Trong những ngày đầu năm, một tin vui và thú vị cho giới công nghệ chính là ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer) - một sản phẩm Chatbot AI của Công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ, mà tác giả chính là CEO của Công ty (Sam Altman).
Điều thú vị nhất của ChatGPT chính là tốc độ và khả năng xử lý ngôn ngữ của ứng dụng này. ChatGPT có thể giao tiếp với người dùng gần như con người ở khả năng nghe, hiểu, trả lời và hỏi lại chúng ta như những “đối tác” trong giao tiếp thật (dựa trên công nghệ AI).
Theo CBS news, ChatGPT mới ra mắt công chúng vào cuối tháng 11/2022 nhưng đã thu hút được khoảng 57 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trong tháng đầu tiên ra mắt và tính đến ngày 31/1/2023 đã xấp xỉ có khoảng 100 triệu người dùng.
Cho đến nay, đây là ứng dụng phát triển người dùng nhanh nhất. Để dễ so sánh, bạn có thể nhìn sang ứng dụng TikTok, Instagram hay Google Translate. Để có được cột mốc 100 triệu người dùng, TikTok mất khoảng 9 tháng kể từ sau khi ra mắt, Instagram mất khoảng 2 năm rưỡi, trong khi Google Translate mất tới 6 năm rưỡi.
PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh - Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) đánh giá: “Đây là một kết quả nghiên cứu ứng dụng của AI rất thành công cả về kỹ thuật, tốc độ xử lý dữ liệu và tính hấp dẫn của sản phẩm cuối ở mức độ đáng “kinh ngạc””.
Hiện sinh viên và các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực trên khắp thế giới đang háo hức thử nghiệm các tính năng của ChatGPT như viết bài luận, soạn tài liệu. Một số lãnh đạo công ty thậm chí còn chia sẻ rằng họ đã thử sử dụng ChatGPT để tạo chiến lược kinh doanh.
Đồng thời, sự phổ biến ngày càng tăng của công nghệ đột phá đang làm dấy lên mối lo ngại xung quanh các loại công việc mà nó có thể thay thế khi ngày càng có nhiều người sử dụng AI để viết mã máy tính, tóm tắt văn bản và thực hiện các nhiệm vụ khác mà trước đây chỉ do con người thực hiện...
PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh cho rằng, tương lai của ứng dụng này có thể sử dụng trong các dịch vụ tư vấn tự động, hỗ trợ thông tin, dịch vụ thông tin... rất hiệu quả. Điều này có thể gây ra thất nghiệp cho những người làm việc trong những công việc nói trên.
“Tuy nhiên, dù có tiện ích, chính xác, hỗ trợ nhanh chóng cho người dùng, thì ứng dụng này vẫn do con người tạo ra. Nó có thể “chiếm lấy” việc làm trong một số vị trí của con người, nhưng lại tạo ra vô vàn những việc làm khác, ngành nghề khác, dịch vụ khác, nơi mà con người có thể không thực hiện được trong những môi trường khắc nghiệt” - PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh nêu ý kiến.
Nhà phân tích cổ phiếu của UBS, Lloyd Walmsley nói với CBS MoneyWatch, ông đã dựa vào công cụ này để tiến hành nghiên cứu liên quan đến AI. Tuy nhiên, Lloyd cho rằng, sự phát triển của ChatGPT có một yếu tố “hơi đáng sợ” về khả năng tác động tới những người lao động tri thức ở trình độ kỹ năng thấp hơn.
Đọc thêm: Thẩm phán Colombia sử dụng ChatGPT trong phán quyết
ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5, một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, được tinh chỉnh bằng cả kỹ thuật học tăng cường lẫn kỹ thuật học có giám sát.
PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh cảm thấy thú vị vì khả năng nghiên cứu ứng dụng AI vào thực tế đã dần tiệm cận với suy nghĩ và hành động của con người – và đưa ra đánh giá “trong tương lai, khi sự phát triển của công nghệ phần cứng, thiết bị máy chủ còn hiện đại hơn nữa, tốc độ xử lý còn nhanh và vượt trội hơn, thì thông tin dữ liệu sẽ được xử lý nhanh hơn, đáp ứng tức thời (thậm chí có thể còn nhanh hơn cả suy nghĩ của con người).
Lúc đó, sẽ có nhiều ứng dụng rộng mở hơn, thú vị hơn, nhanh chóng hơn và chính xác hơn cả ChatGPT như hiện nay. Chính điều đó, luôn kích thích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các thầy cô tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung, Khoa học máy tính và AI nói riêng sẽ cho ra những sản phẩm công nghệ vượt bậc hơn nữa để có thể chinh phục những thách thức, khắc nghiệt của thiên nhiên và quay lại phục vụ cho chính con người.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh, thay vì lo lắng vì tình trạng thất nghiệp thì chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, làm việc để tạo ra nhiều sản phẩm, mà điều khiển chúng, lập trình cho chúng để phục vụ tốt hơn cho con người, thay vì những mục tiêu ngược lại.