Đừng để học phí trở thành rào cản học tập

(VOH) - Theo nghị định 86 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021, từ học kỳ 2 năm học này, học phí các trường đại học (ĐH) đồng loạt sẽ thay đổi.

Trước đó, các trường thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cũng đã tăng học phí ngay từ đầu năm học. Học phí tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho người học. Ảnh minh họa: TNO

Theo nghị định, sẽ có hai mức thu học phí khác nhau dành cho hai nhóm trường: trường công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động, gọi chung là trường tự chủ và nhóm trường chưa được tự chủ.

Cụ thể, đối với trường tự chủ, từ năm học 2015 – 2016 đến năm học  2017 – 2018, khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1,75 triệu/tháng. Khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục, thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch là hơn 2 triệu/tháng. Khối y dược là 4,4 triệu/tháng.

Đối với các trường chưa tự chủ, mức thu tương ứng với các nhóm ngành trên lần lượt là 610.000 đồng/tháng; 720.000 đồng/tháng và 880.000 đồng/tháng. Có một độ chênh rất lớn về học phí giữa hai nhóm trường.

Học phí tăng, chất lượng có tăng theo?

Nhiều trường cho rằng, mức tăng như trên là không đáng kể nên rất khó đòi hỏi tăng chất lượng đào tạo, nhất là đối với các trường chưa tự chủ. TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cho hay, trường sẽ thực hiện theo lộ trình tăng học phí theo quy định, nhưng sẽ linh động để không ảnh hưởng nhiều đến sinh viên.

Theo Ths Bùi Xuân Nhã, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nếu so sánh với học phí của các trường đại học trên thế giới thì ở ta quá thấp, còn nếu so với các nước trong khu vực, mức học phí cũng thấp hơn từ 15 – 25 lần. Theo nghị định này, bình quân học phí một sinh viên khoảng 6 triệu/năm nên bài toán chất lượng là rất khó, hiện các trường phải “liệu cơm gắp mắm”.
“Nếu chỉ tính toán một cách đơn giản, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì 20 - 25 sinh viên/giảng viên, nếu thu theo học phí thì khoảng 120 – 135 triệu/năm. Với mức này, một năm mà trả cho giảng viên mức thù lao như vậy họ sống còn khó, huống chi là cho toàn bộ các chi phí từ cơ sở vật chất, thực hành, thực tập, tiền giảng tiền lương giảng viên” - Ths Bùi Xuân Nhã, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, trường ĐH Nông Lâm TPHCM.

Trong khi đó, nhiều trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 – 2017 hiện đang áp dụng thu học phí theo đề án riêng của mình. Cụ thể, trường ĐH Mở TPHCM được thu học phí tối đa trong năm học 2015 – 2016 là 13 triệu đồng; trường ĐH Công Nghiệp TPHCM là 13,8 triệu đồng; trường ĐH Công Nghiệp Thực Phẩm TPHCM 16 triệu đồng…

Ths Trịnh Minh Huyền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, trường hiện áp dụng học phí theo đề án tự chủ, trong năm học này chưa áp dụng theo Nghị định 86. Hiện mức học phí được công khai trên trang web trường, năm học 2015 – 2016 bậc đại học gần 15 triệu đồng/năm.

Tương tự, trường ĐH Công nghiệp TPHCM công bố học phí đại học là 12,5 triệu đồng/năm.

Theo Ths Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Martketing TPHCM, nhà trường đã thông báo mức học phí cho cả năm học 2015 – 2016. Dự kiến, đầu năm học 2016 – 2017 nhà trường sẽ xem xét và cân nhắc mức học phí phù hợp sao cho không gây biến động đối với sinh viên.

Tăng học phí, có phải cứu cánh để nâng cao chất lượng giáo dục? Ảnh minh họa: Dân Trí

Cuộc đua nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thương hiệu trường

Có thể nhận thấy mức thu học phí đối với các trường tự chủ theo Nghị định 86 sẽ cao hơn so với học phí thu theo đề án thí điểm tự chủ mà các trường đang áp dụng, chính vì vậy các trường cũng đang cân nhắc tính toán.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chỉ có thu học phí cao mới có thể nâng chất lượng đào tạo lên. Trong khi đó, nếu tăng học phí, dù ít hay nhiều, cũng gây ảnh hưởng đến sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có thể là nguyên nhân chính cản trở việc học tập của họ. Do đó, đòi hỏi phải có các chính sách kèm theo dành cho người học, nhất là chính sách về học bổng, vay vốn tín dụng.

Ths Bùi Quang  Hùng, Trưởng phòng Tài chính Kế toán – Đại học Kinh tế TPHCM cho biết bên cạnh tăng học phí còn có các chính sách về hỗ trợ người học. Cụ thể, đối với các đối tượng được miễn giảm theo quy định của Nhà nước thì trường miễn giảm cho sinh viên theo đúng quy định. Những phần nào Nhà nước không cấp thì trường sẽ cấp bù phần chênh lệch đó. Ngoài ra, học bổng sẽ tăng lên. Thứ ba, trường có chính sách cho vay tín dụng, sinh viên được vay ở ngân hàng thương mại với lãi suất như lãi suất ngân hàng chính sách xã hội”

Học phí ở nhiều trường công lập đã bắt đầu tăng đáng kể và tương đương với mức học phí ở các trường ngoài công lập. Điều này đã đặt các trường ĐH một áp lực mới là chất lượng đào tạo phải tương xứng với chi phí mà người học đã bỏ ra. TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Công Nghiệp Thực Phẩm TPHCM cho rằng, ngay năm đầu tiên khi trường áp dụng thí điểm tự chủ, chưa thấy sự tác động trong tuyển sinh một cách rõ ràng. Thế nhưng, từ năm 2016 trở đi, sinh viên sẽ có sự cân nhắc về mức học phí giữa các trường trong tương quan với chất lượng đào tạo.

Song song với việc tăng học phí, cần tạo điều kiện cho người học bằng việc đẩy mạnh chính sách vay vốn tín dụng sinh viên, mở rộng đối tượng vay để sinh viên được hỗ trợ, bởi để được thụ hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng thì việc bỏ ra chi phí cao là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thời điểm này, Bộ GD-ĐT đang tiến hành sắp xếp lại hệ thống trường đại học thông qua việc phân tầng, xếp hạng trường đại học, trường đạt chuẩn quốc gia…để có những sự đầu tư đúng mức và tập trung hơn.