Dự báo: Năm 2022 tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng 7%

(VOH) - Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế VN năm 2022, 2023.

IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN.

Đây là một trong những thông tin tích cực về tình hình kinh tế được đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 vào chiều 1/12.

kinh tế
Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng (Ảnh: HL)

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế xã hội nước ta tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%; Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số IIP tháng 11 tăng 0,3% so tháng trước, tăng 5,3% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 8,6% so cùng kỳ.

Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tăng, tháng 11 tăng 2,6% so với tháng trước; tổng 11 tháng đạt gần 5,2 triệu tỷ, tăng 20,5% cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 11 tăng 23,2% so tháng trước; 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt, tăng 21 lần so với cùng kỳ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm.

Theo Thủ tướng, việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng...

Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.

Theo Thủ tướng, phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỷ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát; đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...; chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Xem thêm: Dịp Tết: TPHCM cần 370.000 tấn rau củ quả nhưng 80% phải nhập từ các tỉnh thành khác


Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm; không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán…

Bình luận