Chờ...

Vùng Cảnh sát biển 3 tập huấn kỹ năng cứu người đuối nước tại huyện đảo Phú Quý

(VOH) - BTL Vùng Cảnh sát biển 3 vừa có buổi tập huấn cho hàng trăm học sinh và ngư dân huyệh đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Buổi tập huấn được diễn ra ngay tại Vịnh Chiều Dương thuộc huyên đảo Phú Quý. Tại đây các cán bộ, chiễn sỹ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã hướng dẫn, thực hành các kiến thức xử lý tình huống và cứu người đuối nước cho các cháu học sinh và ngư dân trong việc cứu bạn đuối nước.

Quang cảnh buổi tập huấn

Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính uỷ BTL Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, đây là một trong những hoạt động mới của mô hình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Hoạt động này đã được tổ chức ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xã ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Thị xã Ninh Hòa,tỉnh Khánh Hòa và hôm nay chúng tôi tổ chức tại huyện đảo Phú Quý.

Việc trang bị kỹ năng học sinh cứu học sinh khi bị đuối nước tuy chỉ mới được triển khai, nhưng đã tạo được hiệu ứng tốt, sự đồng tình trong cộng đồng xã hội. Trong thời gian tới, để chuyên đề này được triển khai rộng rãi, tiếp cận được các em rất cần sự chung tay góp sức của chính quyền các địa phương và đơn vị có liên quan để góp phần kéo giảm tình trạng tử vong, tử vong tập thể ở lứa tuổi học sinh liên quan đến đuối nước.

Tại buổi tập huấn, trong quá trình trao đổi, các em học sinh, thậm chí nhiều người ngư dân sống tại biển nhưng vẫn chưa nắm rõ các bước cứu người bị đuối nước. Nhiều em cho rằng điều đầu tiên khi thấy bạn bị đuối nước, lao ra cứu ngay, trong khi thực tế, việc la to, gọi người lớn đến hỗ trợ hoặc ném phao cứu hộ cho người bị nạn mới là điều cần nên làm.

Thực hành cứu người đuối nước

Thực hành sơ cứu người bị đuối nước

Tại Buổi tập huấn các cán bộ chiến sỹ BTL Vùng CSB 3 cũng đã khuyến cáo học sinh và ngư dân: Khi thấy nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, điều cần làm là ném cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Đặc biệt không nên cứu người nếu bản thân bơi không giỏi. Ngay cả người biết bơi cũng phải biết cách khống chế nạn nhân vì trong tình trạng hoảng loạn, nạn nhân dễ níu chặt người cứu nạn.

Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh dưới nước, nên tìm mọi cách nhanh chóng đưa người đuối nước vào bờ và tiến hành cấp cứu tại chỗ. Nạn nhân ban đầu có thể để nghiêng để nước chảy ra, sau đó đặt ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Ở trường hợp nạn nhân không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào, phải ấn tim.

Người sơ cứu dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng. Cách này cần 2 người phối hợp, nhưng nếu chỉ có một người, ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Việc làm này cần thực hiện liên tục kéo dài, đồng thời gọi cấp cứu hoặc người có chuyên môn đến giúp.