Kêu gọi TikTok nhanh chóng áp dụng các quy tắc mới của EU

VOH - Ngày 19/7, Ủy viên châu Âu giám sát thị trường kỹ thuật số đã thúc giục nền tảng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc đẩy nhanh việc áp dụng các tiêu chuẩn mới của EU.

Các quy tắc nghiêm ngặt mới của châu Âu về tính minh bạch, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ trẻ em, thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch sẽ có hiệu lực vào tháng tới và những gã khổng lồ Internet đang chạy đua để tuân thủ.

Vào ngày 17/7, TikTok tiến hành một "bài kiểm tra căng thẳng" trên các hệ thống của mình tại trụ sở chính ở Châu Âu ở Dublin, để tìm hiểu xem liệu nền tảng này có thể thích ứng với Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU hay không.

Sau đó, Ủy viên Châu Âu Thierry Breton đã gọi điện cho Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew để nghe báo cáo diễn biến, đồng thời cảnh báo Shou Zi Chew: "Bây giờ là lúc phải tăng tốc để tuân thủ đầy đủ".

TikTok
TikTok cần nhanh chóng áp dụng các quy tắc mới của EU trước khi Đạo luật có hiệu lực.

Vào tháng 6, ông Breton đã gửi thông điệp tương tự tới nền tảng Twitter của Hoa Kỳ sau khi nền tảng này thực hiện một bài kiểm tra tương tự, được thiết kế để kiểm tra khả năng kiểm duyệt nội dung đáng ngờ.

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu yêu cầu các công ty phải quản lý rủi ro, để bên thứ ba độc lập tiến hành kiểm tra và chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu.

Các dịch vụ truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm lớn phải gỡ bỏ nội dung vi phạm quy định của đạo luật hoặc bị chính phủ các quốc gia châu Âu coi là bất hợp pháp. Bên cạnh đó, các công ty cũng cần cung cấp cho người dùng các công cụ để khiếu nại khi nền tảng đưa ra những quyết định không hợp lý.

Đạo luật cũng yêu cầu các công ty chia sẻ chi tiết về thuật toán điều hướng nội dung với cơ quan quản lý. Nếu không tuân thủ quy định trong đạo luật DSA, các công ty công nghệ lớn sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm trên toàn cầu.

Thậm chí, nếu hành vi trên tiếp tục tái diễn nhiều lần, dịch vụ đó có thể bị cấm tại châu Âu.

19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới được EU yêu cầu phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt hơn theo đạo luật DSA, đó là: AliExpress, Amazon Store, Apple App Store, Bing, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Search, Google  Journal.

Các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm nằm trong danh sách đều đang có hơn 45 triệu người dùng tại EU mỗi tháng, tương đương khoảng 10% dân số châu Âu.

Bình luận