Xe buýt: "trợ" nhiều mà không hiệu quả

(VOH) - Trong buổi thảo luận tại hội trường sáng nay 7/12, một tồn tại dai dẳng qua các kỳ họp HĐND tiếp tục được mổ xẻ là trợ giá xe buýt.

Trợ giá ngược

Theo một số đại biểu, người dân chọn xe buýt là do không thể chọn phương tiện nào khác chứ không phải vì hài lòng. Đồng thời, cách trợ giá đang tính trên giá đầu vào, tức là trợ giá cho doanh nghiệp chứ không phải cho người sử dụng, do đó không tạo ra động lực cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng để cạnh tranh.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, đề xuất: "Sở Giao thông Vận tải và thành phố cần có cách tính trợ giá trên kết quả đầu ra, tức là trợ giá trực tiếp cho người sử dụng xe buýt. Giải pháp này dựa trên 3 yếu tố: tổng lượng hành khách vận chuyển, số hành khách trợ giá và phần trăm trợ giá.

Nếu chúng ta làm bài toán ngược này thì sẽ có hiệu quả tác động ngược trở lại, đó là số lượt hành khách sẽ tăng lên vì doanh nghiệp khi cạnh tranh sẽ cải tiến chất lượng và hành khách thậm chí có thể chấp nhận một mức giá cao hơn (nhưng vẫn thấp hơn so với chi phí tự đi lại bằng xe máy).

Bên cạnh đó, lượng hành khách tăng lên tức là lượng khách hàng tiềm năng của các nhãn hàng tăng lên thì các nhãn hàng cũng đầu tư mạnh hơn vào quảng cáo trên xe buýt và các trạm chờ".

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu HĐND, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, nhắc nhở Sở Giao thông Vận tải hứa hoài, nhưng bao nhiêu năm vẫn chưa đổi mới phương thức trợ giá.

Bà Tâm yêu cầu: "Mỗi năm, hàng ngàn tỷ đồng đầu tư, vậy hiệu quả ra sao để thu hút lượt người đi xe buýt? Đánh giá trong một số năm qua thì cứ năm sau giảm hơn năm trước. Đề nghị Sở Giao thông Vận tải có một số ý kiến".

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường phát biểu trong phiên làm việc

Nguyên nhân là thủ tục?

Dù tốn hàng ngàn tỷ đồng trợ giá nhưng số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP cho thấy số người dân đi xe buýt giảm qua từng năm.

Nguyên nhân được cho là từ khi tái lập hệ thống vận tải công cộng (năm 2012), có 1 giai đoạn không đầu tư gì thêm dẫn đến sản lượng rơi tự do trong 3 năm qua. Bên cạnh đó, chính sách hạn chế xe cá nhân vẫn chưa thực hiện được.

Về việc triển khai chậm trong thay đổi phương thức trợ giá xe buýt, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP lý giải: "Mấu chốt là phải trợ giá thẳng cho người sử dụng. Để làm được việc này thì phải đưa vé điện tử thông minh cũng như nghiên cứu chính sách đồng bộ với vé điện tử thông minh.

Chậm là do chúng tôi đã trình dự án hợp tác công tư, không dùng ngân sách của thành phố để đầu tư xe buýt. Trước đây dự kiến có thể trong năm nay là thực hiện được. Tuy nhiên, qua đánh giá, đây là việc phải ứng dụng công nghệ tiên tiến nên Ủy Ban quyết định đấu thầu quốc tế và đấu thầu quốc tế thì khâu chuẩn bị phải lâu hơn, dự kiến đến tháng 4 tháng 5 năm sau (2017) sẽ có nhà thầu để thực hiện".

Thành phố đang khai thác 142 tuyến xe buýt, trong đó 107 tuyến trợ giá và 35 tuyến không trợ giá. Sản lượng xe buýt trong năm 2016 dự kiến giảm 1% so với 2015 và đây là năm thứ 3 liên tiếp giảm.