Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đầu tư điện mặt trời bền vững tại Việt Nam

(VOH) - Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.

Phần 1: Xây dựng chuỗi cung ứng sử dụng xe điện

Đầu tư năng lượng mặt trời bùng nổ là điểm sáng về phát triển bền vững của Việt Nam

Từ năm 2017 đến 31/12/2020, đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam bùng nổ không chỉ gây bất ngờ với các nhà làm chính sách năng lượng Việt Nam mà còn khiến thế giới kinh ngạc. Trên thế giới, nhìn chung thì các quốc gia phát triển sẽ ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo và Việt Nam, một quốc gia đang phát triển lại vượt lên trước, trở thành một trong ba quốc gia Châu Á Thái Bình Dương đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo: Việt Nam chỉ xếp sau Úc và Nhật Bản.

Hiện nay, cả nước có gần 90 dự án mặt trời đang vận hành, tổng công suất là gần 6.000 MW, chủ yếu tập trung ở miền Nam, cụ thể ở Nam Trung Bộ. Chỉ riêng hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận, tổng công suất đã chiếm tới hơn 42%. Các nhà máy có công suất trong khoảng từ 50-100 MW đóng vai trò quan trọng nhất.

Đầu tư điện mặt trời bền vững tại Việt Nam 1

Trong một thời gian ngắn, bùng nổ đầu tư vào điện mặt trời khiến cho lưới điện tại nhiều khu vực bị quá tải. Kết quả sau đó là nhà điều hành lưới điện buộc phải giảm công suất phát điện của các nhà máy điện mặt trời (kể cả cánh đồng điện mặt trời lẫn điện mặt trời áp mái). Việc điều độ giảm phát lên lưới của nhà điều hành là điều bắt buộc để bảo vệ lưới điện. Tuy nhiên, việc điều độ giảm phát khiến cho các nhà đầu tư dự án điện mặt trời đối mặt với nguy cơ về đảm bảo doanh thu theo phương án kinh doanh của dự án. Dưới đây là một số sáng kiến và giải pháp giúp cho phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam bền vững

Đầu tư điện mặt trời bền vững tại Việt Nam 2
Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch điều hành Pacific Group, đơn vị phát triển dự án năng lượng tái tạo và hạ tầng giao thông với vốn đầu tư Nhật Bản đứng thứ ba từ trái sang, đồng tổ chức một Diễn đàn đầu tư  tại Tokyo, Nhật Bản

Nắng là nguồn năng lượng gần như vĩnh cửu vì theo tính toán của các nhà khoa học, mặt trời có thế tiếp tục chiếu sáng thêm hơn 4 tỉ năm. Tuy nhiên, nắng chỉ chiếu sáng vào ban ngày và nguồn năng lượng này chỉ có thể sử dụng vào ban ngày. Để sử dụng vào ban đêm thì đòi hỏi phải đầu tư hệ thống lưu trữ điện. Trong quy hoạch điện VIII, các nhà làm chính sách có thể tranh thủ cơ chế ‘thuận thiên’ để khuyến khích nhà đầu tư không chỉ đầu tư vào việc lắp đặt tấm quang năng để phát điện mà cần các nhà đầu tư khác hình thành nên một chuỗi cung ứng điện mặt trời khép kín hơn.

Khuyến khích mạnh về phát triển xe điện

Cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ nhóm nhà đầu tư vào phương tiện vận tải sử dụng động cơ điện thay cho động cơ đốt trong. Các nhà máy điện mặt trời sẽ có ‘đầu ra’ chính là trạm sạc ắc quy dùng cho xe động cơ điện. Các ắc quy dự phòng sẽ được luân chuyển, được xe tải điện chở đến nạp đầy ắp vào ban ngày rồi chở về cất lưu kho sử dụng suốt 24/7 để lắp và thay thế ắc quy hết điện của các xe điện. Xây dựng chuỗi cung ứng từ i) nhà máy điện mặt trời (nhà sản xuất điện) đến ii) nhà phân phối ắc quy (bao gồm nhà sản xuất ắc quy và đơn vị logistics) và iii) cuối cùng đến người dùng (chủ phương tiện sử dụng động cơ điện) sẽ giúp nhà đầu tư điện mặt trời quẳng gánh lo thừa công suất phát lên lưới vì lúc này thì nhà đầu tư đã có đầu ra thứ 2 là nhà phân phối ắc quy. Nếu như trước đây, nhà đầu tư điện mặt trời đi một mình, làm một mình để bán điện lên lưới thì ngày nay nhà đầu tư điện mặt trời có thể bắt tay với nhà sản xuất và nhà cung ứng ắc quy cho xe điện cùng đầu tư song hành, hình thành nên một chuỗi cung ứng bền vững.

Đầu tư điện mặt trời bền vững tại Việt Nam 3
Một mẫu ô tô điện của VinFast, hãng ô tô Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới

Việc khuyến khích sử dụng xe điện cá nhân và công cộng sẽ giúp cho các đô thị tại Việt Nam sạch hơn do không ô nhiễm khói bụi từ động cơ dốt trong. Cơ chế khuyến khích có thể tham khảo từ cơ chế khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời: trong một thời gian rất ngắn, hàng loạt nhà đầu tư đổ vốn vào điện mặt trời. Vậy, chúng ta có thể làm một cách tương tự để hút một lượng lớn người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện. Gần đây, VinFast giới thiệu xe ô tô điện đầu tiên do Việt Nam sản xuất cùng với việc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sắp cho thí điểm xe buýt điện là một động lực lớn giúp các đô thị trở nên sạch hơn và tạo động lực cho các doanh nghiệp năng lượng sạch có đầu ra.

Nguồn năng lượng nắng là vô tận, sự kết hợp giữa nhà phát điện mặt trời, nhà sản xuất thiết bị lưu trữ điện, nhà phân phối thiết bị lưu trữ điện và người tiêu dùng sử dụng động cơ điện sẽ giúp Việt Nam khai thác tối ưu nguồn năng lượng vô tận này phục vụ sản xuất và đời sống, giúp Việt Nam tiến đến thịnh vượng nhanh hơn.

Bình luận