điểm đó hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2015 huyện Trảng Bàng ra thông báo thu hồi toàn bộ 4 hecta đất mà ông Bội đang canh tác.

Ông Bội chia sẻ: “Vất vả lắm mấy chú ơi, hồi tôi kí hợp đồng với Nông trường Cao su Bời Lời cũng tiền vay mượn, dành dụm từ mấy cay cao su mà tui mới có chút vốn, mượn thêm chút đỉnh để mua thêm 2 hecta… tất cả đều đổ vào cây cao su, nhưng nay bị thu hồi mà không có hỗ trợ hay đền bù gì hết tôi thấy không thoả đáng, từ lúc đó tới giờ hai vợ chồng già chỉ sống nhờ tiền hỗ trợ thương bệnh binh, chất độc da cam của tui chứ có thu nhập gì nữa đâu”. 

Theo ông, thì nếu nhà nước có chủ trương chính sách đúng thì mình tuân thủ, bởi ông cũng từng là quân nhân nên hiểu rõ, còn đằng này chính quyền địa phương ra quyết định thu hồi đất chưa hợp tình, hợp lý, bởi thời hạn hợp đồng vẫn còn mà cứ thu hồi lại không lý do nào hết cho nên ông thấy không thỏa đáng, ông Bội nói: “Tôi thấy vậy là không công bằng cho người dân, người lao động, chính quyền địa phương làm vậy là hơi lấn dân, bởi có giấy tờ hợp đồng chứng nhận của chính quyền đàng hoàng vậy mà thu hồi trắng, như thế không thoả đáng, không chỉ tôi mà các hộ dân bị thu hồi cũng bức xúc, mình đầu tư rồi chờ ngày thu hoạch mà giờ chính quyền cắt ngang vậy thì mình đâu có nguồn thu gì nữa”.

Trảng Bàng - Tây Ninh: Dân khiếu nại bỗng trở thành bị đơn!

Cùng trường hợp thu hồi đất trồng cao su trên, bà Huỳnh Thị Lan Phương, cư ngụ quận 1, TPHCM là người ký hợp đồng kinh tế với Nông trường Cao su Bời Lời với diện tích 50 hecta đất trồng cao su cũng đang “nằm trong diện sắp bị thu hồi” bởi các Thông báo của thị xã Trảng Bàng và quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh (cụ thể là Quyết định số 1062 ngày 07/11/2001 của UBND tỉnh Tây Ninh). 

Theo chia sẻ của những người công nhân cao su lớn tuổi ở khu 50 hecta thì hơn 20 năm trước bà Phương là một trong những người tiên phong về trồng cao su ở Trảng Bàng, Tây Ninh, lúc đó đất trên Nông trường Cao su Bời Lời vẫn còn hoang hoá, chính bà đã dày công vun đắp khu cao su 50 hecta xanh tốt như ngày nay. Bà Huỳnh Thị Lan Phương chia sẻ, để có những thành quả như hôm nay là cả một quá trình dài của bản thân bà và những người công nhân, gia đình người công nhân gắn bó xuyên suốt hàng chục năm qua, phải đánh đổi bằng sức lao động, mồ hôi, nước mắt mới có được.

Chính cái tình, cái nghĩa ở khu cao su 50 hecta, mà bà Phương và những “gia đình công nhân cao su” ở đây khó có thể chấp nhận việc thu hồi đất một cách vô lý của chính quyền địa phương, mà cụ thể là các thông báo thu hồi đất của UBND Thị xã Trảng Bàng và Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Tây Ninh, bà Phương bức xúc nói: “Khi tôi ký hợp đồng giao thuê đất với Nông trường Cao su Bời Lời, đó là một pháp nhân của nhà nước có pháp lý rất rõ ràng, có việc gì cũng phải trao đổi với tôi, chứ không phải làm thinh như vậy rồi ra quyết định thu hồi là không được, vì đất tôi còn thời hạn hợp đồng canh tác, hàng ngày công nhân vẫn hoạt động bình thường. Cho đến thời điểm này tôi thật sự bức xúc, vì nếu chính quyền tỉnh Tây Ninh có nhu cầu cần quỹ đất của tôi thì phải có sự đàm phán với tôi theo đúng quy định của pháp luật, phải đền bù như thế nào đó cho thoả đáng giữa đôi bên thì tôi sẽ tuân thủ. Nhưng vấn đề ở đây là chính quyền địa phương chưa có sự đàm phán mà lại muốn thu hồi đất của tôi, đó là điều tôi cảm thấy bức xúc và không có công bằng đối với người dân”.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Duy Cảnh, đoàn luật sư TPHCM thì cơ sở pháp lý thu hồi đất không đúng quy định pháp luật. UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, là do giảm nhu cầu sử dụng đất… (trích theo khoản 1, Điều 26, Luật Đất đai năm 1993) là không đúng với thực trạng sử dụng đất. “Giảm nhu cầu sử dụng” phải được hiểu là không có ai khai thác, gây lãng phí thì mới bị thu hồi. Đối với phần diện tích đất bà Phương đã được nông trường ký Hợp đồng giao khoán đất đúng pháp luật, đang được bà Phương trực tiếp trồng và khai thác, thì không thể được xem là không sử dụng hết, giảm nhu cầu sử dụng để thu hồi. Hiện nay, trên mảnh đất này, bà Phương đang sử dụng để trồng cây cao su với nhiều lao động tại địa phương.

Luật sư Trần Duy Cảnh cho biết thêm: “Chúng tôi thấy Quyết định số 1062 ngày 07/11/2001 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc thu hồi 939,06 hecta đất của Nông trường Cao su Bời Lời thì có một số điểm không có căn cứ pháp luật cơ bản như sau: Đầu tiên là nhầm lẫn về đối tượng bị thu hồi. Cụ thể, trong Quyết định này có ghi rõ nội dung là “đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời”, không phải là bà Huỳnh Thị Lan Phương. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Lan Phương là người được trực tiếp khai thác theo Hợp đồng giao khoán với nông trường và là người bị ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi. Cần phải khẳng định rõ là, nông trường thực hiện giao khoán khai thác đất cho bà Lan Phương là đúng theo quy định pháp luật của Chính phủ tại thời điểm đó. Như vậy, bà Lan Phương phải là đối tượng bị thu hồi đất và do vậy phải giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp với bà Lan Phương, chứ không phải với nông trường. Nhưng trong Quyết định 1062 của UBND tỉnh Tây Ninh đã phớt lờ, không đưa bà Lan Phương, để giải quyết quyền lợi hợp pháp cho bà là không đúng thực tế sử dụng đất và quy định của pháp luật”.

Theo những người dân nằm trong diện đã thu hồi và đang bị thu hồi đất trồng cao su có liên quan đến Nông trường Cao su Bời Lời, thì họ đang mong chờ câu trả lời thoả đáng từ Chính quyền địa phương nhiều năm nay là “có đền bù, hỗ trợ hay không” khi mà thời hạn sử dụng đất của họ vẫn còn nhưng bị thu hồi một cách vô lý.

Riêng trường hợp khu 50 hecta cao su của bà Huỳnh Thị Lan Phương chúng tôi liên hệ với UBND thị Xã Trảng Bàng, đại diện UBND thị xã bà Hồ Thị Khoa, Phó chánh Văn phòng thị xã cho biết chính quyền địa phương đã có đơn khởi kiện bà Huỳnh Thị Lan Phương lên toà án tỉnh Tây Ninh và đang đợi kết luận của toà và không trả lời gì thêm.

Chúng tôi tiếp tục theo dõi và thông tin về nội dung này khi có phản hồi từ chính quyền địa phương.