Phys đưa tin, 5,3 tỷ trong số khoảng 16 tỷ điện thoại di động trên thế giới có thể bị vứt vào sọt rác hoặc cất giữ. Nếu đặt chồng lên nhau, số điện thoại này sẽ cao tới 50.000 km, gấp hơn 100 lần độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Thông tin được đưa ra sau một cuộc khảo sát tại 6 nước châu Âu từ tháng 6 - 9/2022.
Điện thoại di động chỉ là phần nổi của tảng băng trôi nặng 44,48 triệu tấn rác thải điện tử không được tái chế hàng năm trên toàn cầu. Dù chứa vàng, bạc, đồng, palladi và một số thành phần có thể tái chế khác, nhưng hầu hết điện thoại di động không còn sử dụng sẽ bị cất giữ, vứt đi hoặc đốt bỏ, gây ra các vấn đề lớn về môi trường và sức khỏe.
Nếu không tái chế những vật liệu quý hiếm trong các thiết bị này, người ta sẽ phải khai thác chúng ở Trung Quốc hay Congo.
Nhằm hạn chế rác thải điện tử, tháng 10/2022, EU đã thông qua luật mới yêu cầu USB-C trở thành tiêu chuẩn sạc duy nhất cho tất cả điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy ảnh mới từ cuối năm 2024. Động thái này dự kiến sẽ giúp tiết kiệm hàng năm ít nhất 195 triệu USD và cắt giảm hơn 1.000 tấn rác thải điện tử của EU mỗi năm.
Ước tính trong các gia đình châu Âu, trung bình mỗi người tích trữ tới 5 kg thiết bị điện tử. 46% trong số 8.775 hộ gia đình được khảo sát coi tiềm năng sử dụng trong tương lai là lý do chính để cất giữ các thiết bị điện và điện tử nhỏ. 15% khác dự trữ thiết bị với ý định bán hoặc tặng, trong khi 13% giữ chúng làm kỉ niệm. Luật pháp ở châu Âu đã thúc đẩy tỷ lệ thu gom rác thải điện tử trong khu vực cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Ở cấp độ châu Âu, 50-55% chất thải điện tử được thu gom hoặc tái chế. Trong khi ở các quốc gia có thu nhập thấp, tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 5% và đôi khi thậm chí dưới 1%. |