Meta bị phạt 265 triệu euro vì không bảo mật nghiêm ngặt dữ liệu người dùng

(VOH) - Hồi tháng 4/2021, Cơ quan quản lý Ireland đã thông báo về việc mở một cuộc điều tra nhắm vào công ty mẹ của Facebook, sau khi dữ liệu của hơn 530 triệu người dùng bị rò rỉ vào năm 2019.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội Mỹ Meta, công ty mẹ của Facebook đã bị phạt 265 triệu euro vì không bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của người dùng, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu (DPC), cơ quan quản lý Ireland đại diện cho Liên minh Châu Âu (EU) thông báo vào thứ Hai 28/11.

Sau khi dữ liệu của hơn 530 triệu người dùng bị rò rỉ vào năm 2019, Cơ quan quản lý Ireland đã thông báo vào tháng 4/2021 về việc thay mặt cho EU mở cuộc điều tra nhắm vào Facebook, do trụ sở chính ở Châu Âu của công ty này được đặt tại Ireland.

Meta bị phạt 265 triệu euro vì không bảo mật nghiêm ngặt dữ liệu người dùng 1
Ảnh minh họa: AP

Cuộc điều tra này tập trung vào các công cụ: tìm kiếm trên Facebook, công cụ nhập danh bạ trên Facebook Messenger và công cụ nhập danh bạ trên Instagram từ ngày 25/5/2018 đến tháng 9/2019 và từ đó tìm hiểu xem liệu Meta có bảo vệ dữ liệu của người dùng theo quy định của Châu Âu.

Trong lần rò rỉ dữ liệu lớn này, tin tặc đã sử dụng đến phương pháp được gọi là "thu thập thông tin tự động" hoặc đánh cắp hồ sơ Facebook thông qua phần mềm tương tự chức năng của mạng xã hội giúp các thành viên dễ dàng tìm thấy bạn bè, từ đó thu thập danh sách liên lạc của hàng triệu người dùng.

Quyết định phạt tiền đối với Meta và các công ty con có liên quan đã được đưa ra vào thứ Sáu 25/11 sau những phát hiện về “vi phạm các quy định của Châu Âu”, DPC nêu rõ. Ngoài ra, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu đã ban hành "lệnh yêu cầu MPIL thực hiện một loạt hành động khắc phục" và phạt hành chính.

"Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mọi người là điều cần thiết trong cách thức hoạt động kinh doanh của chúng tôi", người phát ngôn của Meta đưa ra phản hồi vào thứ Sáu, theo tin của AFP. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đã hợp tác đầy đủ với Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu về vấn đề quan trọng này. Chúng tôi đã thực hiện các thay đổi đối với hệ thống của mình”, người phát ngôn khẳng định.

Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), có hiệu lực vào năm 2018 tại EU, trao nhiều quyền hơn cho các cơ quan quản lý để bảo vệ người tiêu dùng trước sự thống trị của Gafam như Facebook, Google, Apple và Twitter. Bốn công ty công nghệ lớn đã bị thu hút bởi chính sách thuế thuận lợi của Ireland nên đã chọn quốc gia này để đặt trụ sở của mình ở châu Âu.

Các quy định thể hiện rõ rằng các cơ quan quản lý có thể phạt tới 4% doanh thu toàn cầu của các công ty này trong trường hợp không tuân thủ.

Trong những năm gần đây, EU và một số quốc gia thành viên đã gia tăng tranh chấp với những gã khổng lồ kỹ thuật số của Mỹ về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như về thuế hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh, cùng một số vấn đề khác.