Xuất khẩu xanh - “Luật chơi” mới của thương mại toàn cầu

(VOH) - Để không bị loại khỏi các thị trường nhập khẩu, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu xanh” mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu, hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Diễn đàn

"Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định, nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới.

Xuất khẩu xanh - “Luật chơi” mới của thương mại toàn cầu 2
Toàn cảnh hội nghị.

10 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch đạt gần 620 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất siêu 9,4 tỷ USD). Dự kiến, cả năm đạt 750 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm trước và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn; lạm phát gia tăng; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy,... dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.

"Đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn để kịp thời cập nhật thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, đặc biệt về  kinh tế “xanh”, thương mại “xanh”, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng... để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Xem thêm: Nhu cầu mua sắm cuối năm tăng, doanh nghiệp dự trữ thêm 30% nguồn hàng

Tại Diễn đàn, các diễn giả nhận định, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh của Việt Nam không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.

Bình luận