Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hiểu đúng về vắc xin viêm gan B

(VOH) - Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B mới đưa lại vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên những biến cố xảy ra gần đây trong quá trình tiêm chủng đã dấy lên những nghi ngại đối với các bậc phụ huynh khi tiêm phòng cho trẻ. Trường hợp bé Trần Mỹ Ngọc - 5 tháng tuổi tại tỉnh Bạc Liêu tử vong sau khi tiêm phòng và nhiều trường hợp khác, Viện Pasteur TPHCM và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xem xét và loại trừ nguyên nhân tử vong do vắc xin. Vậy, thực hư mức độ an toàn của vắc xin đối với sức khỏe hiện nay như thế nào?
Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng là loại vắc xin tái tổ hợp Quinvaxem (5 trong 1) để tiêm phòng viêm gan B cho trẻ.  (ảnh: soha)

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các quốc gia có nguy cơ mắc viêm gan B cao, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con khi sinh vào khoảng 10-13%, số người nhiễm viêm gan B trong giai đoạn trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ 65-80%...Chính vì vậy, chiến lược tiêm chủng rộng rãi vắc xin viêm gan B đã được WHO đưa ra nhằm giảm tỷ lệ ngay từ giai đoạn đầu của trẻ. Hiện nay mỗi năm, trên thế giới có hàng tỷ liều vắc xin viêm gan B được tiêm cho trẻ em.

Viêm gan do siêu vi B hiện là một trong các bệnh nhiễm siêu vi thường gặp nhất. Trên thế giới có khoảng 240 triệu người nhiễm siêu vi viêm gan B mãn tính, phổ biến ở các nước đang phát triển như châu Phi, hầu hết châu Á và vùng Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam nằm trong vùng có số người mắc viêm gan B mãn tính cao. Người mắc viêm gan siêu vi B có thể dẫn tới một số biến chứng về sức khỏe và gia tăng gánh nặng về chi phí chữa trị.



Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B bắt đầu được tiêm phòng cho trẻ từ năm 1997, trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP Hà Nội và TPHCM do nhiễm vi rút viêm gan B ở lứa tuổi sơ sinh rất dễ chuyển thành mãn tính và trở thành nguồn lây. Đến nay, loại vắc xin này đã được triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc. Tính đến năm 2011, Việt Nam giảm tỉ lệ đáng kể trẻ nhiễm viêm gan B (còn trên dưới 2%) nhờ tiêm ngừa vắc xin viêm gan B.

Nói về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngừa viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Bằng chứng về mặt miễn dịch học, dịch tễ học, ở thời điểm sơ sinh, nếu bà mẹ nhiễm vi rút viêm gan B thì 90% trẻ sinh ra từ người mẹ đó nhiễm vi rút viêm gan B và 90% đó sẽ tiến triển thành viêm gan mãn. Trong 90% này thì 30% tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Bằng chứng cho thấy, tiêm vắc xin viêm gan B sau sinh phòng được 90 – 95% lây truyền từ mẹ sang con…”


Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng là loại vắc xin tái tổ hợp Quinvaxem (5 trong 1) để tiêm phòng viêm gan B cho trẻ. Loại vắc xin này đã được WHO chứng nhận tiêu chuẩn và hiện được sử dụng tại 96 quốc gia. Theo tiến sĩ Trần Minh Như Nguyện – Đại diện WHO tại Việt Nam, loại vắc xin Quinvaxem có tính an toàn cao và trên thế giới chưa ghi nhận tình trạng nguy kịch sau khi tiêm. Đối với một số trường hợp phản ứng sau tiêm ngừa vắc xin xảy ra tại Việt Nam, cần xem xét kĩ lưỡng nguyên nhân gây tử vong cho trẻ: do trùng hợp ngẫu nhiên, do bệnh lý sẵn có của trẻ hay sai sót trong quá trình tiêm chủng…để tránh hiểu lầm về loại vắc xin này.

Khi được hỏi về những yếu tố chống chỉ định cần cân nhắc trước khi tiêm vắc xin cho trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển cho biết thêm: “Vắc xin rất an toàn, còn chống chỉ định khi tiêm vắc xin viêm gan B gần như không có theo Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên chúng ta vẫn rất cẩn thận và đưa ra yếu tố hoãn tiêm rộng. Trẻ suy giảm miễn dịch, trẻ sinh non, trẻ thiếu cân, trẻ có sốt cấp tính, mãn tính vẫn hoãn tiêm”.


Về cơ bản, sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem hay bất kì loại vắc xin nào, trẻ đều có thể gặp một số phản ứng thông thường như sốt, tấy đỏ ở vùng da bị tiêm tùy vào cơ địa và bệnh lý của trẻ. Theo WHO, thông thường chỉ có khoảng dưới 01 ca trong 1,1 triệu mũi tiêm viêm gan B phản ứng nặng sau tiêm chủng. Điều đó cũng cho thấy rằng, không có bất kỳ loại vắc xin nào an toàn tuyệt đối. Một số nước phát triển cũng lo ngại về những phản ứng sau tiêm ngừa, tuy nhiên các chương trình tiêm chủng vẫn được duy trì để tránh nguy cơ bùng phát trở lại các bệnh nhiễm trùng.

Trong 28 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng đã chứng tỏ hiệu quả, qua việc nước ta đã thanh toán được các bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván, nhiều bệnh khác đã giảm đáng kể như sởi, viêm gan. Tình hình mắc sởi từ hàng trăm ngàn ca mắc mỗi năm vào trước năm 1985 đến nay chỉ còn vài chục ca mỗi năm; tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B từ 5% xuống 2% vào 2010. Sau 28 năm thực hiện chương trình này, số trẻ được tiêm chủng dự phòng là 67 triệu trẻ, 42.000 trẻ thoát khỏi tử vong do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi.


Để người dân, đặc biệt là các vị phụ huynh yên tâm hơn khi tiêm ngừa cho trẻ, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình tiêm chủng, thường xuyên tập huấn cho các cán bộ phụ trách không chỉ về tiêm chủng an toàn mà còn đào tạo về mặt quản lý vắc xin, quản lý tiêm chủng, đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm và đáp ứng sau tiêm. Đặc biệt, cần nhanh chóng điều tra và thông tin đầy đủ về nguyên nhân gây tử vong sau tiêm phòng ở trẻ, để có câu trả lời thích đáng cho người dân và tránh tâm lý hoang mang, lo sợ đối với các bậc phụ huynh trong việc tiêm phòng cho con em mình.

Bình luận