Đặt hàng các giải pháp công nghệ quản lý chợ truyền thống

(VOH) - Tại hội thảo, nhiều quận, huyện mang đến nhu cầu đặt hàng của mình, trong đó nổi bật như giải pháp công nghệ để quản lý chợ truyền thống, giải pháp chatbox tiếp công dân...

Sáng 28/5, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến chủ đề Kết nối cung cầu giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Đặt hàng các giải pháp công nghệ quản lý chợ truyền thống 1
Bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở KHCN TPHCM phát biểu tại hội thảo

Nhiều giải pháp công nghệ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số trong khu vực công được các đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ. Cũng tại hội thảo, nhiều quận, huyện mang đến nhu cầu đặt hàng của mình, trong đó nổi bật như giải pháp công nghệ để quản lý chợ truyền thống, giải pháp chatbox tiếp công dân... Vấn đề trên được các bên cung và cầu thảo luận, đi đến các kết nối lâu dài.  

Xây dựng một công cụ quản lý hoạt động chợ truyền thống trên địa bàn, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện nhiệm vụ, tăng hiệu quả quản lý hoạt động cơ bản tại các chợ, là yêu cầu mà quận Phú Nhuận đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp. Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Phú Nhuận cho biết: “Yêu cầu về tính năng của App này là quản lý số lượng điểm kinh doanh theo sơ đồ tại chợ, kể cả thông tin chi tiết về các khoản phí, giá thuê tại từng điểm kinh doanh. Nội dung yêu cầu này là có phân quyền. Tiếp theo là, quản lý được thương nhân, loại nhóm hàng hóa đang kinh doanh tại điểm kinh doanh, tải lên hình ảnh thương nhân, hàng hóa….Thông tin cập nhật kịp thời dễ quản lý, hỗ trợ thông tin vị trí người kinh doanh, sản phẩm kinh doanh, để người tiêu dùng, khách du lịch dễ dàng tìm hiểu và liên hệ mua sắm. Nội dung này có thể phân quyền cho thương nhân nhập, cơ quan quản lý sẽ quản lý được nội dung này”.

Bày tỏ sự đồng tình với nhu cầu cần có ứng dụng để quản lý chợ truyền thống, theo bà Thái Thị Mai Trân, Phó trưởng phòng kinh tế quận Tân Phú, quận cũng xác định phát triển công nghệ thông tin là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính. Thời gian qua, quận đã có nhiều mô hình ứng dụng Khoa học và Công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngày càng ý thức hơn về vai trò của pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Để việc hỗ trợ hướng dẫn pháp lý tốt hơn cho người dân, quận Tân Phú đang nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động hỗ trợ: đó là Chatbox – thay thế cho nhân viên để tư vấn trả lời những thắc mắc của người dân.

Bà Thái Thị Mai Trân cho hay:“Ứng dụng Chatbox sẽ giúp việc hỗ trợ pháp lý cho hộ kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả, qua đó tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh, tạo lập  các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp cho các hộ kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của các hộ kinh doanh, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật ”

Từ những yêu cầu đặt hàng này, ngay tại hội thảo, các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, các đơn vị cũng đã nhanh chóng kết nối, thảo luận sâu thêm về các yêu cầu, đề xuất của các đơn vị quận, huyện.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và có giải pháp biến chợ truyền thống thành chợ hiện đại, chúng ta phải dùng công nghệ để chuyển đổi số. Vì vậy, với những yêu cầu như hai Phòng kinh tế vừa đề cập, chúng tôi đã có nghiên cứu và phương án, mong muốn tìm đơn vị để hợp tác triển khai, chúng tôi cũng đã có bài toán cụ thể”. Tham gia trực tuyến từ Hà Nội, ông Vũ Cường, đại diện công ty A4I  nêu ý kiến.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc điều hành công ty cổ phần Titkul cũng chia sẻ: “Để tạo thành hệ thống chợ thông minh, chúng ta cần phải quản lý được bộ data (dữ liệu) từ người cung ứng đến người bán ra sản phẩm. Hiện tại, giải pháp bên mình đã đưa ra một ứng dụng dành cho người dùng, đó là có thể đặt hàng trực tiếp để giảm bớt lượng người đi chợ.Thứ hai, về thẩm định nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, sản phẩm, báo cáo thống kê cho cơ quan quản lý hoặc các đơn vị cần thống kê lại mặt hàng…chúng tôi cũng đã tạo ra được một Platform (nền tảng) cơ bản”

Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:“Sở Khoa học và Công nghệ mong muốn sẽ là cầu nối giữa các quận, huyện cũng như các sở, ngành trong chương trình đổi mới sáng tạo khu vực công, chuyển đổi số trong khu vực công cũng như doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn nhìn thấy được nhu cầu của các quận, huyện khi chúng ta đặt hàng. Sau đấy, chúng tôi sẽ kết nối với các đơn vị công nghệ để tạo kết nối cung – cầu như thế này, để các bên ngồi lại với nhau để cùng tạo ra một mô hình chuẩn, platform chuẩn để có thể triển khai được cho các quận huyện”.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ được Ủy ban nhân dân Thành phố giao tham mưu các nhiệm vụ về chuyển đổi số bao gồm: Kế hoạch phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ phục vụ chuyển đổi số, Quy chế hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo (sandbox), Hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số. Các kế hoạch, chính sách vẫn đang trong giai đoạn trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.