Xem xét áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

(VOH) - Sáng nay 25/5, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Các đại biểu cũng nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương và thảo luận ở hội trường về một số ý kiến khác nhau của Luật này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Luật Quản lý nợ công đã được thông qua từ năm 2009. Sau đó, Chính phủ, ban ngành liên quan đã ban hành 6 Nghị định, 11 Quyết định, 22 Thông tư và thông tư liên tịch để hướng dẫn, thi hành luật trong hoạt động quản lý, điều hành liên quan.

Qua hơn 6 năm thực hiện Luật đã góp phần quan trọng trong huy động vốn vay cho bù đắp bội chi ngân sách của Nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương huy động vốn vay phát triển KTXH, tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt thông qua hình thức Chính phủ bảo lãnh và cho vay lại.

Luật Quản lý nợ công cũng tạo điều kiện cho công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ Chính phủ đầy đủ, đúng hẹn. Năm 2016, chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép.

Nợ công ở mức 63,7%GDP, nợ Chính phủ ở mức 52,6%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3%GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách nhà nước.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2010. Sau khi đi vào hoạt động, luật này đã xác lập cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong huy động và sử dụng nợ công.

Ngay sáng nay, các đại biểu cũng nghe Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày về Luật Quản lý ngoại thương.  Luật này có 8 chương 17 điều, quy định các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương.

Nhiều chương và điều khoản của dự thảo luật được đại biểu quan tâm là tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa, biện pháp phòng vệ thương mại.

Bình luận