Tuy nhiên, xu hướng này đang dần bị thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, quay lưng.
Khảo sát mới đây của công ty bảo hiểm Nippon cho thấy 56,4% người lao động Nhật Bản cho rằng nominication không còn cần thiết, trong đó 55,7% thuộc thế hệ Gen Z.
Việc nhậu nhẹt sau giờ làm việc từng được coi là cách để nhân viên gắn kết và cởi mở với nhau hơn. Người Nhật tin rằng những cuộc trò chuyện trong bàn nhậu thường chân thành và thoải mái hơn khi không bị áp lực công việc chi phối.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nominication giống như một mệnh lệnh ngầm hơn là thú vui thực sự. Thay vì tận hưởng, họ cảm thấy như đang làm thêm giờ mà không được trả lương. Nhiều nhân viên văn phòng gặp khó khăn khi từ chối lời mời của sếp hoặc đồng nghiệp vì sợ bị coi là thiếu hòa đồng. Thậm chí, các buổi nhậu đôi khi trở thành nơi để sếp phàn nàn, đồng nghiệp khoe khoang hoặc nói xấu nhau, khiến không khí trở nên gượng gạo và mệt mỏi.
Theo khảo sát, 48,3% người tham gia cho rằng nominication là hình thức xã giao không tự nhiên. Khoảng 33,7% cảm thấy giống như bị ép làm thêm giờ và 28,8% không thích uống rượu.
Đặc biệt, khi được hỏi “Bạn có muốn làm việc ở công ty có văn hóa nominication không?”, 70,2% người trả lời là không. Điều này đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng một văn hóa giao tiếp mới, không dựa vào rượu bia.
Khảo sát cũng cho thấy số người phản đối nominication tăng đều theo từng năm. Các nhà nghiên cứu nhận định đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng này, khi làm việc tại nhà và hạn chế các buổi tụ tập đã giúp nhân viên quen dần với việc giao tiếp mà không cần rượu bia.
Mặc dù tỷ lệ phản đối nominication tăng cao, 87,1% nam giới và 87,7% nữ giới vẫn thừa nhận rằng việc tham gia các buổi nhậu nhẹt giúp công việc diễn ra suôn sẻ hơn. Điều này cho thấy dù xu hướng từ chối văn hóa nhậu nhẹt công sở đang lên ngôi, không thể phủ nhận rằng đây từng là cách hiệu quả để tạo dựng mối quan hệ trong môi trường làm việc.
Tuy nhiên, với sự thay đổi trong tư duy của thế hệ trẻ, người Nhật dần hướng tới việc xây dựng các mối quan hệ công sở trong trạng thái tỉnh táo và lành mạnh hơn. Điều này không chỉ giúp cân bằng cuộc sống cá nhân mà còn góp phần thay đổi văn hóa giao tiếp công sở theo hướng tích cực hơn.