Điện sạch và tín hiệu khả quan

(VOH) - Năm 2021, có 50 quốc gia trên thế giới có điện gió và điện mặt trời đạt 10% tổng lượng điện tiêu thụ. Đây được xem là tín hiệu khả quan đối với sự phát triển năng lượng sạch trong tương lai.

Sự chuyển dịch ấn tượng

Trong năm 2021, khi các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, thì nhu cầu về năng lượng cũng tăng vọt. Trong đó, nhu cầu về điện năng tăng ở mức kỷ lục, đặc biệt là nhiệt điện - với mức tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1985 đến nay.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu năng lượng và khí hậu EMBER, nhu cầu về điện vào năm ngoái gia tăng tương đương với việc thế giới xuất hiện thêm một quốc gia tỷ dân như Ấn Độ cùng sử dụng điện.

Cũng trong năm 2021, điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác chiếm 38% tổng lượng điện trên toàn cầu. Trong đó lần đầu tiên, điện gió và điện mặt trời tạo ra hơn 10% lượng điện năng toàn cầu và vượt qua công suất của điện hạt nhân, và tăng gấp đôi so với tỷ lệ năm 2015 khi Hiệp định Paris về khí hậu được ký kết.

Các quốc gia có sự chuyển dịch mạnh mẽ và nhanh chóng nhất ở mảng điện gió và điện mặt trời là Hà Lan, Australia và đặc biệt là Việt Nam. Trong 2 năm gần nhất, cả 3 nước này đều chuyển hướng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng sạch, với tỷ lệ tiêu thụ đạt 10%.

Bà Hannah Broadbent thuộc EMBER nhận định: “Hà Lan - quốc gia nằm ở Bắc bán cầu là ví dụ điển hình và tuyệt vời nhất không chỉ về việc tận dụng hiệu quả năng lượng từ Mặt trời, mà còn về các chính sách môi trường phù hợp đã giúp tạo nên những giá trị khác biệt.”

Điện sạch và tín hiệu khả quan
Sản xuất cánh quạt turbin gió để xuất khẩu ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images/BBC

Đặc biệt, Việt Nam cũng là đất nước ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong phát triển năng lượng sạch - đặc biệt là điện mặt trời, với tỷ lệ gia tăng lên đến 300% chỉ trong vòng 1 năm.

“Với trường hợp của Việt Nam, đã có bước tiến lớn trong sản xuất năng lượng từ mặt trời và điều này đến từ việc Chính phủ khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời và Nhà nước sẽ thu mua điện mặt trời tại các hộ gia đình thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các quyết định này đã rất thu hút người dân, và từ đó một số lượng lớn các mô hình điện mặt trời đã được triển khai ngay tại các hộ gia đình. Điều mà chúng ta nhận được không chỉ là sự tăng trưởng của điện mặt trời giúp đáp ứng nhu cầu điện gia tăng, mà còn là sự sụt giảm trong sử dụng các nguồn năng lượng từ than đá và dầu mỏ”, ông Dave Jones - người đứng đầu EMBER cho biết.

Điện sạch và tín hiệu khả quan
Việt Nam là quốc gia có sự tăng trưởng về điện sạch ấn tượng trong năm qua. Việt Nam phấn đấu đạt tổng công suất điện gió 6.000 MW vào năm 2030. Ảnh minh họa.

Điện sạch: Hoàn toàn khả thi 

Theo nghiên cứu của EMBER, hiện nay một số quốc gia tuy có lượng điện mặt trời và điện gió chiếm hơn 50% tổng lượng điện tiêu thụ, song nhiệt điện lại có sự gia tăng kỷ lục trong năm qua - mà Đan Mạch là một ví dụ.

Ngoài ra, một số nước châu Á cũng tăng sản xuất và tiêu thụ các nguồn năng lượng từ than đá là Trung Quốc và Ấn Độ, một phần nguyên nhân do giá dầu và khí đốt của năm ngoái tăng mạnh trên toàn cầu, khiến việc sản xuất điện than là phương án phù hợp hơn.

Tăng trưởng nhu cầu điện nhanh nhất là ở Mông Cổ, Trung Quốc, Bangladesh và điện than đáp ứng một lượng lớn nhu cầu ở tất cả các nước này. Bangladesh là quốc gia duy nhất không có sự tăng trưởng năng lượng sạch. 

Điện sạch và tín hiệu khả quan
Điện than là lựa chọn của nhiều nước trong năm 2021 vì giá thành cho các nguồn năng lượng khác tăng mạnh. Ảnh: Getty Images/BBC

Theo ông Dave Jones, giá dầu và khí đốt hiện nay ở châu Âu và nhiều nước châu Á đã cao hơn đến 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó giá than thì cao hơn 3 lần. Ông cho rằng giá của hai nguồn nhiên liệu này cần có sự điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, còn một lý do khác khiến nhu cầu về điện sạch gia tăng, đó là nền kinh tế của các nước cơ bản đã có sự thay đổi.

Cụ thể, một số nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Anh, Đức và Canada đều đặt mục tiêu trong vòng 15 năm tới sẽ chuyển sang sử dụng 100% điện sạch không phát thải carbon, nhằm hạn chế sự nóng lên trên toàn cầu ở mức nhiệt dưới 1,5 độ C. Để làm được điều đó, các nhà khoa học cho rằng từ đây đến năm 2030, các loại điện gió và điện mặt trời phải đạt được mức tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. Và điều này là “hoàn toàn khả thi” - theo nghiên cứu của EMBER.

Trong tình hình hiện nay, khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra thì nhu cầu phát triển các nguồn năng lượng khác mà không phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga cũng là điều mà hầu hết các quốc gia châu Âu quan tâm. Nga hiện là nước cung cấp đến 40% khí đốt cho các nước châu Âu.

Bà Hannah Broadbent kết lời: “Năng lượng từ gió và mặt trời đã dần được khai thác đúng hướng, là giải pháp cho nhiều vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Và dù với lý do như ứng phó với biến đổi khí hậu hay giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, thì việc phổ biến các nguồn năng lượng sạch vào đời sống đang dần trở thành bước ngoặt thực sự của toàn thế giới.”